Hiệu quả áp dụng cơ giới hóa

CSVN – Những năm gần đây, xu hướng chuyển dịch lao động từ các công ty cao su sang các khu công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng khiến tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra. Bên cạnh đó, việc tiết giảm suất đầu tư trồng chăm sóc cao su tái canh đòi hỏi các công ty phải áp dụng giới hóa vào công tác trồng tái canh chăm sóc vườn cây để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và đảm bảo hiệu quả SXKD.
Trình diễn máy cày ngầm tại Công ty CPCS Tây Ninh
Trình diễn máy cày ngầm tại Công ty CPCS Tây Ninh
Đồng loạt áp dụng cơ giới hóa

Với suất đầu tư giảm như hiện nay, việc thực hiện các hạng mục công việc trên vườn cây gặp nhiều khó khăn, nhưng phải đảm bảo thu nhập cho công nhân KTCB, vườn cây vẫn phát triển tốt đúng theo quy trình kỹ thuật, vườn cây đưa vào khai thác đạt chất lượng. Vì vậy, việc áp dụng cơ giới hóa vào trồng tái canh, chăm sóc vườn cây KTCB luôn được các công ty chú trọng thực hiện.

Ngoài Công ty CPCS Tây Ninh thực hiện tốt, còn nhiều đơn vị khác chú trọng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm áp lực lao động như Cao su Dầu Tiếng, Bình Long, hợp đồng với các đơn vị có năng lực cơ giới hóa để thực hiện làm đất, bón phân, phun thuốc…

Riêng Công ty CPCS Hòa Bình, từ năm 2017,   xu hướng chuyển dịch lao động sang các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch trên địa bàn tăng lên, công ty đã bắt đầu thiếu hụt lao động bố trí trên vườn cây. Do đó công ty đã chủ trương chuyển đổi công việc chăm sóc từ thủ công qua cơ giới hóa. Từ các phương tiện cơ giới cũ hiện có, trước đây là phương tiện vận chuyển mủ, phân bón thì nay được gắn thêm máy cắt cỏ, máy bón phân và các loại máy khác theo từng công việc, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phù hợp với địa hình vườn cây để thực hiện công việc trồng và chăm sóc vườn cây.

Hiệu quả kinh tế cao

Nhờ áp dụng cơ giới hóa mà năng suất lao động tăng lên, công việc thuận lợi hơn, công nhân cũng đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn. Vì vậy, công tác tái canh trồng mới kịp thời vụ, chất lượng vườn cây đồng đều, khi đưa vào mở cạo đạt năng suất cao hơn. Việc áp dụng cơ giới hóa còn giúp công ty giảm được áp lực cạnh tranh lao động, giảm chi phí đóng bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa đảm bảo độ đồng nhất giúp vườn cây phát triển đồng đều, đảm bảo tiến độ, chi phí suất đầu tư và giá thành công ty xây dựng trong năm.

Như với Cao su Tây Ninh, khi áp dụng cơ giới hóa, chi phí cho công tác cày ngầm, tủ gốc để chống hạn cho vườn cây giảm được gần 1,8 triệu đồng/ha so với phương pháp thủ công. Với công tác phun thuốc cỏ, nếu phun bằng máy, năng suất của một máy phun và một người là 20 ha/ngày trong khi phun thủ công chỉ đạt 2 ha/người/ngày. Tương tự, công tác bón phân bằng máy cũng đạt 20 ha/ngày/máy so với bón thủ công là 1 ha/ngày/người…

Cũng với công tác làm đất áp dụng cơ giới hóa, Cao su Dầu Tiếng đã tiết kiệm được gần 419 triệu đồng/368,7ha. Riêng Cao su Hòa Bình, trong hai năm 2017 – 2018, công ty đã tiết kiệm được hơn 3 tỉ đồng từ chi phí nhân công và chi phí phải trả cho người lao động như BHYT, BHXH, tiền ăn giữa ca…

Còn với Cao su Bình Long, chi phí công tác chuẩn bị đất tái canh hàng năm tiết kiệm được gần 2/3 so với thủ công định mức kỹ thuật của công ty giao khoán. Với công tác xịt trị bệnh nấm hồng bằng cơ giới cũng tiết kiệm 25% so với xịt thủ công…

ĐÀO PHONG