Quản lý dữ liệu vườn cây bằng hệ thống thông tin địa lý GIS

CSVN – Với diện tích vườn cây tương đối lớn, trải dài trên nhiều địa hình khác nhau trong và ngoài nước, công tác quản lý của Tập đoàn vô cùng khó khăn. Mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng hệ thống quản lý chung thống nhất và sẽ triển khai đồng bộ đến các đơn vị.
Cao su Phú Riềng hiện đang ứng dụng phần mềm MapInfo kết hợp với phần mềm quản lý vườn cây trong công tác quản lý đất đai, vườn cây cao su của công ty. Ảnh: CTV
Cao su Phú Riềng hiện đang ứng dụng phần mềm MapInfo kết hợp với phần mềm quản lý vườn cây trong công tác quản lý đất đai, vườn cây cao su của công ty. Ảnh: CTV

Với hơn 400.000 ha vườn cây cao su trong và ngoài nước, VRG đang quản lý khối lượng cơ sở dữ liệu rất lớn về thông tin lãnh thổ và lý lịch vườn cây hàng năm.

Trong công tác quản lý về lãnh thổ và lý lịch vườn cây, mỗi công ty có thể quản lý vài nghìn ha cao su với chu kỳ canh tác lên đến hơn 25 năm thì cơ sở dữ liệu không gian và số liệu kiểm kê hàng năm chiếm một khối lượng công việc đáng kể. Tuy nhiên, việc quản lý vườn cây hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào các công cụ truyền thống như các văn bản, báo cáo, tài liệu, bản đồ giấy… nên hiệu quả chưa cao.

VRG hiện đang quản lý gần 300.000 ha cao su trong nước và 120.000 ha nước ngoài. Như vậy cơ sở dữ liệu vườn cây của Tập đoàn là vô cùng lớn và với phương pháp truyền thống sẽ gây ít nhiều khó khăn và chi phí tốn kém cho công tác quản lý lưu trữ dữ liệu và theo dõi đánh giá số liệu vườn cây.

Từ đó, lãnh đạo Tập đoàn đã giao cho Ban Quản lý kỹ thuật xây dựng kế hoạch đầu tư ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS và điện toán đám mây (Cloud computing) để quản lý dữ liệu mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Theo Ban Quản lý kỹ thuật, hiện nay nhiều công ty đã sử dụng phần mềm để xây dựng bản đồ kỹ thuật số quản lý vườn cây. Tuy nhiên, công nghệ ứng dụng chủ yếu vẫn là thiết kế bản đồ số có sự hỗ trợ của máy tính CAD (AutoCAD, MicroStation). Giải pháp “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và điện toán đám mây (Cloud computing) quản lý cơ sở dữ liệu vườn cây toàn Tập đoàn” là lựa chọn phù hợp, nhằm quản lý hiện trạng sử dụng đất, vườn cây, lãnh thổ, hỗ trợ các thông tin đa dạng kịp thời cho việc điều hành quản lý của Tập đoàn.

Ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện NCCS VN cho biết, hiện nay công nghệ 4.0 đã và đang là xu thế, hầu hết các công ty của VRG đã thực hiện tùy theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nên có một nhóm để thực hiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu cho toàn Tập đoàn.

Đồng quan điểm, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho rằng, xây dựng bản đồ số hóa là vấn đề cấp bách, cần thực hiện và phải làm để xây dựng hệ thống quản lý. Ban Quản lý kỹ thuật phải xây dựng dự án và đưa ra những yêu cầu cụ thể, có sự tham gia của Viện Nghiên cứu Cao su VN, Phòng Công nghệ Thông tin của Tập đoàn.

Ông Hà Văn Khương – TV HĐQT, Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG cho biết, hiện nay việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý vườn cây ở các đơn vị chưa thống nhất, mỗi nơi mỗi kiểu. Mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng được hệ thống, để thống nhất triển khai đồng bộ đến các đơn vị để quản lý. Trong thời gian tới, sẽ thành lập một tổ thực hiện với các thành viên liên quan, làm báo cáo và hoàn thiện tờ trình lãnh đạo trên cơ sở đó, lãnh đạo tập đoàn sẽ có sự chỉ đạo về vấn đề này.

MINH TÂM