CSVN – Đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao là một trong những ngành nghề kinh doanh chính đang được VRG chú trọng và tích cực triển khai. Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng là một trong những đơn vị tiên phong có quy hoạch, định hướng và triển khai thực hiện khá hiệu quả.
Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Cao su Dầu Tiếng có tổng diện tích quy hoạch 2.121 ha tại Nông trường Thanh An, Long Hòa và Minh Tân. Các đối tác của dự án là Công ty cổ phần nông nghiệp U&I, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Dầu Tiếng, Trang trại Mai Quốc. Công ty bắt đầu triển khai dự án từ tháng 10 năm 2016 với 117 ha thử nghiệm trồng chuối cấy mô công nghệ cao. Đây là dự án công ty liên doanh với Công ty cổ phần nông nghiệp U&I tại Nông trường Thanh An.
Cán bộ phụ trách kỹ thuật cho biết, sau khi xuống giống 9 tháng, vườn chuối cấy mô cho mùa thu hoạch đầu tiên. Các mùa vụ sau đó thì thời gian giảm xuống còn 5 tháng là thu hoạch. Chăm sóc chuối cấy mô đòi hỏi tính tỉ mẫn và chăm chút, kiểm soát tốt bệnh hại trên vườn cây. Việc cắt lá, sắn chồi, phun thuốc diệt cỏ, phòng trị rệp sáp, bệnh Sigatoka đều thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.
Với 117 ha chuối cấy mô thử nghiệm, dự án đã hoàn thành các công trình như cáp chống đổ, hệ thống cáp tải thu hoạch chuối, mở diện tích nhà đóng gói, lắp đặt băng tải chuyển chuyền từ hồ cắt đến hồ rửa, nối dài băng tải chuối thải loại và băng chuyền chuối thành phẩm từ nhà đóng gói lên kho lạnh.
Tất cả các công đoạn trong dây chuyền khép kín này đều được giám sát bởi chuyên gia của Tập đoàn Dole (đơn vị bao tiêu sản phẩm của dự án) và chuyên gia của Công ty cổ phần nông nghiệp U&I. Chuối sau khi thu hoạch được cáp tải chuyển về nơi tập kết, sau đó cắt các nhánh cho vào bồn rửa, đến phân loại kiểm tra, cân trọng lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng rồi chuyển qua khâu hong khô, đóng gói và đẩy lên băng chuyền chuyển vào nhà kho.
Tại nhà kho, nhân viên KCS sẽ chọn ngẫu nhiên để kiểm tra các tiêu chuẩn lần cuối cùng. Nếu không đạt yêu cầu, chuối sẽ được trả ngược lại về cho khâu phân loại. Ông Carlos Wafe – Chuyên gia của Công ty cổ phần nông nghiệp U&I, giám sát nông trại cho biết: “Việt Nam là một nước có điều kiện rất thuận lợi để trồng chuối cấy mô công nghệ cao. Qua thời gian thử nghiệm tại Nông trường Thanh An, tôi thấy kết quả rất tốt. Tất cả các khâu đều đảm bảo kỹ thuật, NLĐ làm trong nông trại đều phải trải qua các lớp tập huấn, nhờ đó sản phẩm chuối sản xuất ra đạt yêu cầu của Tập đoàn Dole”.
Hiện nay, 80% chuối cấy mô của dự án đều được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, chỉ 20% tiêu thụ trong nước. Năm 2018, dự án đã xuất khẩu hơn 197.000 thùng, với trọng lượng 13 kg/thùng và bán trong nước hơn 92.000 thùng. Doanh thu năm 2018 của dự án đạt 42,6 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 40 triệu đồng/ha.
Với những hiệu quả khả quan mà dự án trồng chuối cấy mô công nghệ cao đem lại, Cao su Dầu Tiếng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nông nghiệp công nghệ cao trong năm nay. Trong đó, trồng chuối cấy mô tại Nông trường Minh Tân và Long Hòa với diện tích 1.200 ha.
Nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển lâu dài của VRG và đang được triển khai thực hiện tại các đơn vị. Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện dự án minh chứng hướng đi đúng đắn cho chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên đất cao su.
QUỲNH MAI; ẢNH: VŨ PHONG – SINH THÀNH
Related posts:
- Cao su Ea H’leo: Công bố hoàn thành sản lượng trước 15 ngày
- VRG triển khai ứng dụng danh bạ điện tử
- 6 nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững
- Lãnh đạo VRG chúc Tết tại Campuchia
- Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát
- Tập đoàn, tổng công ty phải kiểm toán trước khi bán cổ phần
- VRG và 3 đơn vị được trao danh hiệu "Doanh nghiệp vì nhà nông"
- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cây cao su
- Cao su Dầu Tiếng sáng tạo vượt khó
- Hiệu quả từ 2 phong trào thi đua tiêu biểu