CSVN – Tháng 8 – mùa mưa của Nam Lào, trời Pakse âm u tối mịt dù đã 8 giờ sáng. Ngoài trời mưa từng đợt khi lắc rắc, lúc nặng hạt. Anh Nguyễn Tiến Dũng – Phó TGĐ Công ty CPCS Việt – Lào nói với tôi: “Mưa vậy chưa chắc đã cạo mủ được, anh em mình ăn sáng xong xuống nhà máy chế biến khỏi đi vườn cây nhé!”. “Thôi, theo chương trình, ta cứ đi vườn cây đã, nếu còn thời gian thì đi nhà máy cũng được”, tôi nói.
Khoảng 10 giờ chúng tôi đã có mặt ở khu D, vườn cây Nông trường 4, gặp anh Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc nông trường, cho biết: “Nông trường 4 có 2.538 ha cao su khai thác, với 525 CN chia thành 16 tổ, tùy theo địa hình mỗi tổ từ 30 – 40 người. Kế hoạch công ty giao nông trường năm 2019 là 5.339 tấn. Hết tháng 7 nông trường đã đạt 61% kế hoạch tức đạt trên 3.250 tấn. Như vậy, nông trường năm nay chắc chắn vượt kế hoạch được giao”.
Đưa tôi đi một số tổ, điều đáng ngạc nhiên là ý thức của hầu hết CN người Lào rất tự giác. Hầu như mấy ngày mưa do hoàn lưu cơn bão số 3, nhưng CN trong tổ, nông trường canh thời tiết không nghỉ cạo. Trước đây, chỉ cần có mưa là CN nghỉ cạo, vận động ra lô không được, nay đã có sự chuyển biến nhận thức rất rõ. Nhìn vườn cây, dù trong mưa ướt, đường trơn lầy lội, nhưng cả 16 tổ không vắng một tay dao nào.
Anh Thảo Khiêm – CN tổ 16, trước đây làm công cho một nhà máy chế biến mủ ở miền Nam Thái Lan, công việc ở đó không vất vả như đi cạo mủ nhưng ngày càng khó khăn, nên anh đã quay về và vào làm CN Nông trường 4 được 3 năm. Anh xác định sẽ gắn bó với nông trường lâu dài bằng trách nhiệm cao nhất. Còn anh Phan, CN Nông trường 4, dân huyện BunThong gần biên giới với Thái Lan, có thâm niên cạo mủ 3 năm ở Thái chia sẻ: “Bên Thái đều là vườn cây tiểu điền, trả lương cho mình theo kiểu ăn chia sản phẩm. Người đi cạo hưởng 4 phần, chủ 6 phần, kể ra cũng có thu nhập nhưng mình là người nhập cư phải chi phí rất nhiều khoản nên cũng không khá nổi, trong khi hiện nay lương tại Công ty Việt – Lào được nhận cũng trên 3 triệu kíp/tháng (khoảng xấp xỉ 8 triệu đồng) cũng không thua gì thu nhập ở Thái Lan nhưng lại giảm các chi phí nên CN rất yên tâm”.
Anh Vui cho biết thêm, toàn nông trường có 120 lao động trước đây cạo mủ ở Thái Lan xin vào làm CN. Sau 3 năm làm việc, số lao động này vừa có tay nghề, lại có ý thức khá tốt với công việc, giúp thúc đẩy toàn nông trường vượt khó hoàn thành KH của công ty. Nông trường 4 đã có 4 năm là nông trường 2 tấn. Năm 2018, năng suất vườn cây của nông trường đạt 2,45 tấn/ha, năng suất lao động xấp xỉ 10 tấn/lao động. Quả thực, đó là những điểm sáng giữa mùa mưa ở Nam Lào tại Công ty CPCS Việt – Lào.
Rời vườn cây đi nhà máy chế biến, tại xưởng chế biến mủ SVR10, nhà máy hoạt động 2 ca. Tôi nhìn thấy, một đoàn xe tải đang nhận hàng khá nhộn nhịp. Anh Ngô Quyền – TGĐ công ty cho biết, sản phẩm SVR10 công ty không đủ bán, sản xuất được tấn nào, khách hàng đưa xe đến mua hết tấn đó.
Tình cờ tôi gặp đoàn công tác của Trung tâm Y tế Cao su do bác sĩ Lê Quốc Chính làm trưởng đoàn đang khám sức khỏe cho CN nhà máy chế biến. Bác sĩ Chính cho hay: “Lần này đoàn qua khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể NLĐ của 2 công ty Quasa và Việt – Lào. Tại Công ty Việt – Lào đoàn đã khám cho 1.600 CN người Lào và hơn 500 NLĐ khác. Hôm nay khám cho đơn vị cuối cùng tại nhà máy chế biến”.
Nhìn những gương mặt thân quen của các y bác sĩ Trung tâm Y tế Cao su, các anh chị qua Lào thăm khám không những vì công tác chuyên môn, mà đó còn có cả sự quan tâm chia sẻ với những khó khăn của cán bộ, CNLĐ 2 công ty. Các anh chị mang đến tấm lòng y đức, tạo niềm tin mãnh liệt và đó còn là việc làm tốt đẹp của doanh nghiệp VN trên đất nước bạn.
Trước khi chia tay Công ty CPCS Việt – Lào, anh Quyền – TGĐ, anh Dũng – PTGĐ đều khẳng định năm nay công ty sẽ hoàn thành kế hoạch Tập đoàn phê duyệt 17.200 tấn và vượt kế hoạch ít nhất trên 1.000 tấn. Tập thể công ty, đoàn kết, SXKD tăng trưởng, đời sống CNLĐ ổn định, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo và NLĐ, sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo địa phương và Chính phủ Lào.
Chia tay các anh, chia tay công ty, tạm biệt mùa mưa Nam Lào, nhưng ở đó đã sáng lên những tập thể, những con người đang ngày đêm tận tụy góp phần cho thương hiệu cao su VRG trên đất nước bạn Lào, sáng mãi niềm tin vào tương lai.
MINH ANH
Related posts:
- Nông trường Bình Minh (Cao su Bình Long) thu nhập 8,3 triệu đồng/người/tháng
- Cao su Bình Thuận đạt 20% sản lượng khai thác đầu năm
- 168 thí sinh tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính
- Cao su Phú Riềng: Tổng doanh thu 6 tháng đạt 643 tỷ đồng
- Linh hoạt các mô hình sinh hoạt Đảng thời Covid-19
- Cao su Sơn La tập huấn phòng chống Covid-19
- Cao su Đồng Nai ký kết quy chế phối hợp với Công an Tỉnh
- Công ty 74 giành giải nhất Hội thi thợ giỏi Binh Đoàn 15
- Sẽ đầu tư Dây chuyền 2 Gỗ MDF VRG Dongwha
- Nông dân chưa được đào tạo nghề khai thác cao su