Mưa trên miền đất đỏ

CSVN – Tháng 7 với những cơn mưa dài không dứt. Ở xứ này, mỗi năm vào mùa mưa cao điểm là vậy. Những con đường đất đỏ bụi mù đã được thay bằng những con đường thử thách các tay lái, vì mưa xuống đất rất trơn, xe chạy không có độ bám nên thường bị  té. Tôi đã từng vài lần như vậy, sau đó học hỏi kinh nghiệm của các anh chị sống lâu năm ở đây là phải xì bớt hơi của bánh xe thì xe sẽ đỡ lạng lách khi đi vào mùa mưa.
Vườn cây Cao su Việt - Lào. Ảnh: Vũ Phong
Vườn cây Cao su Việt – Lào. Ảnh: Vũ Phong

Mùa nào cũng có cái vất vả, không bụi thì trơn trượt, không nắng đến cháy cả da thì lại mưa đến ngập cả đường. Ấy vậy mà cũng chẳng có mấy khi nghe thấy những lời than thở, chỉ là hôm nào thấy một bạn đồng nghiệp người lấm lem bùn đất, là biết bạn bị té xe hoặc trượt chân, hỏi thăm nhau vài câu, giúp nhau vài miếng dán giảm đau, vài chai dầu gió, chỉ vậy thôi là thấy ấm áp.

Những con đường lô ít khi bằng phẳng mà thường là đèo dốc, chỉ đi không thôi đã khó, vậy mới thấy thương cho những người công nhân, họ chở mủ được đến trạm an toàn là cả một vấn đề. Những nụ cười ở trạm giao nhận mủ cùng với những giọt mồ hôi rơi luôn khiến tôi rất xúc động.

Cũng chính vì đặc trưng đất trơn trượt nên người dân Lào đã sáng chế ra những chiếc xe chở mủ độc đáo, dễ đi vào mùa mưa. Những chiếc xe máy được gắn thêm 1 cái rơmooc nhỏ chở hàng , giống như xe lôi của Việt Nam ngày xưa. Có điều cái rơmooc được gắn bên hông xe thay vì phía sau xe. Cái rơmooc nhỏ này ngoài tác dụng chở hàng hóa thì còn làm cho chiếc xe có độ thăng bằng cao khi đi vào các con đường đất trơn trượt, ít độ bám.

Tháng 7 mưa ngâu, sau bao nhiêu ngày nắng nóng đỉnh điểm, dường như ông trời hào phóng quá ban cho vùng đất này những cơn mưa dài không ngớt. Cứ mỗi đêm chúng tôi lại nhìn trời, rồi theo dõi dự báo thời tiết để tranh thủ thời gian khai thác, bởi mùa cạo hầu hết là vướng mưa, nếu không tranh thủ thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhiều trí thức trẻ, có rất nhiều lựa chọn khác, nhưng đã chọn về với mảnh đất này, mảnh đất xa xôi chỉ toàn cây với cây. Nhưng “đất mến người”, níu chân người, bằng một cách nào đó, mà rất nhiều người vẫn vượt qua gian khó để gắn bó với nơi này từ những ngày đầu khai hoang trồng mới. Có nhiều con đường để đi, để lập nghiệp, nhưng tôi và các bạn của tôi đều chọn con đường lô thay cho những con đường phố xá đông vui. Con đường hàng ngày chúng tôi đi có bóng cây rợp mát, có tiếng chim hót, có mùi nhựa thơm nồng.

Có những diện tích lô nằm giữa những bản làng của người Lào, ngày ngày đi qua thấy được sự đổi thay trong cuộc sống của họ mà lòng chúng tôi thấy ấm áp và tự hào về cây cao su. Đối với người công nhân Lào, giờ đây việc mua ô tô là chuyện bình thường, với mức lương hiện tại họ đủ tiền trả góp hằng tháng và đủ tiền cho sinh hoạt, sau một vài năm thì họ đã sở hữu được những chiếc ô tô mới trị giá cao.

Có lẽ trải qua được mùa mưa ở vùng đất này coi như đã trải qua được “bài kiểm tra đầu vào” để có thể gắn bó lâu dài. Mỗi năm vào ngày khởi cạo, chúng tôi đều thành tâm cầu trời đất mưa thuận gió hòa để một mùa khai thác được thuận lợi. Có lẽ nghề nào cũng có cái khó riêng, và cũng có những sự thu hút riêng. Cao su cũng như vậy, những sự ưu đãi của cây dành cho người, sự quan tâm của toàn ngành dành cho người lao động đã vượt lên mọi gian khó để níu giữ những con người thủy chung gắn bó với ngành cả lúc hưng thịnh lẫn lúc khó khăn. Có những ngày mưa triền miên phải tạm ngưng khai thác, chúng tôi nhìn nhau buồn tênh, rồi động viên lẫn nhau “ngày nắng thì cố gắng vận động công nhân đi làm đầy đủ rồi thì cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.

Giọt mồ hôi rơi đổi lấy từng giọt mủ. Nhưng cho dù vất vả đến đâu khi thấy được thành quả mang lại thì niềm hân hoan giúp chúng tôi quên hết những nhọc nhằn.

                                                                                                                              H.N

Bachiang, ngày 30/07/2019