Khẩn trương hoàn thành tôn tạo khu di tích Phú Riềng Đỏ

CSVN – Chúng tôi tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN, Công ty CPCS Đồng Phú kiểm tra tiến độ công trình tôn tạo Khu Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ, vào ngày 20/8. Trong giai đoạn cao điểm của công trình tôn tạo, những công nhân đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục với lòng tự hào và quyết tâm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của công nhân cao su.
Công nhân đang trải nhựa mặt bằng khuôn viên khu di tích.
Công nhân đang trải nhựa mặt bằng khuôn viên khu di tích. Ảnh: Vũ Phong
Công trình dự kiến hoàn thành ngày 20/9

Trên diện tích 0,4 ha trước đây, công trình tôn tạo Khu Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ được mở rộng, xây dựng trên diện tích 0,8 ha gồm các hạng mục trọng điểm: khuôn viên khu di tích, khu vực làm lễ, nhà bia, nhà chờ, cổng chào… Thời gian xây dựng công trình 3 tháng. Công trình được giao cho Phòng Kế hoạch, Công ty CPCS Đồng Phú thực hiện.

Đến cuối tháng 8, công trình đạt hơn 80% tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành ngày 20/9 để nghiệm thu. Trong không khí hăng say, hối hả của giai đoạn cao điểm thực hiện công trình, anh Nguyễn Tấn Sơn – công nhân (CN) xây dựng, hào hứng: “Anh em chúng tôi tập trung cao độ, cố gắng hoàn thành công trình sớm hơn thời gian dự kiến. Chúng tôi được lãnh đạo công ty chia sẻ nên hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của công trình. Chính vì vậy, anh em đi làm sớm hơn và về muộn hơn”. Trong các hạng mục, nhà bia được làm công phu nhất. Anh Nguyễn Văn Hiếu – CN xây dựng, chia sẻ: “Nhà bia đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn với những chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự khéo léo và tuyệt đối. Chính vì vậy người thợ tốn nhiều thời gian canh từng đường chỉ, chữ, họa tiết…”

Tự hào truyền thống vẻ vang

Vừa xem xét tiến độ công trình tôn tạo Khu Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn (CĐ) CSVN vừa ôn lại truyền thống hào hùng của CN cao su. Cả cuộc đời gắn bó với cây cao su, truyền thống 90 năm như ngấm vào máu thịt ông. Dừng lại ở tượng đài Phú Riềng Đỏ được xây dựng từ năm 1985, ông Hùng kể: Từ chiếc nôi Phú Riềng Đỏ đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, kiên cường của thế hệ CN cao su, làm rạng danh những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/1985), CTCS Đồng Phú đã xây dựng Đài tưởng niệm Phú Riềng Đỏ tại Làng 3, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ngày 12/2/1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã công nhận Khu Di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cổng chào khu di tích đang được xây dựng. Ảnh: Vũ Phong
Cổng chào khu di tích đang được xây dựng. Ảnh: Vũ Phong

Ông Hồ Cường – TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú, chia sẻ: “Từ khi được xây dựng đến nay, Khu Di   tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ ngành cao su cũng như của nhân dân tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng đã khá lâu nên nhiều hạng mục xuống cấp, các công trình phụ trợ cũng chưa có để phục vụ việc trưng bày, giới thiệu lịch sử di tích, lịch sử truyền thống ngành cũng như là nơi họp mặt kỷ niệm, dâng hương, du lịch văn hóa truyền thống”.

Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN, VRG và CĐ CSVN đã vận động NLĐ đóng góp tôn tạo Khu di tích. “Ngày 24/6, VRG đã tổ chức Lễ khởi công tôn tạo các hạng mục trọng điểm tại Khu Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ. Các hạng mục tôn tạo, gồm: Khuôn viên khu di tích, khu vực làm lễ, nhà bia, nhà chờ, cổng chào… Đây là một trong 27 chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống. Công trình có kinh phí 5,5 tỷ đồng. Trong đó, CĐ CSVN đóng góp 2 tỷ đồng, số tiền còn lại do NLĐ đóng góp. Đây là công trình có nhiều ý nghĩa để lại cho thế hệ sau. Đồng thời giáo dục, giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của công nhân cao su anh hùng. Công trình sẽ hoàn thành trước Lễ kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Cao su VN” , ông Phan Mạnh Hùng, cho biết.

Đoàn Thanh niên VRG với công trình Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga

Trong dòng thác cách mạng VN, bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố lịch sử dân tộc, CN cao su VN đã hòa vào dòng thác cách mạng đó để giải phóng dân tộc, kháng chiến thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông Nguyễn Mạnh Hồng – nguyên công tra Đồn điền Cao su Phú Riềng là một trong 6 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập trên địa bàn xã Thuận Lợi, nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vào ngày 28/10/1929.

Ông Dương Thanh Bạch – Nguyên Phó Bí thư Đoàn Thanh niên (ĐTN) Cao su Đồng Phú, nhớ lại: “Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Mạnh Hồng trở thành nhân chứng sống của sự kiện lịch sử về sự ra đời của Chi bộ Cao su đầu tiên. Năm 1986, khi đã ngoài 80 tuổi, ông trở lại thăm Đồn điền Cao su Phú Riềng năm xưa, lúc này là Công ty Cao su Đồng Phú. Ông xúc động trong nước mắt kể lại chuyện đấu tranh gian khổ của công nhân cao su đã làm nên huyền thoại Phú Riềng Đỏ hào hùng. Năm 1987, với sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền, ĐTN Cao su Đồng Phú đã vận động ĐVTN tham gia xây dựng Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga. Đây cũng là nơi tổ chức sinh hoạt Chi bộ Phú Riềng Đỏ kỷ niệm 12 năm Cách mạng Tháng 10 Nga và kết nạp Đảng cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng”.

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN, ĐTN VRG thực hiện công trình thanh niên Xây dựng hệ thống khuôn viên tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga. Anh Thái Bảo Tri –Bí thư ĐTN VRG, cho biết: “Thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự tri ân của tuổi trẻ VRG đối với sự hy sinh to lớn, công ơn của các vị tiền bối, các thế hệ cha ông đi trước trong xây dựng và phát triển ngành cao su VN nói chung và VRG nói riêng, ĐTN VRG thực hiện công trình Thanh niên Xây dựng hệ thống khuôn viên tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga. Thời gian khởi công tháng 9 và hoàn thành gắn biển công trình tháng 10, kinh phí xây dựng là 650 triệu đồng”.

Phụ trách xây dựng 2 công trình tôn tạo Khu Di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ và Xây dựng hệ thống khuôn viên tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, anh Nguyễn Thanh Huy – Trưởng Phòng Kế hoạch Cao su Đồng Phú, chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống công nhân cao su, tôi hiểu rõ giá trị lịch sử quý báu cần được bảo tồn. Hai công trình do CĐ CSVN và ĐTN VRG vận động NLĐ ngành cao su thực hiện vô cùng ý nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống tốt nhất cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện 2 công trình đúng tiến độ với sự trân quý, biết ơn các thế hệ cha ông”.

TRẦN HUỲNH