CSVN – Xuất phát từ nhu cầu tại đơn vị, cũng như ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động, thói quen làm việc của công nhân (CN), nhóm sáng kiến của anh Trương Ngọc Chiến sáng chế máy vệ sinh chén hứng mủ rất hiệu quả.
Một CN vệ sinh 3.500 chén/ngày
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và sáng chế, anh Trương Ngọc Chiến – Giám đốc NT Se San, Công ty TNHH Phát triển Cao su Hoàng Anh Mang Yang K thuộc Công ty CPCS Mang Yang – Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), cùng một số anh em của đơn vị đã cho vận hành thử nghiệm chiếc máy vệ sinh chén hứng mủ, nhằm trang bị cho vườn cây.
“Cách làm việc ở đây khác bên Việt Nam, CN vẫn vệ sinh chén hứng mủ trên phần cây của mình nhưng đơn vị phải trả tiền công. Mà ở đây, họ làm ngày nào lấy tiền ngày đó, nhưng tốc độ vệ sinh chén cũng chậm lắm, mỗi ngày được 150 – 200 cái là cùng. Vì vậy, sẽ rất khó khăn để kịp trang bị mùa vụ khai thác trên diện tích lớn, nên bản thân tôi cùng một số anh em cứ suy nghĩ làm thế nào để công tác vệ sinh chén mủ diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn”, anh Chiến chia sẻ.
Còn anh Trương Như Hoài – Phó Giám đốc nông trường, người tham gia sáng kiến, cho biết thêm: “Ban đầu anh em đóng cọc, quấn lưới rồi vệ sinh, nhưng cũng chẳng nhanh hơn là bao. Trong một cuộc họp, anh Chiến nói là nghiên cứu sao để thay thế nó bằng máy cho nhanh. Sau khi triển khai làm bằng máy chạy mô tơ điện thì điện năng lượng mặt trời đang dùng tại các tổ đội không đủ đáp ứng. Sau việc này, anh Chiến chuyển từ mô tơ điện sang chạy bằng máy động cơ Diesel”.
Theo giới thiệu của anh Chiến, nếu làm thủ công, người CN cố gắng lắm cũng chỉ được khoảng 200 cái/ngày, nhưng làm bằng máy với 2 trục quay thì một người có thể vệ sinh được từ 3.000 – 3.500 cái/ngày, điều này tiết kiệm được chi phí trả nhân công rất lớn.
6 triệu đồng cho một máy
Chiếc máy vệ sinh chén hứng mủ có thiết kế khá đơn giản, với một chiếc máy chạy bằng nhiên liệu dầu Diesel gắn 2 hay 3 trục quay tùy công suất và với tổng đầu tư khoảng 300 USD (hơn 6 triệu đồng) là có một chiếc máy hoàn thiện. Máy mang lại hiệu quả lớn trong công tác vệ sinh chén hứng mủ, nơi mà lao động còn thiếu hụt, tác phong làm việc của người dân địa phương còn khá lạc hậu và thô sơ.
Để hoàn thiện và phát huy tối ưu công suất của máy, nhóm sáng kiến đã thay thế đầu quay vệ sinh chén từ cục gỗ bọc vải, hay lưới sang bằng đầu cao su có bọc lớp vải mỏng nhằm tạo độ ma sát nhiều hơn, giúp cho việc vệ sinh chén được nhanh chóng và sạch hơn. Từ khi có chiếc máy này, toàn bộ số chén được tập trung về nhà tổ, phân công 2 – 3 CN vệ sinh khoảng một tuần là xong. Đây là năm đầu tiên, Công ty Hoàng Anh Mang Yang K thực hiện vệ sinh chén bằng máy. Số tiền đầu tư cũng do nông trường cân đối nguồn quỹ để làm, nhưng nhận thấy hiệu quả nên hầu hết các NT của công ty đều đầu tư từ 1 – 2 chiếc. Chính điều này, mùa khai thác năm nay toàn bộ diện tích vườn cây công ty đều được trang bị chén hứng mủ một cách nhanh chóng, kịp thời vụ.
Trước đây, sau mỗi mùa khai thác, CN tập trung thu chén về và ngâm vào một loại hóa chất để dễ dàng vệ sinh sau một tuần. Việc này mất nhiều thời gian, công sức hơn và không tốt cho sức khỏe CN. Với sáng kiến vệ sinh chén hứng mủ, giờ đây việc vệ sinh chén sẽ nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí và có thể nhân rộng sử dụng tại nhiều công ty tại Campuchia cũng như ở Việt Nam.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Khối thi đua số 2 Cao su Dầu Tiếng phấn đấu tiền lương đạt 5 triệu đồng/người/tháng
- Kết nối nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
- Công ty CPCS Sa Thầy ký quy chế phối hợp với Công an huyện Ia H’Drai
- VRG quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu cao hơn năm 2021
- Khối Khu công nghiệp tổ chức nhiều phong trào thi đua
- Khối Khu Công nghiệp sẽ trao 27 suất học bổng cho con CNLĐ
- Báo chí tiếp tục đồng hành và chia sẻ với ngành cao su
- Cao su Sa Thầy trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Cao su Dầu Tiếng tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ
- Hà Giang: Chưa ghi nhận ảnh hưởng của rét đến cây cao su
Sáng kiến hay quá, nếu có clip xem để học hỏi thì hay hơn.