Ý nghĩa lịch sử của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ

CSVN – Ngày 28/7/1929, Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại trụ sở của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào CN, CĐ Việt Nam.
Phong trào công nhân, hoạt động CĐ ngày nay ghi dấu ấn của Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Trong ảnh: Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN trao quà Tết cho CNLĐ Cao su Bình Thuận.
Phong trào công nhân, hoạt động CĐ ngày nay ghi dấu ấn của Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Trong ảnh: Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN trao quà Tết cho CNLĐ Cao su Bình Thuận.

Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp dã man của tư bản thực dân, CN nước ta đã tự tổ chức nhau lại để đấu tranh giành và bảo vệ quyền lợi thiết thân. Hội Ái hữu đầu tiên được công khai thành lập theo quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906.

Hội Ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương ở Pháp thành lập vào tháng 12/1922 chủ yếu là người Bắc Kỳ. Năm 1925 có thêm Hội những người lao động trí óc Đông Dương. Đến năm 1927, ở Mác-xây, thủy thủ lại lập ra Hội bênh vực lao động An Nam. Vấn đề thống nhất tổ chức và hành động giữa các Hội CN đã trở nên cấp thiết. Hội sinh viên cùng đại biểu các tổ chức thủy thủ, lao động trí óc họp ở Mác-xây thống nhất thành lập tổ chức chung là Hội liên hiệp lao động Đông Dương.

Những CN, thủy thủ từng gia nhập các CĐ ở nước ngoài đã đem kinh nghiệm tổ chức công hội về nước để lập ra các công hội mới. Tiêu biểu nhất là sự ra đời của Công hội Ba Son do Tôn Đức Thắng thành lập. Số lượng công hội lúc này còn ít, nhưng là những công hội đầu tiên chịu ảnh hưởng của tư tưởng CĐ cách mạng và cũng là những mầm mống quan trọng cho phong trào CN và CĐ Việt Nam.

Những năm 1928 – 1929, Chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam đã làm cho phong trào CN và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Nhờ tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của CN thế giới nên giai cấp CN Việt Nam đã rút ngắn thời kỳ đấu tranh tự phát để sớm tiến lên trình độ tự giác. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào CN và phong trào yêu nước đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng để đưa phong trào tiếp tục đi lên.

Tháng 3/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 17/6/1929, đại biểu từ các tổ chức Cộng sản được thành lập ở các tỉnh Bắc Kỳ đã họp  tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Để tập hợp các tổ chức Công hội đỏ ở cơ sở, Đảng tổ chức ra Tổng Công hội đỏ cấp tỉnh và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất nhằm thống nhất lập ra Công hội đỏ cho xứ Bắc Kỳ.

Ngày 28/7/1929, hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại trụ sở của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Đại hội quyết định xuất bản Báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan lý luận truyền bá quan điềm, chủ trương của Công hội đỏ trong giai cấp CN. Năm 1983, Đại hội V CĐ Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập CĐ Việt Nam.

P.V (theo Tài liệu tuyên truyền về Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam)