Các dự án cao su của VRG tại nước ngoài thành công trên nhiều phương diện

CSVN – Trong 2 ngày 17 – 18/8, tại TP. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG đã tham dự Hội nghị lần 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước VN – Lào – Campuchia với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển”, do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội VN chủ trì tổ chức.
Hội nghị lần 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước VN – Lào - Campuchia. Ảnh: CTV
Hội nghị lần 7 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước VN – Lào – Campuchia. Ảnh: CTV
Thành công của các dự án cao su

Tại hội nghị, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG đã báo cáo kết quả đầu tư các dự án cao su của VRG tại Lào và Campuchia. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VRG đã triển khai chương trình đầu tư trồng cao su tại Lào từ năm 2005 và Campuchia từ năm 2007; với tổng số vốn đăng ký hơn 1,43 tỷ USD.

Tính đến cuối năm 2018, tại Lào diện tích cao su là 26.661,46 ha/33.132 ha đăng ký và đã có 4/6 công ty đang tổ chức khai thác; tại Campuchia diện tích cao su là 87.892 ha/120.291 ha đăng ký và đã có 12/16 công ty đang tổ chức khai thác.

Trong Khu vực Tam giác phát triển, Tập đoàn có 3 đơn vị thành viên tại Lào và 9 đơn vị tại Campuchia đầu tư các dự án phát triển cao su. Tính đến cuối năm 2018, 3 đơn vị tại Lào có 17.096 ha cao su (chiếm 64,1% diện tích cao su tại Lào của Tập đoàn), có  2/3 công ty đã khai thác, với sản lượng khai thác là 25.964 tấn (chiếm 81,4% sản lượng khai thác toàn khu vực Lào của Tập đoàn). Năm 2019, 2 đơn vị này sẽ có kế hoạch khai thác với sản lượng là 27.390 tấn.

Kết quả kinh doanh của 2 đơn vị này tốt, có doanh thu và lợi nhuận; năm 2018, Công ty CPCS Việt Lào đã chuyển lợi nhuận về nước.

Tính đến cuối năm 2018, 9 đơn vị tại Campuchia có 34.971 ha cao su (chiếm 39,8% diện tích cao su tại Campuchia của Tập đoàn), có 6/9 công ty đã khai thác, với sản lượng khai thác là 9.747 tấn (chiếm 27% sản lượng khai thác toàn khu vực Campuchia của Tập đoàn). Năm 2019, 9/9 đơn vị này sẽ có kế hoạch khai thác với sản lượng là 16.000 tấn.

Dự án cao su của VRG ở nước ngoài đã thành công trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao và tô thắm tình hữu nghị VN – Lào – Campuchia.

VRG luôn thực hiện phát triển bền vững

Là một Tập đoàn có quy mô lớn và ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, Ban lãnh đạo VRG nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của một doanh nghiệp phát triển bền vững là gắn liền với 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế – bảo vệ môi trường – trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

Kể từ khi triển khai chương trình phát triển cao su ở Lào và Campuchia từ năm 2007 đến nay, VRG đã đầu tư xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ cho người dân trong và quanh vùng dự án, gồm: 1.850 km đường giao thông, 67 km đường điện, 30 trạm xá, 18 trường học, 100 giếng nước, 7 công trình tôn giáo… Ngoài ra, các dự án cao su đã đóng góp hỗ trợ cho địa phương xây hoặc sửa cầu đường, trường học, chợ, trụ sở làm việc của địa phương, nhà bảo vệ rừng… Qua đó, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy giữa doanh nghiệp và cộng đồng, mang đến lợi ích về cơ sở hạ tầng cho vùng dự án và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

VRG luôn chú trọng, quan tâm ưu tiên tạo việc làm cho cộng đồng dân cư quanh vùng dự án, đem lại thu nhập ổn định cho 14.000 người dân địa phương với thu nhập bình quân trên 5,3 triệu đồng/tháng/ người; xây dựng hơn 4.410 nhà ở cho công nhân nhằm chia sẻ những khó khăn và có nơi an cư cho người lao động. Các công ty cao su luôn làm tốt công tác giải quyết các chế độ chính sách theo quy định như bảo hiểm  xã  hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, khám sức khỏe… theo pháp luật VN và pháp luật Campuchia, Lào. Đặc biệt, các công ty cao su luôn tích cực tham gia đóng góp các quỹ từ thiện, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi do địa phương vận động.

Các công ty cao su đã làm tốt chính sách an sinh xã hội, đời sống của công nhân từng bước được nâng cao, tạo hiệu ứng mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư. Lãnh đạo các cấp tại Lào, Campuchia đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các công ty cao su trực thuộc VRG và luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án cao su phát triển bền vững.

5 kiến nghị thiết thực của VRG

Dự án đầu tư cao su có thời gian thu hồi vốn dài; đầu tư vào những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới thiếu thốn về cơ sở hạ tầng lẫn cơ sở an sinh xã hội; quá trình thực hiện đầu tư gặp khá nhiều khó khăn do khác biệt về luật pháp, văn hóa; cơ chế đầu tư nước ngoài còn nhiều bất cập… Trong khi đó, các dự án cao su ở nước ngoài của Tập đoàn có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng… Do vậy, để dự án cao su thành công cần có sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, các Bộ ngành về cơ chế, quan điểm đánh giá để tạo động lực cho các dự án phát triển ngày càng tốt hơn. Với quan điểm trên, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan tại Hội nghị, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trao đổi, đàm phán với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng của Campuchia để xem xét tháo gỡ mức thuế thu trước tính trên 1% doanh thu phát sinh. Trước mắt, tạm thời chưa thu đối với các công ty kinh doanh còn lỗ trong những năm đầu; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm mức giá cao su khởi điểm để áp thuế xuất khẩu, tiến tới miễn – giảm thuế xuất khẩu, nghiên cứu ký kết hiệp định ưu đãi, hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn hoạt động ổn định.

Thứ hai, có cơ chế phối hợp, giải quyết chế độ bảo hiểm đối với người lao động VN sang làm việc tại Campuchia.

Thứ ba, đến nay hai nước chưa có hiệp định về lao động nên Bộ Lao động Campuchia và Sở Lao động các tỉnh thường xuyên kiểm tra cán bộ người VN. Hơn nữa, thủ tục làm visa lao động, lưu trú cho người lao động phức tạp và tốn nhiều chi phí, đây là điểm chưa phù hợp với cam kết chung trong khu vực “Tam giác phát triển”. Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành làm việc với Chính phủ Lào và Campuchia có chính sách hợp lý để khắc phục các khó khăn trên.

Thứ tư, các Bộ, ngành, Đại sứ của VN tại nước sở tại tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin, liên tục cập nhật các chính sách mới của nước bạn và cung cấp cho các doanh nghiệp VN đầu tư tại Campuchia và Lào để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt quy định để tuân thủ cũng như kịp hưởng các chính sách ưu đãi của nước bạn (nếu có). Tổ chức biên soạn, dịch tài liệu về luật pháp, chính sách, môi trường và cơ hội đầu tư tại thị trường Campuchia và Lào để cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý thông qua các ấn phẩm cũng như qua mạng Internet.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành TW có ý kiến, thảo luận với Chính phủ, cơ quan hữu quan tại Campuchia và Lào tạo điều kiện thông thoáng, giảm thủ tục hành chính và áp chi phí xuất khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn nhập khẩu phân bón, máy móc thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy chế biến… và kinh doanh cao su hiệu quả trong thời gian tới.

THIÊN HƯƠNG