CSVN – 27 năm gắn bó với cây cao su là quãng thời gian có rất nhiều kỷ niệm với anh Tạ Minh Quân. Mảnh đất Đồng Nai chan chứa tình cây, tình người là chất kết dính cuộc đời anh với công việc truyền thống của gia đình.
6 anh chị em đều nối nghiệp ba mẹ
“Tôi bị níu chân bởi cái tình của đất và người cao su” – Tạ Minh Quân, công nhân (CN) chăm sóc vườn ươm Nông trường Túc Trưng, TCT Cao su Đồng Nai, mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Đó là những tâm tình, chia sẻ rất thật của một người con đất Đà Thành theo gia đình vào Định Quán, Đồng Nai từ thời thơ ấu.
Năm 1979, cả gia đình anh vào Đồng Nai lập nghiệp. Mọi thứ lúc bấy giờ rất khó khăn từ đường sá đi lại, điều kiện sinh hoạt, thêm vào đó bệnh sốt rét hoành hành, nhiều người trụ không nổi đành trở về quê.
Ba mẹ anh mới vào đã xin làm CN Công ty Cao su Đồng Nai, trực tiếp tham gia khai hoang, trồng mới cao su. Thời kỳ đầu gian khó, nhưng được làm việc trong không khí, phấn khởi, khí thế thi đua sôi nổi toàn đơn vị, ai nấy đều quyết tâm phôi phục và mở rộng diện tích cao su trên mảnh đất anh hùng.
Anh Quân cho biết: “Ngày ấy vất vả rất nhiều nhưng thấy ai cũng hào hứng. Ba mẹ tôi cùng nhiều cô chú CN đã gắn bó từ thời kỳ đầu cho đến khi nghỉ hưu. Khó khăn được đẩy lùi, thay vào đó là sự chuyển mình, thay đổi về bộ mặt nông thôn mới, đời sống dần ổn định hơn nhờ cao su. Năm 1994, diện tích của công ty ngày càng được mở rộng, thu tuyển CN nhiều hơn. Các gia đình vào làm CN đều là từ nơi khác đến đây lập nghiệp. Nói làm CN cao su giàu thì không giàu nhưng thu nhập đủ trang trải, không sợ đói”.
6 anh chị em của anh đều làm CN cao su cũng đơn giản là vì muốn nối nghiệp của ba mẹ để lại. “Trưởng thành nhờ cao su, ấm no cũng nhờ cao su, vậy nên không có lý do mà không làm CN cao su cả”, anh Quân chia sẻ.
Chọn việc “không thảnh thơi”
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh xin vào làm CN cao su, thấm thoắt đến nay đã 27 năm. Bản thân anh từng trải qua nhiều công việc như khai thác, chăm sóc KTCB, nên anh hiểu rõ chu trình cây cao su. Theo kinh nghiệm của anh, nếu làm CN chăm sóc vườn ươm, từng cây giống phải được chăm như mầm non vậy. Người chăm sóc, phải biết cây bệnh gì, xịt thuốc phòng trị bệnh kịp thời.
Sau này khi chuyển cây ra lô trồng, cây có sinh trưởng và phát triển tốt hay không là phụ thuộc phần lớn vào quy trình khi mình chăm sóc tại vườn ươm. Còn đối với cây ngoài lô phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tay nghề khai thác giỏi năng suất mới cao. Công việc này đòi hỏi sự chuyên cần và không ngừng học hỏi.
Giai đoạn giá cao su sụt giảm mạnh, thu nhập CN đang ở mức cao bị tuột dốc, nhiều người nghỉ việc đi làm khu công nghiệp, nhưng anh thì khác. Anh nói: “Cả cuộc đời ba mẹ tôi làm nghề, ngày ấy lương thấp cỡ nào cũng sống được. Dân gian có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nên cũng không lo lắng gì nhiều. Tôi nhớ như in vào năm 1998, tiền lương khi đó mỗi tháng chỉ nhận được 120 ngàn đồng, nhưng rồi cũng qua được. Người có lòng trời không phụ đâu. Tôi làm việc ở TCT Đồng Nai cũng đã lâu rồi và tôi thấy cao su là một ngành đầy nghĩa tình. Tôi bị níu giữ bởi vì điều đó”.
27 năm gắn bó với ngành, anh đã trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm không thể kể hết. Điều giữ mãi trong tâm trí anh, đó là những lúc khó khăn, anh được công ty, đơn vị, anh chị em đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ trong công việc và cuộc sống. Những gì xuất phát từ tấm lòng thì sẽ nhận lại bằng cả tấm lòng, đó cũng là lý do mảnh đất, con người cao su mãi níu chân anh.
QUỲNH MAI
Related posts:
- “Làm tốt việc của mình tức là đã học và làm theo Bác”
- Luôn nâng cao trình độ, biến lý luận thành thực tiễn công việc
- Cần nhiều hỗ trợ để công nhân bớt khó khăn
- "Trái ngọt" có được từ sự cần cù trong lao động
- "Sẽ mãi gắn bó và cống hiến"
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Người phụ nữ Sán Dìu tận tâm với công việc
- Nữ công nhân điển hình học và làm theo Bác
- Chị Điểu Thị Gái - công nhân tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng "Cao su Việt Nam"
- Người tổ trưởng tận tâm với công việc