CSVN – Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản VN luôn tăng trưởng ở mức hai con số và phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Thống kê của năm 2018 cho thấy VN đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 9,3 tỷ USD (đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản).
Mở cánh cửa thị trường Châu Âu
Sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật và Châu Âu.
Trong năm 2019 và sắp tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu lại được tiếp sức nhiều hơn để tăng trưởng, phát triển nhờ các yếu tố tích cực từ trong và ngoài nước tác động, gồm: Về mặt thuế quan, ngày 30/06/2019, Việt Nam ký cùng lúc 2 hiệp định quan trọng với Liên minh Châu Âu là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (Euro Vietnam Free Trade Agreement, EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (Investment Protection Agreement, IPA) tiến tới việc xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Ngay sau khi ký kết hiệp định có hiệu lực thì 71% thuế quan hàng hóa Việt Nam nhập vào Liên minh Châu Âu sẽ được xóa bỏ. Sang năm 2020 là khoảng 85%, trong đó có mặt hàng đồ gỗ và phần còn lại được xóa bỏ trong thời hạn tối đa là 7 năm. Như vậy, đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu sang thị trường Châu Âu được mở toang cánh cửa về thuế quan, thị trường đang đứng thứ 3 của Việt Nam về đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu trong năm 2020 sắp tới dự kiến sẽ có nhiều đột phá và biến chuyển về kim ngạch xuất khẩu, số lượng và tính đa dạng sản phẩm, hàng hóa.
Về mặt kỹ thuật, nếu như trước đây các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản vào thị trường Liên minh Châu Âu và các thị trường khó tính khác cần phải có chứng chỉ của tổ chức FSC (Forest Stewardship Council) về các loại chứng nhận FSC-FM (quản lý rừng), FSC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) và FSC-CW (nguồn gỗ có kiểm soát FSC) thì với việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 50 của tổ chức PEFC vào ngày 17/6/2019, chuẩn bị cho việc xem xét và phê duyệt Chương trình chứng nhận quản lý rừng quốc gia Việt Nam theo PEFC (VFCS/PEFC) vào tháng 2/2020. Bao gồm các loại chứng nhận như VFCS/PEFC-FM (quản lý rừng) và VFCS/PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm). Các chứng nhận của VFCS/PEFC tương tự như chứng nhận FSC sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng, DN chế biến và thương mại gỗ và lâm sản có thêm một sự lựa chọn để khai báo bán hàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.
Khuyến khích quản lý rừng bền vững
PEFC (Programme for the Endorsement of Forest Certification – Chương trình chứng thực chứng nhận rừng) là một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1999 (tại Paris, Pháp). Hiện có văn phòng chính tại Geneva, Thụy Sĩ. PEFC khuyến khích việc quản lý rừng bền vững thông qua việc chứng thực (xác nhận, phê duyệt) tiêu chuẩn quản lý rừng của các quốc gia (bộ tiêu chuẩn quản lý rừng quốc gia) phù hợp theo các đặc điểm và điều kiện địa phương, áp dụng cho việc đánh giá cấp chứng nhận quản lý rừng trong phạm vi quốc gia đó đảm bảo việc quản lý rừng tốt, gỗ và lâm sản ngoài gỗ được chứng nhận (theo PEFC) được sản xuất theo chuẫn sinh thái, xã hội và đạo đức cao nhất.
Hiện nay, PEFC có 51 thành viên quốc gia tham dự và đã chứng thực chứng nhận quản lý rừng cho 44 quốc gia với 2 loại chứng nhận là chứng nhận quản lý rừng PEFC-FM (forest management) với số lượng 9.440 chứng nhận cho hơn 311 triệu ha rừng và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC (chain of custody) với số lượng hơn 20.000 chứng nhận (doanh nghiệp sản xuất, thương mại) trên toàn thế giới. (Theo số liệu PEFC, tháng 6/2019).
Chương trình chứng nhận rừng quốc gia Việt Nam (Vietnam Forest Certification Schemes, VFCS; theo Tổng cục lâm nghiệp Việt Nam gọi là Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam) được xây dựng bởi Văn phòng chứng chỉ rừng quốc gia Việt Nam (Vietnam Forest Certification Office, VFCO) ban hành bộ tiêu chuẩn đầu tiên về quản lý rừng của quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ được PEFC chứng thực vào đầu năm 2020.
Bộ tiêu chuẩn này cung cấp các yêu cầu cụ thể áp dụng cho hệ thống quản lý rừng của các chủ rừng, đặc biệt là các nhóm chủ rừng có diện tích rừng nhỏ phù hợp với điều kiện của quốc gia Việt Nam để đạt chứng nhận hệ thống quản lý rừng VFCS/PEFC-FM tạo ra nguồn nguyên liệu chứng nhận PEFC cho gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Cũng như bao gồm các yêu cầu liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu/sản phẩm cho các DN chế biến và thương mại gỗ và lâm sản đạt chứng nhận hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm VFCS/PEFC-CoC có thể khai báo sản phẩm chứng nhận PEFC khi bán hàng.
Hiện nay, các mô hình thí điểm xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm chứng nhận theo VFCS/PEFC đang được thực hiện ở một số khu rừng các tỉnh miền Trung và các khu rừng cao su, nhà máy chế biến mủ và gỗ cao su thuộc VRG ở miền Nam để đúc kết các kết quả thực tế nhằm hoàn thiện nội dung của bộ tiêu chuẩn chứng nhận rừng quốc gia Việt Nam.
CHÍ HÙNG
Related posts:
- Cơ khí Cao su sẽ duy trì tốt nhất các chế độ đãi ngộ người lao động
- Chuẩn bị chu đáo, đảm bảo hội thi diễn ra thành công tốt đẹp
- Đoàn Thanh niên VRG tham gia giải bóng đá do Báo Nhân Dân tổ chức
- Kiện toàn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban vì sự tiến bộ phụ nữ
- Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
- Đảng bộ Cao su Chư Prông vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Gần 200 NLĐ khám sức khỏe định kỳ
- VRG ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Đại học Tôn Đức Thắng
- Đảng bộ RRIV: Lãnh đạo nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học
- Quyết liệt hoàn thành kế hoạch trong 3 tháng cuối năm