Sự phát triển vững mạnh của VRG có ý nghĩa quan trọng

CSVNO – Đây là đánh giá của ông Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế TW tại buổi làm việc với VRG, ngày 13/6, nhằm nắm bắt hiện trạng hoạt động, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc, đồng thời có những định hướng để VRG phát triển vững chắc trong tình hình mới.
Ông Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW phát biểu tại buổi làm việc.
VRG đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển của ngành cao su VN

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành – Thành viên HĐQT VRG đã báo cáo về những kết quả hoạt động của VRG từ năm 2011 đến nay và định hướng phát triển, giải pháp thực hiện của VRG đến năm 2030. VRG đã có những định hướng chiến lược lâu dài đối với từng lĩnh vực cụ thể trong thời gian tới.

Về việc trồng, chăm sóc chế biến mủ cao su sẽ tập trung đầu tư chăm sóc đối với diện tích cao su đã định hình, thực hiện tái canh, thâm canh đối với vườn cây đã hết chu kỳ khai thác. Giảm dần diện tích ở trong nước phù hợp với xu thế phát triển kinh doanh từng vùng, phù hợp với quy hoạch của địa phương và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Trong lĩnh vực chế biến gỗ cao su, ưu tiên cho sản phẩm tinh chế và các sản phẩm mới sử dụng phụ phẩm ngành gỗ. Đối với sản phẩm công nghiệp cao su, VRG sẽ giữ quy mô như hiện tại, chỉ đầu tư hợp tác khi có các đối tác tốt, có thương hiệu và công nghệ cao, sản phẩm có sức cạnh tranh khác biệt trên thị trường.

Hoạt động các khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su có hiệu quả tốt, ổn định và nhiều tiềm năng, đã đóng góp khá lớn trong nguồn thu của VRG trong thời gian qua. Với tiềm năng về quỹ đất, đây là lợi thế cốt lõi của VRG để phát triển. Trong thời gian tới, VRG sẽ mở rộng hoặc mở mới các khu công nghiệp để duy trì và gia tăng nguồn thu.

Hiện nay, VRG đã phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhận thấy hiệu quả khá tốt. Từ những kết quả khả bước đầu, VRG sẽ đầu tư mạnh về lĩnh vực này theo hình thức tự thực hiện hoặc liên doanh liên kết.

Riêng ngành công nghiệp sau chế biến, VRG sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành săm lốp. Bên cạnh đó, tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm lốp xe mang thương hiệu ★★★VRG.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, VRG tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn kết với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Rà soát, khoanh nuôi tái sinh và phát triển 20.000 ha rừng cây gỗ lớn. Tiếp tục tham gia các chương trình để được chứng nhận chứng chỉ rừng bền vững của VN và quốc tế.

Đánh giá cao những đóng góp của VRG trong quá trình phát triển, ông Cao Đức Phát, nhấn mạnh: “Tập đoàn đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển của ngành cao su VN. Từ chỗ VN không có tên trong bản đồ cao su thế giới thì đến nay nước ta đã đứng thứ 3 trên bản đồ cao su thế giới về sản lượng khai thác và xuất khẩu cao su. Không chỉ phát triển trong nước, Tập đoàn còn mở rộng diện tích trồng cao su sang nước bạn Lào, Campuchia. Tập đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, ổn định sản xuất và ngày càng phát triển, đóng góp to lớn về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của cả nước”.

Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường

Tại buổi làm việc, VRG đã có 8 kiến nghị gởi Ban Kinh tế TW về việc giảm diện tích cao su ở những khu vực có điều kiện không thuận lợi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn; phát triển các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ ở các địa phương. Đề nghị cây cao su được hưởng các ưu đãi như các loại cây rừng trồng khác. Các kiến nghị về quản lý sử dụng đất, xử lý rủi ro do thiên tai. Đề nghị chấp thuận cho phép các công ty nông nghiệp trong VRG được phép hạch toán các khoản thu từ bán gỗ, củi cao su (sản phẩm lâm nghiệp) vào khoản mục doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như được ưu đãi về thuế như sản phẩm mủ cao su. Đề xuất hỗ trợ các dự án đầu tư tại nước ngoài trong việc vay vốn…

VRG cũng kiến nghị cần có cơ quan quản lý Nhà nước để quản lý, điều phối hoạt động của ngành cao su, trong đó ưu tiên cho việc bảo đảm chất lượng sản phẩm cao su, giúp củng cố và phát triển thương hiệu cao su VN.  

Riêng đối với cao su miền núi phía Bắc, VRG kiến nghị được áp dụng cơ chế doanh nghiệp xã hội đối với các đơn vị khu vực này để giảm áp lực trong việc đánh giá việc sử dụng vốn Nhà nước, có điều kiện để hỗ trợ tốt hơn cho địa phương và người lao động.

Thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của VRG trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, ông Cao Đức Phát cho biết: “Tôi rất chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo Tập đoàn. Tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ những hướng đi đúng đắn của Tập đoàn bám sát Nghị quyết 11,12 Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành TW khoá 12, năm 2017. Chủ trương của nước ta là tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường. Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp về việc tách bạch giữa việc làm kinh tế và gánh vác các trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp nếu phải gánh nhiều trách nhiệm xã hội thì khó có thể đảm bảo hiệu quả SXKD.
Nên tách bạch trách nhiệm xã hội với mục tiêu chính của doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế.
Cái gì thuộc về trách nhiệm của Nhà nước thì không bắt doanh nghiệp phải làm thay”, ông Phát nêu quan điểm.

Về những đề xuất kiến nghị của VRG, ông Phát đề nghị VRG phải xem xét cụ thể những khó khăn vướng mắc nằm ở luật nào, nghị định, thông tư nào. Từ đó, có kiến nghị rõ ràng, cụ thể để các cấp có trách nhiệm xem xét giải quyết tháo gỡ.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Ban Kinh tế TW, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG, khẳng định: “VRG nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Ban thường trực Ban Kinh tế TW và có kiến nghị rõ ràng gởi lên các cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Đồng thời, VRG cũng đề nghị TW có sự đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác về vai trò, vị thế, khó khăn, vướng mắc và hạn chế của ngành cao su để có cơ sở định hướng phát triển trong thời gian tới.

“Ngành cao su có truyền thống lâu đời, có nhiều đóng góp nhân lực, vật lực cho công cuộc đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước. Đóng góp của ngành cao su không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, môi sinh môi trường, đối ngoại… Chính vì vậy, sự phát triển của ngành cao su sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước”, ông Trần Ngọc Thuận khẳng định..

MINH NHIÊN, Ảnh: ĐÀO PHONG