CSVN – Trước một số ý kiến hoài nghi về hiệu quả kinh tế của cây cao su mang lại không cao (*), ảnh hưởng đến đời sống công nhân, nên thay đổi cây cao su để làm các dự án có hiệu quả hơn tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, qua tìm hiểu thực tế của CTV Tạp chí CSVN, thì hoàn toàn trái ngược với nhận định trên.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là NT Phan Đình Phùng. Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Tân (công nhân đội 2) vui vẻ cho biết, “Tôi gắn bó với nông trường này đã hơn 12 năm, sau một thời gian gặp khó khăn, đến nay nông trường đã hoạt động ổn định trở lại. Nhờ đó, mà đời sống công nhân được đảm bảo, thu nhập ổn định, bình quân tháng từ 8 -10 triệu đồng, có những tay cạo xuất sắc lương tháng 5,6 vừa rồi đạt 15 triệu đồng/ tháng, cùng với đó là chế độ lương thưởng rất tốt, Công đoàn rất quan tâm đến việc làm, đời sống của CNLĐ chúng tôi”.
Cùng chung niềm vui đó, chị Đặng Thị Huệ chia sẻ, gia đình chị gắn bó với cây cao su gần 14 năm.
Năm nay, ai cũng mừng vì thay đổi phương pháp thu hoạch, chuyển đổi từ mủ nước sang thu hoạch mủ đông, 2-3 ngày thu gom 1 lần, cách chuyển đổi này không những tiết kiệm được ngày công, mà tăng năng suất, không tiêu hao mủ. Công việc mệt mà vui vì sản lượng tăng lên. Hiện nay, gia đình chị Huệ cả hai vợ chồng lương tháng đạt từ 17-18 triệu đồng/tháng. Nhờ cây cao su mà gia đình chị vượt qua cái nghèo, cuộc sống ngày một ổn định, phát triển, con cái được ăn học.
Ông Nguyễn Văn Long – Giám đốc NT Phan Đình Phùng cho hay: “Nông trường hiện nay có 594 ha cao su đang khai thác với 103 công nhân, là một trong những nông trường có sản lượng mủ nhiều nhất của công ty, năng suất luôn đạt từ 1,2 tấn/ha, có những nơi 1,5-1,8 tấn/ha. Trong 3 tháng gần đây, lương bình quân công nhân đạt 8,7 triệu đồng/ tháng, cá biệt có tháng đạt 15 triệu. Vì thế, công nhân rất vui mừng, phấn khởi và háo hức lao động sản xuất, chăm sóc, khai thác vườn cây”.
Rời NT Phan Đình Phùng, chúng tôi đến NT Hàm Nghi. Vẫn bạt ngàn những cánh rừng cao su xanh tốt, phủ kín trên những cánh rừng đầu nguồn bên cạnh nét mặt vui tươi của các anh chị công nhân đang hối hả thu hoạch sản phẩm mủ đông, bộ phận bốc xếp đang khẩn trương bốc vội lên xe tải lớn, về nhà máy chế biến thành phẩm cho kịp chuyến xuất bán.
Xong việc, chị Lê Thị Hòa (công nhân đội 3) vừa lau những giọt mồ hôi còn vương trên trán, vừa vui vẻ cho chúng tôi biết: “Các anh thấy đó, kết quả 2 ngày lao động vất vả là 1 xe đầy ắp mủ đông. Mấy năm nay, công nhân ở đây rất vui mừng vì sản lượng mủ cao, giá cả dần ổn định, thu nhập của người lao động ngày một tăng lên rõ rệt. Riêng phần tôi, mỗi tháng thu nhập gần 8, 7 triệu, nếu đỉnh điểm cũng xấp xỉ gần cả chục triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn ngành luôn quan tâm sâu sát đến đời sống công nhân lao động, mọi chế độ, quyền lợi đầy đủ như BHXH…”.
ANH BÌNH – PHAN TIẾN
Related posts:
- Cao su Bình Long về trước kế hoạch 22 ngày
- Thêm công cụ bảo vệ quyền lợi người lao động
- VRG ký kết hợp tác truyền thông với báo Tiền Phong
- Sẽ mở rộng diện tích Khu công nghiệp Tân Bình
- TCT cao su Đồng Nai: Đồng hành cùng địa phương và khu vực trong định hướng phát triển bền vững
- Trường CĐ CNCS: Chỉ tiêu tuyển sinh đạt trên 150%
- Sôi nổi hội thao Cao su Bà Rịa
- Ký quy chế phối hợp giữa Đảng ủy VRG và Tỉnh ủy Sơn La
- VRG ủng hộ 210 triệu đồng cho Quỹ học bổng tỉnh Bình Phước
- Nông trường Plei Kần (Kon Tum) hỗ trợ công nhân vượt khó