Đất mến người

CSVN – Có người nói rằng, nghề phóng viên rất cực, nhất là nữ phóng viên. Vâng, không chỉ nghề phóng viên mà bất cứ nghề nào, CBCNV nữ LĐ đều rất vất vả.
Phóng viên Minh Tâm của Tạp chí Cao su VN hỏi thăm con công nhân Công ty CPCS Chư Sê - Kampong Thom trong chuyến công tác. Ảnh: P.V
Phóng viên Minh Tâm của Tạp chí Cao su VN hỏi thăm con công nhân Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom trong chuyến công tác. Ảnh: P.V

Là nữ phóng viên báo ngành cũng không ngoại lệ, bạn phải rất yêu nghề mới gắn bó và cống hiến tuổi trẻ và sức khỏe để theo đuổi đam mê.

Bàn chân chúng tôi đã đi qua những con đường khát vọng, đi đến những chân trời của ước mơ đầy hoài bão. Trên con đường ấy, chúng tôi đã gặp những con người, họ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện, những ước mơ. Tôi khắc ghi vào tim mình về những câu chuyện kể như thế.

Chuyến xe chúng tôi đã đi từ TP.HCM, đến với miền núi phía Bắc, nơi màu xanh cao su ngút ngàn đến tận chân trời. Có những con người cần mẫn, đang làm giàu cho đất, phủ xanh đất trống đồi trọc, thắp sáng niềm tin cho bà con vùng cao, hy vọng đổi đời. Bởi, cho đến nay, chưa có loại cây nào phát triển kinh tế ổn định cho người dân ở nơi đây, có sự đầu tư điện, đường, trường, trạm, người dân được hưởng lợi từ dự án.

Ghé ngang miền  Trung,  Cao su Nghệ An, Hương Khê Hà Tĩnh, Quảng Trị…Mảnh đất còn nhiều khó khăn, đất cày lên sỏi đá, cái eo miền Trung, oằn mình gánh 2 đầu đất nước, chịu mưa bão, khô hạn kéo dài. Chắt chiu từng miếng ăn, giọt nước, muối mặn gừng cay, chịu thương chịu khó và lam lũ, nhưng rất quý trọng tình người. Cho đến nay, cũng chưa có cây nào hiệu quả kinh tế như cây cao su, chịu mưa chịu bão.

Phóng viên báo đài tác nghiệp tại lễ ra quân khai thác mủ.
Phóng viên báo đài tác nghiệp tại lễ ra quân khai thác mủ.

Xe lại bon bon về Tây Nguyên, ghé cao su Chư Prông, Chư Păh, Chư Sê, Mang Yang, Krông Buk, Sa Thầy, Chư Mom Ray…màu xanh trải dài ngút ngàn nối bầu trời của đất nước như dải lụa xanh ngọc bích. Đây cũng là nơi còn nhiều khó khăn, còn nhiều lo âu trăn trở.

Xe lăn bánh về miền Đông gian lao mà anh dũng, thiên thời địa lợi nhân hòa. Đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú, thời tiết khí hậu ôn hòa, người dân thật thà chân chất…Có lẽ mà vì thế, người Pháp đã chọn đây là đất để gieo trồng cây cao su. Từ tòa soạn, chúng tôi đến cửa khẩu Hoa Lư, Xa Mát…ghé qua các công ty ở Campuchia, ở Lào. Nơi đó, NLĐ xa quê hương, sinh sống và làm việc trên nước bạn.

Và hình ảnh tôi nhớ nhất, tôi có chụp lại, đó là hình ảnh về chiếc xe đẩy của bé Kevin gần 2 tuổi, con của chị Võ Thị Diễm Phúc, nhân viên kế toán Công ty Chư Sê – Kampong Thom để ở góc nhà nơi sinh sống của CBCNV công ty. Kevin chưa nói được nhiều, bởi theo ba mẹ từ nhỏ, không có bạn giao tiếp nên còn chưa nói rõ. Diễm Phúc nói chuẩn bị cho Kevin về khám bệnh xem có bệnh chậm nói hay không, và đưa bé về Việt Nam cho ông bà chăm luôn, để bố mẹ yên tâm công tác. Cô nói, mà rơm rớm nước mắt.

Qua Lào, gặp Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh, Công ty Cao su Việt-Lào, cùng chung cảnh xa con, gửi con về cho ông bà trông. Vốn thời gian ít ỏi nghỉ phép năm dành dụm để về thăm con là quãng thời gian đẫm nước mắt, xa con không nỡ rời.

Tôi ghé Đồng Nai – Kratie, các anh các chị mời tôi ăn món gỏi sầu đâu. Tôi ăn cảm nhận ban đầu là đắng, chát, sau ngọt dần ở đầu lưỡi. Quả đúng như vậy:

“Cá trê nấu với ruột bầu

Thương anh nên lá sầu đâu đắng hoài”

Tôi xin kết thúc hành trình, với một lời nói, của anh Bùi Văn Cường – Tổ trưởng tổ bảo vệ, NT Thuận Đức, Cao su Bình Thuận. Đó là khi tôi xuống thăm nông trường, giày tôi dính đầy đất đỏ cao su, anh nói: “Đất cao su mến người đó em”. Quả thật, tôi không nỡ bước chân để rời đi, mang theo đất đỏ để tiếp tục hành trình.

Thương yêu nghề, nên chúng tôi nguyện tiếp tục gắn với nghề báo, nguyện gắn với ngành cao su.

ANH SA