CSVN – Nói về tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su, trước hết hãy nói đến điều kiện lao động của họ. Theo những điều 5,7,8 của Nghị định ngày 25/10/1927 thì nhân công giao kèo, nghĩa là phu đồn điền, mỗi ngày làm việc nhiều nhất là 10 tiếng đồng hồ, kể cả thời gian đi về.
Mỗi tuần được nghỉ một ngày hay hai tuần được nghỉ hai ngày liền. Ngoài ra Tết được nghỉ 4 ngày, ngày mùng 5 tháng 5 và ngày rằm tháng 7 cũng được nghỉ. Chủ phải đảm bảo cho công nhân tối thiểu 25 ngày công được trả lương hàng tháng. Phụ nữ sau khi đẻ được nghỉ một tháng có ăn lương. Lý thuyết thì như vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Trong thực tế, qua tài liệu còn để lại cũng như qua lời kể của các công nhân già, mỗi ngày người công nhân phải làm tới 12 tiếng đồng hồ. Làm xong về đến nhà thì trời vừa tối. Có hôm 8-9 giờ đêm họ mới về được đến nhà. Cho nên công nhân cao su thường có câu nói chua chát:
“Con không biết mặt cha/ Chó không biết mặt chủ nhà” là vậy.
Về số giờ làm việc của công nhân đồn điền cao su, Đờ-la-ma (Delamarre) – Thanh tra các vấn đề chính trị, trong một bài đăng trên một tờ báo xuất bản ở bên Pháp – tờ Resurrection (Phục sinh), số tháng 12 năm 1928 và số tháng 2 năm 1929, đã cho biết như sau: “Tuy nhiên tất cả những lời khai của những người phu mà tôi thu thập được đều nhất trí cho rằng giờ lao động là như sau: 3 giờ sáng thức dậy, 4 giờ tập họp. Nhưng vì có hàng ngàn phu phải đến nên chắc chắn là giờ khởi hành không thể trước 4 giờ 30 phút, giữa ngày được nghỉ một tiếng rưỡi nhưng tất cả những người phu đều đoán chắc rằng chỉ đến tối mịt thì họ mới được trở về nhà”.
Qua những điều mà Đờ-la-ma viết, chúng ta có thể tính ra mỗi ngày người công nhân đồn điền cao su phải làm đến 13-14 tiếng đồng hồ.
Về chế độ nghỉ hàng tuần, Nghị định ngày 25/10/1927 quy định mỗi tuần công nhân được nghỉ một ngày hay 2 tuần được nghỉ hai ngày liền, nhưng trong thực tế, tám ngày làm việc công nhân mới được nghỉ một ngày mà phải nghỉ luân phiên vì phải đảm bảo cho cây cao su thường xuyên được cạo. Ngoài ra, chiều thứ bảy hàng tuần, tiếng là công nhân không phải ra lô nhưng lại phải làm cỏ vê (corvee) tức là làm vệ sinh và sửa đường quanh các lán trại trong đồn điền.
Nhưng sự cực nhọc trong lao động của người phu cao su không chỉ thể hiện trong số giờ lao động kéo dài, mà còn thể hiện trong cường độ lao động đặc biệt căng thẳng và những khó khăn nguy hiểm mà họ thường gặp phải trong khi làm việc ngoài lô.
Thường thường một ngày làm việc của công nhân cao su diễn ra như sau: Ba giờ rưỡi sáng, tiếng kẻng (thường gọi là “tiếng tầm”) nhất nổi lên. Nghe kẻng, người công nhân cạo mủ vội vàng bật dậy nấu cơm kịp ăn vội vã mấy miếng và mang theo để ăn trưa, chuẩn bị phương tiện làm việc: thùng đựng mủ, dao cạo, giỏ đựng mủ bèo, mủ dăm…và tầm điểm hai lúc 4 giờ 30, phải có mặt tại sân điểm.
Hôm nào đoán chừng bị muộn là họp phải vắt chân lên cổ mà chạy như bay ra sân điểm cho kịp giờ. Vô phúc cho người nào đến sau khi mọi người đã ngồi vào hàng thì chắc chắn là phải bị gậy “cù nèo” hoặc roi giáng xuống đầu, xuống vai.
CSVN
(Xem tiếp kỳ sau)
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Phan Thị Doanh - Nữ công nhân làm tròn cả hai vai
- “Khó ở đâu tháo gỡ ở đó”
- Phát huy truyền thống ngành dù ở bất cứ đâu
- Lò Thị Nết - gương mẫu, tận tụy với công việc
- Gắn bó với cao su không chỉ là công việc mà còn là truyền thống
- Có dịch là xách ba lô đi "trực chiến"
- Làm tốt việc nêu gương sẽ thuyết phục người lao động
- Nữ công nhân "ba đảm đang"
- Thạo Cợt - gương sáng công nhân khai thác trên đất bạn Lào
- Cần giải pháp nâng cao hơn thu nhập người lao động