CSVN – Làm việc vô cùng cực nhọc nhưng chế độ ăn uống của anh chị em công nhân cao su thì lại hết sức tồi tệ.Về chế độ ăn uống, theo Nghị định ngày 25/10/1927, mỗi công nhân đồn điền cao su hàng ngày phải được đảm bảo một khẩu phần là 3.200 calo, gồm có: gạo 700gr, thịt tươi hay thịt hộp 200gr (nếu là cá tươi thì 400gr), rau tươi 300gr (nếu là rau khô thì 150gr), muối 20gr, chè 5gr, mỡ 20gr, nước mắm 15gr. Trẻ con dưới 14 tuổi cũng được lĩnh một khẩu phần với thành phần tương tự, nhưng chỉ bằng một nửa về số lượng.
Mới nghe qua thì tưởng chừng chế độ ăn uống của người phu cũng khá không đến nỗi nào. Nhưng sự thật hoàn toàn khác hẳn. Ở các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ, mỗi công nhân một ngày chỉ được phát 4 lạng gạo, 2 lạng cá, nhưng hầu hết đều là gạo mục, cá thối, do chỗ các đồn điền cao su có nhiều kho lương thực, thực phẩm dự trữ để quá lâu ngày nên gạo trong kho bị mốc, cá khô trong kho bị hôi thối. Những con mọt đen thui, bò nhung nhúc trên mặt gạo, khi nấu cơm, phải đem gạo ngâm cho mọt nổi lên, hớt bỏ đi, còn lại phần gạo mới đem nấu. Ăn hết kho gạo mục, cá thối này thì kho kế đó cũng vừa tới lúc mục, thối và cứ như thế, công nhân thường xuyên phải ăn gạo mục, cá thối. Cảnh ăn uống khổ cực này đã được anh chị em công nhân cao su đúc kết thành những câu ca dao đầy chua chát như sau:
“Ai về đất đỏ miền Đông,
Mà nghe lao động đồn điền thở than.
Than rằng: Cực lắm trời ơi!
Dân phu phải sống cuộc đời tối tăm.
Cá hôi, gạo mục quanh năm,
Vẫn chưa đầy bụng, đói nằm rừng cây.
Trời cao, cao mấy tầng mây,
Trời cao có thấy nỗi này cho chăng”.
Và Pôn Mô-nê (Paul Monet), một tác giả thực dân, đã viết như sau về tình cảnh sống của người công nhân đồn điền cao su trong một cuốn sách của ông ta – cuốn Entre deux feux (Giữa hai ngọn lửa): “Trước khi ở Bắc ra đi, người ta đã hứa phát gạo không mất tiền cho phu, nhưng khi đến đồn điền thì người ta đã phát gạo trừ vào lương. Vợ người cai hay giám thị bán chịu gạo với giá 2 đồng một hộc, gạo này rất xấu, người phu đều phải tự thổi nấu lấy mà ăn. Người phu đã phải uống nước suối hay nước nguồn vì không có nước uống, vài người đã lấy lá rừng về nấu uống. Giao kèo là 3 năm nhưng công ty đã tìm cách kéo dài ra 4 năm bằng cách vin vào cớ ngày chủ nhật và những ngày lễ người phu không đi làm (người ta chỉ coi những ngày này là những ngày nghỉ đối với cai và các giám thị, còn phu thì không được). Nhưng sau 4 năm, người phu may còn sống sót, cũng không có cách nào để quay về xứ sở vì họ không có tiền và quần áo. Họ buộc phải ở lại làm và ký thêm giao kèo nữa. Mỗi tháng theo quy định được trả 12 đồng, nhưng những ngày bệnh và ngày nghỉ thì không được trả lương. Mỗi tháng người ta bớt vào tiền lương 5 hào để trừ vào số tiền 6 đồng mà người phu đã được lĩnh trước khi đi. Người ta đã hứa công ty sẽ trả phần thuế thân hàng năm trong thời gian giao kèo cho người phu, nhưng người ta đã không giữ lời hứa và thân nhân của những người phu ở các làng quê đã buộc phải trả phần thuế này”.
CSVN
(Xem tiếp kỳ sau)
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Từ cô du kích Quảng Trị đến hai lần trở thành Đại biểu Quốc hội
- Mô hình khoán vẫn phát huy giá trị
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Phát huy truyền thống, chung tay góp sức xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững
- Thế hệ trẻ phải biết lấy mục tiêu để phấn đấu
- Nhờ cố gắng đã về trước kế hoạch
- Nữ công nhân cao su ưu tú giúp chị em phát triển kinh tế gia đình
- Người “truyền lửa” cho thanh niên làng Kluh đi trồng cao su
- Ngày Tết bận rộn trên lô
- "Hoạt động Công đoàn thì công nhân ở đâu mình ở đó"