Đời sống công nhân ổn định hơn

CSVN – Chủ trương đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong NLĐ, được CĐ CSVN triển khai thành Nghị quyết 6a. Từ phong trào này, nhiều mô hình kinh tế được hộ gia đình CN phát triển rất hiệu quả, không chỉ giúp ổn định cuộc sống mà còn vươn lên làm giàu.
Mô hình chăn nuôi bò của anh Trần Trung Kiến – NT Thống Nhất.
Mô hình chăn nuôi bò của anh Trần Trung Kiến – NT Thống Nhất.
Thu nhập trên 400 triệu đồng/năm

Tiêu biểu trong việc thực hiện nghị quyết, có gia đình CN Trần Duy Dương – Lê Thị Hồng Hạnh của Đội 3, NT Thống Nhất, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Đây là một trong những gia đình CN điển hình trong việc tận dụng đất nhàn rỗi để trồng cỏ nuôi hươu cho thu nhập mỗi năm 60 triệu đồng. Hay hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu – CN Đội 5, NT Thống Nhất có 3 ha cà phê kinh doanh và 4 ha cao su khai thác.

Gia đình anh Hiếu đã tranh thủ thời gian và huy động lực lượng lao động phụ trong gia đình tham gia phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao. Ngoài thời gian lao động sản xuất tại nông trường, vợ chồng anh còn thu xếp thời gian để khai thác trên chính vườn cây của mình mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định mỗi năm trên 400 triệu đồng từ cà phê và cao su.

Hiện nay, tại Cao su Chư Prông có nhiều mô hình kinh tế gia đình như: Mô hình trồng xen canh, chăn nuôi, liên kết các dịch vụ khác với tổng số 1.970 hộ tham gia. Trong đó, trồng xen canh có 213 hộ tham gia với tổng diện tích 605,5 ha chủ yếu là cà phê, lúa, đậu, khoai lang, chanh dây. Thu nhập bình quân của các hộ đối với cây ngắn ngày từ 1 – 1,5 triệu/tháng còn với cây công nghiệp dài ngày từ 90 triệu – 100 triệu đồng/ha/năm.

Về chăn nuôi gia súc, gia cầm có 955 hộ tham gia với tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 20.255 con với 2 hình thức chăn nuôi chính là nuôi nhốt và thả tự do. Loại gia súc, gia cầm chủ yếu là bò, dê, lợn, gà, vịt. Mô hình này cho thu nhập khoảng 20 – 30 triệu đồng/ năm, tùy thuộc vào quy mô của từng hộ gia đình.

Cần có sự hỗ trợ

Hiện trên địa bàn Cao su Chư Prông có nhiều gia đình CN chăn nuôi hươu lấy nhung hay mô hình kinh tế xen canh của hộ gia đình Phan Đình Hùng – Đội trưởng Đội 24, NT Suối Mơ trồng xen khoai lang trong diện tích cao su KTCB. Năm 2017 với 20 ha trồng xen, anh thu nhập trên 200 triệu đồng, năm 2018 trồng 50 ha thu nhập 500 triệu đồng.

Tuy phong trào làm kinh tế gia đình đang phát triển mạnh trong CN Cao su Chư Prông, nhưng họ vẫn còn gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ giúp đỡ của công ty, NT cũng như chính quyền địa phương. Nhiều hộ gia đình CN ở các xã vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa của người dân và một bộ phận CN còn hạn chế, phong tục tập quán canh tác và trình độ kỹ thuật còn lạc hậu, công cụ lao động chưa cải tiến, quá trình chăm sóc, nuôi trồng chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân  và từ đời trước truyền lại nên hiệu quả sử dụng đất chưa cao, nguồn vốn đầu tư ban đầu còn hạn hẹp, thị trường tiêu thụ còn bị động, giá cả bấp bênh, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún.

Trước những khó khăn vướng mắc của CN, CĐ công ty đã và đang xây dựng chương trình và các đề án thực hiện chiến lược sản xuất, canh tác các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao kết hợp chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình. Trong đó, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và tìm kiếm nhiều  thị trường cho đầu ra. Mặt khác, cần nâng cao trình độ văn hóa cho các hộ gia đình bằng các biện pháp tuyên truyền khuyến học. Nâng cao khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và giảm sức lao động thủ công, cần có những chính sách khuyến khích vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ cây giống, con giống để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

VĂN VĨNH