“Về nhà đi con” – thông điệp của tình yêu thương

CSVN – “Con yêu ơi, mong con luôn được bình yên” – Những ca từ thể hiện tình yêu thương của đấng sinh thành trong bộ phim truyền hình “Về nhà đi con”, để thấy được, gia đình là nơi con quay về, là nơi dang rộng vòng tay khi con bị đổ vỡ trong hôn nhân và thất bại trong cuộc sống.

trailer-ve-nha-di-con

Mỗi nhân vật là một cuộc đời

“Về nhà đi con” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng là bộ phim truyền hình nhiều tập, đề cập một đề tài không mới: Tình cảm gia đình, nhưng đã chạm tới trái tim khán giả nhờ bối cảnh, diễn biến và câu chuyện gần gũi, tạo ra sự đồng cảm với tuyến nhân vật được xây dựng trong phim.

Ở đó người xem bắt gặp một người đàn ông góa vợ tên Sơn (NSƯT Trung Anh) khắc khổ, bảo thủ nhưng lại có một tình yêu thương con vô bờ bến, luôn dõi theo nỗi niềm của các con gái và đau đáu “con yêu ơi, mong con luôn được bình yên”. Chị cả Huệ (Thu Quỳnh) dịu dàng, điềm đạm thay mẹ nuôi dạy các em, chị hai Thư (Bảo Thanh) xinh đẹp, sắc sảo và thực dụng, chỉ mong kiếm được chồng giàu có để phụng dưỡng bố và cô em út Ánh Dương (Bảo Hân) bộc trực, thẳng thắn như con trai …

Mỗi nhân vật khắc họa một kiểu người điển hình trong đời thực, mỗi câu chuyện trong phim đều đại diện cho một mối quan hệ điển hình trong đời sống ngày nay. Tiêu biểu nhất có thể nhắc tới cuộc hôn nhân của Huệ và Khải với câu chuyện người chồng gia trưởng, một bà cô bên chồng lắm lời, hay muôn vàn tật xấu của đàn ông trong xã hội hiện đại.

Và, đó là mối quan hệ giữa Thư và Vũ, đại diện cho lớp trẻ trưởng thành, với những mối quan hệ chưa muốn có sự ràng buộc, những toan tính được mất trong “Hợp đồng hôn nhân”, rồi cả những sai lầm không thể cứu vãn được. Cuối cùng là cô em gái út Dương, cô nàng “tomboyloichoi” cá tính, với niềm đam mê game và tính cách mạnh mẽ tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Có thể thấy, hội thoại nhân vật có lẽ là ưu điểm mạnh nhất của “Về nhà đi con”. Đó là những lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày, kết hợp với những cụm từ có vần điệu dễ nhớ, thêm vào một chút triết lý được mềm hóa như lời bông đùa. Tất cả được chuyển tải qua diễn xuất tự nhiên của các diễn viên, mang lại cảm giác vừa chân thật vừa sâu sắc, kích thích người nghe học theo sử dụng, cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Về nhà là về chốn bình yên

“Về nhà đi con” đem đến nhiều tình tiết thực tế, nhân văn, tôn lên ý nghĩa và giá trị của một gia đình trong xã hội hiện đại. Đan xen những khía cạnh cảm động, kịch tính là những tình huống hài hước, dí dỏm, thậm chí là “dở khóc dở cười” của các nhân vật trong phim.

Trải qua nhiều biến cố, những giọt nước mắt đã rơi, những kết cục cay đắng và ngọt ngào… họ mới hiểu ra và càng cảm thấy trân quý tình cảm gia đình, tình cha con, chị em. Điều may mắn của ba chị em trên con đường kiếm tìm hạnh phúc là họ luôn có điểm tựa từ ông Sơn – người bố tận tụy hết mực yêu thương các con.

Khi con gái đổ vỡ trong hôn nhân, ông Sơn an  ủi, ôm con vào lòng và bảo vệ con. Với ông: “Giờ bố chẳng có gì ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm, nhưng bố còn tình yêu và ngôi nhà để bất cứ lúc nào con cũng có thể trở về”…

Với một đề tài rất cũ lại có thể trở thành bộ phim truyền hình có sức nóng và độ phủ sóng mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây? Có thể bộ phim đã bắt trúng tâm lý cố hữu của người Việt: “Nhà là nơi để về” – chỉ có gia đình mới có thể mang lại cho con cái những sự bình yên, bảo bọc và bao dung mỗi khi mệt mỏi hay thất bại trong cuộc sống.

“Về nhà đi con”, một lần nữa khẳng định giá trị bất biến của hai tiếng “gia đình”. Quay về nhà là quay  về nơi bình yên, để vết thương lành lại, suy ngẫm, có thêm dũng khí, sức lực để vững vàng đi tiếp con đường phía trước.

MINH KHÔI