Cổ phiếu GVR tăng hơn 11% trong 1 tháng qua

CSVN – Thông tin về việc có khả năng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), có nguồn thu từ tiền đền bù đất và đặc biệt sở hữu danh mục công ty con, liên kết, trong đó có những DN đã niêm yết có cổ phiếu đang tăng giá liên tục … đã tác động đến thị giá cổ phiếu của Tập đoàn CN CSVN (Upcom:GVR).
Giá cổ phiếu GVR
Giá cổ phiếu GVR
Giá đạt đỉnh vào ngày Đại hội cổ đông

Trong khoảng một tháng qua, (26/5-26/6), cổ phiếu GVR ghi nhận mức tăng 11,2%, từ mức giá 11.600 đồng lên 12.900 đồng, với khối lượng giao dịch bình quân 950.500 đơn vị/phiên. Thậm chí GVR đạt đỉnh ngắn hạn ở mức 13.900 đồng/cp vào ngày 12/6. Đây cũng là ngày Tập đoàn CN Cao su Việt Nam – CTCP (VRG) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019 với nhiều thông tin được chia sẻ đến cổ đông.

Trước tiên, về khả năng VRG sẽ sớm có được nguồn thu đáng kể từ việc nhận đền bù khi bàn giao đất cao su trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự kiến việc bàn giao toàn bộ sẽ xong trước tháng 10/2020. Tại ĐHCĐ, ông Huỳnh Văn Bảo, TGĐ VRG cho biết, Tập đoàn đang chỉ đạo TCT Cao su Đồng Nai giao khoảng 350 ha đất trồng cao su cho UBND tỉnh Đồng Nai để xây khu tái định cư, phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Việc bàn giao dự kiến thực hiện trong tháng 7 và hoàn thành trước cuối năm nay. Hơn 1.700 ha còn lại thuộc khu vực quy hoạch được cam kết giao trong ba tháng từ lúc địa phương yêu cầu, đảm bảo trước tháng 10/2020 để triển khai dự án.

Ước tính giá trị mỗi ha đất đền bù khoảng 600 triệu đồng, được đánh giá là thấp hơn so với các đơn vị khác do nhiều năm nay vườn cao su không khai thác, chỉ chờ đến ngày bàn giao nên chất lượng gỗ giảm. Theo quan điểm của giới đầu tư, ngược lại, do tổng diện tích bàn giao lớn, cộng thêm nếu bàn giao xong, Tập đoàn sẽ sớm không tốn các chi phí quản lý vườn cây…qua đó, cũng có thêm dòng tiền khá lớn về Tập đoàn.

Triển vọng từ doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu công nghiệp

Năm 2019, VRG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận  sau  thuế  hợp  nhất  năm  nay  lần  lượt hơn 24.200 tỷ và 4.150 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 7% và 24% năm trước. Trong đó, lĩnh vực chính bao gồm sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển khu công nghiệp trên đất trồng cao su. Cần lưu ý rằng, làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn đang rất tích cực, đặc biệt là sau căng thẳng thương mại Mỹ – Trung thì xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là để đặt nhà máy sản xuất lại càng nhiều hơn. Theo đó, một trong những nhóm ngành được hưởng lợi chính là bất động sản khu công nghiệp. Với việc sở hữu một danh mục các công ty con, công ty liên kết đều đang có quỹ đất khu công nghiệp rất lớn, rõ ràng, điều này đang tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư GVR.

Một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến chủ trương xử lý sở hữu chéo tại các công ty thành viên, trong đó đáng chú ý là sở hữu chéo tại CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã CK: NTC) hiện vẫn chưa chốt GVR hay PHR sẽ thực hiện thoái vốn tại DN này. Trên thị trường, cổ phiếu NTC của Nam Tân Uyên đang gây sốt trong giới đầu tư khi liên tục lập đỉnh mới. Giá chốt phiên 26/6, là 132.400 đồng/cp, gấp khoảng 10 lần từ khi lên sàn năm 2016. Ngoài ra, một tên tuổi khác có sở hữu chéo giữa VRG và NTC là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã CK: SIP) cũng đang thu hút nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhờ những khoản lợi nhuận kết xù từ KCN. Cổ phiếu SIP đã tăng trần lên tục kể từ ngày lên sàn ngày 6/6. So với giá niêm yết, hiện thị giá SIP có mức tăng 318%. Hiện VRG sở hữu 13,53% vốn tại SIP, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên nắm giữ 9,02% vốn tại đây.

THIÊN ÁI