CSVN – Nhiều năm nay, các đơn vị thực hiện dự án trồng cao su ở nước bạn Lào và Campuchia luôn vận động NLĐ tình nguyện sang làm việc, đặc biệt là trí thức trẻ. Thấu hiểu điều đó, lãnh đạo VRG đã giao Đoàn Thanh niên (ĐTN) làm cầu nối đội ngũ trí thức trẻ có trình độ, năng lực, tâm huyết, tình nguyện đi công tác vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
“Đất lành chim đậu”
Trong chuyến công tác tại các đơn vị ở Campuchia vào tháng 7 vừa qua, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của NLĐ để có được thành quả “Đất lành chim đậu” – vườn cây khai thác xanh ngút ngàn, điện – đường – trường – trạm y tế và làng công nhân cao su sung túc. “Nơi dễ làm ăn thì nhiều người tìm đến sinh sống, cây cao su đã tích cực thay đổi đời sống của người dân các vùng dự án ở Campuchia, nhiều người ở các tỉnh khác về làm công nhân cao su. Tuy nhiên, đối với cán bộ người Việt là một quá trình hy sinh thầm lặng. Lãnh đạo VRG sẽ xem xét để có các cơ chế hỗ trợ” – người lãnh đạo đầu ngành trải lòng.
“Đất lành chim đậu” – nơi làm ăn tốt, con người sẽ đến lập nghiệp, quây quần, gắn bó. Anh Lê Trung Kiên – Phó TGĐ, Bí thư ĐTN Cao su Chư Sê Kampong Thom, chia sẻ: “Đội ngũ tri thức trẻ xung kích, tình nguyện sang công tác ở các vùng dự án của VRG tại nước bạn Campuchia phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn, xa gia đình, điều kiện sinh hoạt, học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế… Anh em phải có tình yêu ngành, yêu nghề, yêu mảnh đất nơi mình làm việc mới bám trụ, gắn bó đồng hành cùng đơn vị vượt khó. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để anh em xa quê yên tâm công tác”.
Giải pháp đãi ngộ về chế độ chính sách
Trong thời gian qua, ĐTN các đơn vị có công ty con tại Lào, Campuchia đã tích vực vận động ĐVTN phát huy vai trò xung kích, tình nguyện sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vùng sâu vùng xa tại nước bạn. Qua nhiều đợt vận động, có nhiều tri thức trẻ hăng hái nhận nhiệm vụ. Các bạn làm việc một thời gian, cống hiến, nhiệt huyết nhưng rồi sau 5 – 7 năm, lại không thể trở về làm việc tại công ty mẹ, nhiều bạn buộc phải nghỉ việc về Việt Nam để gần gia đình…
Là tổ chức ĐTN có Chi đoàn cơ sở Công ty CP Cao su Phước Hòa Kampong Thom, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của ĐVTN, anh Nguyễn Hoàng Cường – Phó Bí thư ĐTN Cao su Phước Hòa, chia sẻ: “Cần có cơ chế hỗ trợ những ĐVTN có trình độ, chuyển sang công tác ở Campuchia, nếu làm việc thời gian dài nên được bổ nhiệm làm quản lý tại đội, xưởng để tạo động lực cho các bạn yên tâm công tác. Nếu làm việc tăng cường thì phải có cam kết rõ ràng thời gian sau 5 – 7 năm trở về công ty mẹ. Như vậy thì các bạn mới có động lực tình nguyện ở vùng khó khăn”.
“Theo tôi, để vận động các bạn ĐVTN có trình độ sang công tác ở Campuchia thì phải có những cơ chế cụ thể, như: cơ chế bố trí công việc phù hợp khi quay về công ty mẹ. Thời gian công tác cụ thể, tiền lương và chính sách hỗ trợ theo đặc thù. Đặc biệt, là bảo đảm an ninh, an toàn nơi công tác, đào tạo các khóa học cơ bản tiếng bản địa, phong tục, tập quán, tại địa phương nơi công tác…” – Anh Hà Thành Chung – Bí thư ĐTN Cao su Lộc Ninh, cho biết.
Anh Nguyễn Chí Cường – Bí thư ĐTN Cao su Bà Rịa, chia sẻ: “Cần có cơ chế, chính sách giao cho tổ chức ĐTN huy động ĐVTN thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn để thanh niên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, ưu đãi về tiền lương… chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên trong thời kỳ mới”.
Cần có cơ chế mở
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nhiều năm liền được vinh danh là doanh nghiệp có cơ chế đãi ngộ đội ngũ trí thức trẻ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Viettel đã có những chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, thâm niên, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt. Nhờ đó, thu hút được đội ngũ tri thức trẻ yên tâm công tác và phát huy được sở trường, thế mạnh của mình phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, phát triển của doanh nghiệp.
Mô hình đãi ngộ trí thức trẻ công tác ở vùng đặc thù của Viettel đang được các doanh nghiệp nhân rộng. Vì vậy VRG cũng cần bổ sung những chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với trí thức được điều động, luân chuyển công tác đến nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Anh Hồ Minh Hiếu – Phó Phòng Tổ chức Lao động Tiền lương, Bí thư ĐTN Cao su Việt – Lào, chia sẻ: “NLĐ người Việt công tác ở Lào không được tham gia BHXH bắt buộc như ở Việt Nam. Chỉ được tham gia BHXH tự nguyện và chỉ được 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Vấn đề này, công ty cũng kiến nghị nhiều lần với BHXH Quận 3, nhưng họ trả lời là không tham gia được BHXH bắt buộc, vì trong luật BHXH qui định. Tôi thấy rằng, cần phải có cơ chế mở đối với NLĐ công tác ở Lào, Campuchia, như: về chính sách tiền lương cần hỗ trợ và thay đổi bổ sung. Vì cơ chế tiền lương ở Lào và Campuchia nhiều năm rồi chưa thay đổi. Mặc khác, chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ nên cũng ảnh hưởng phần nào đến đời sống của ĐVTN. Bên cạnh đó, ĐTN VRG cần tạo sân chơi giao lưu học tập và các hoạt động Đoàn thường xuyên cho các đơn vị tại Lào và Campuchia”.
Anh Thái Bảo Tri, Bí thư ĐTN VRG, cho biết: “Ngày 25/7, Công đoàn CSVN và ĐTN VRG đã ký kết quy chế phối hợp. Trong đó có phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong lao động sản xuất, nhất là phong trào tình nguyện sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vùng sâu vùng xa, tại Lào, Campuchia góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại đơn vị và sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Sắp tới, hai bên sẽ làm việc với Ban Lao động Tiền lương, Ban Tổ chức Nhân sự về lương, cơ chế, chế độ đãi ngộ… cho NLĐ công tác ở Lào, Campuchia. Sau đó sẽ làm việc với các công ty cao su tại Lào, Campuchia, xem xét thiếu nhân lực ở lĩnh vực nào, cụ thể số lượng. ĐTN VRG sẽ làm việc với ĐTN các công ty cao su, vận động ĐVTN xung kích, tình nguyện nhận nhiệm vụ ở vùng đặc thù”.
“Đất lành chim đậu” là lẽ tự nhiên. Yếu tố quan trọng nhất của “đất” là con người và điều kiện làm việc, sinh sống, tình cảm. Ở những vùng khó khăn đặc thù cũng cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù. Đội ngũ trí thức trẻ dù mang trong mình nhiệt huyết, xung kích, tình nguyện cũng cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để gắn bó, yên tâm công tác.
TUỆ LINH
Related posts:
- Đầm ấm buổi họp mặt cán bộ hưu trí đầu Xuân
- Một lòng với nghề
- Kỹ sư trẻ đam mê nghiên cứu khoa học
- Thế hệ trẻ sẽ đưa ngành cao su lớn mạnh hơn
- Nữ công nhân điển hình học và làm theo Bác
- Nguyễn Mạnh Cang - Giỏi khơi dòng nhựa trắng
- Nàng Vi quyết tâm gắn bó với nghề
- “Thanh niên ngành cao su đã có cuộc đối thoại bổ ích với các cấp lãnh đạo"
- Những bông hồng trên vườn cây ngày 8/3
- Làm cao su kết hợp kinh tế gia đình để bền vững