CSVN – Trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhiều thanh niên đã dành thanh xuân, trí tuệ của mình để góp phần xây dựng ngành cao su ngày càng phát triển bền vững. Họ – những người trẻ không quản ngại khó khăn, gian khổ để cống hiến tại các công ty cao su miền núi phía Bắc.
Cao su như đã “ngấm” vào máu
Tốt nghiệp Trung cấp kinh tế nông nghiệp tại Điện Biên, ngày đó anh Lý Anh Quý– Phó Phòng Kế hoạch Nông nghiệp, Công ty CPCS Lai Châu 2 tính chuyển ngành nhưng cơ duyên thế nào lại gia nhập gia đình cao su Tây Bắc. Mái nhà đầu tiên anh bén duyên với cao su là Đội Cao su Nậm Cuổi, Công ty CPCS Lai Châu. Cũng từ những ngày tháng làm nhân viên kỹ thuật Đội, anh có cơ hội gắn bó với công nhân, những người như anh, sinh sống tại nơi vùng địa hình đồi núi còn nhiều khó khăn này.
Anh chia sẻ: “Tôi là người đồng bào dân tộc Nhắng tại địa phương. Bố tôi công tác ở xã, còn mẹ thì làm nông, quanh năm ruộng lúa heo gà. Tôi được bố mẹ lo cho đi học với mong muốn tiếp cận được con chữ để sau này có công ăn việc làm. Bản thân trước đây cũng chưa biết gì về cây cao su. Không chỉ tôi mà nhiều bà con còn bỡ ngỡ, xa lạ với loại cây được gọi là “vàng trắng” này. Thành ra khi được nhận vào làm cũng có những lo lắng nhất định, thời gian đầu phải vừa học vừa làm. Dần dà quen và yêu cây cao su luôn. Qua một thời gian định hình trên vùng miền núi phía Bắc, bây giờ cao su đã trở nên thân thuộc, mọi người ai vào làm với cao su đều gắn bó”. Hai năm sau anh xin về công tác tại Công ty CPCS Lai Châu 2 để được gần nhà. Dù chuyển đơn vị nhưng tính chất công việc như nhau nên anh không cảm thấy lạ lẫm. Trước khi về làm phó phòng kế hoạch nông nghiệp công ty, anh là Giám đốc Nông trường Nậm Nhùn. Chúng tôi có nhiều dịp gặp anh trong các chuyến công tác tại Lai Châu 2, với mọi người, anh rất hòa đồng, thân thiện. Trong công việc, dù ở cương vị nào anh cũng nỗ lực, đem hết tâm huyết đặt vào đó. Công việc của anh là những buổi đi thực tế vườn cây trong toàn đơn vị, với anh thì “Nghề này cũng có những vất vả, những cái cực riêng nhưng mà hôm nào không đi là cuồng chân”.
11 năm vào nghề, nhìn lại chặng đường đó, anh chia sẻ: “Cao su đã cho tôi rất nhiều, trước tiên là một công việc đúng với chuyên môn nông nghiệp, được công tác gần nhà và trên hết là cho tôi có một gia đình hạnh phúc. Tôi vào cao su mới lấy mới vợ đấy”.
Không chỉ anh, nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện đi công tác vùng sâu vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn. Không thể quy chụp rằng vì thu nhập, vì lương bởi hiện nay giá mủ thấp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tập thể CB.CNVC – LĐ trong toàn ngành. Đi nhiều, gặp nhiều người, chúng tôi biết thanh xuân của mỗi người là khoảng thời gian đẹp nhất, và lẽ tất nhiên ai cũng muốn dành thời gian đó để thỏa sức cống hiến, đam mê vì nhiệt huyết tuổi trẻ.
Anh nói: “Các cán bộ công tác tại đơn vị miền núi phía Bắc dù là ở miền Trung, miền Bắc hay nơi khác đến đều là những người trẻ, có nhiệt huyết với công việc. Nơi vùng đất còn nhiều khó khăn này, ai cũng cố gắng nỗ lực rất nhiều. Dù trẻ có nhiều cơ hội nhưng có lẽ cũng như tôi và rất nhiều người khác đã, đang gắn bó với ngành đều yêu mới gắn bó. Bây giờ cao su như đã ngấm vào máu tôi rồi.
Đứng chân tại miền núi phía Bắc, các đơn vị vẫn còn đó những khó khăn, từ khi vào nghề đến nay, thăng trầm có đủ cả, cao su nay đã khai thác rồi, hy vọng giá mủ sẽ tăng để bà con có đời sống tốt lên. Còn tôi dù cho có thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn gắn bó với nghề, bởi cao su đã cho tôi quá nhiều”.
Không gì ngăn được bước chân của tuổi trẻ
Quê ở Hà Tĩnh, là bộ đội đóng quân tại Nha Trang, sau khi xuất ngũ anh Quách Hữu Dũng – Giám đốc Nông trường Mường Bú, Công ty CPCS Sơn La đã có một quyết định táo bạo đó là nộp đơn xin về công tác tại công ty với công việc ban đầu là công nhân chăm sóc vườn cây. Anh bắt đầu từ công đoạn trồng mới, làm quen với cây cao su.
Người miền Trung vốn cần mẫn, chịu thương chịu khó, bao nhiêu tháng ngày dãi dầu mưa nắng trên vườn cây anh cũng không một lời ca thán công việc, vì với anh, càng gian nan sức bền, ý chí của anh càng được luyện rèn. Anh chia sẻ: “Đã biết đến Tây Bắc còn nhiều khó khăn nhưng tuổi trẻ mà, ai lại không muốn được thử sức. Vậy là cứ xách ba lô lên và đi thôi. Gian nan nhiều nhưng nào ngăn cản được bước chân của tuổi trẻ, của niềm mong muốn được lập nghiệp ở vùng đất mới”.
Chăm cây từ khi còn nhỏ, dõi theo sự sinh trưởng của cây từng ngày, anh biết rằng hóa ra để có những sản phẩm làm từ cao su trong gia đình như nệm gối, vỏ xe… thì có cả một quá trình nỗ lực, chăm bón cho cây. Anh bảo: “Cũng công phu chứ không đơn giản chút nào”. Vậy đó, cây lớn thì tình yêu của anh với cây cao su và môi trường làm việc này lớn theo năm tháng. Tay nghề thạo, sự cố gắng nỗ lực của anh được ghi nhận khi đảm nhiệm cán bộ kỹ thuật, rồi hiện tại là giám đốc nông trường.
Năm 2019 đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm anh gắn bó với đơn vị, với ngành cao su. Vừa qua, anh là một trong hai cá nhân của công ty được tuyên dương Công nhân Cao su ưu tú do Công đoàn CSVN tổ chức. 10 năm – một hành trình chưa dài nhưng không phải là ngắn để anh nhìn nhận những gì đã qua.
Anh cho biết: “Cây cao su cũng giống như con người, chăm sóc nuôi dưỡng thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt. Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra rằng đây là nơi thích hợp với bản thân. Không riêng gì bản thân tôi mà nhiều người đã nhận thấy được sự thay đổi lớn lao của các tỉnh miền núi phía Bắc khi có chương trình phát triển cao su tại đây. Cao su đã góp phần thay màu áo mới, bộ mặt nông thôn thay đổi tươi đẹp hơn, cao su giúp đồng bào địa phương có công ăn việc làm, có thu nhập để ổn định đời sống, nhiều hộ gia đình khá lên, thu nhập từ cao su đã giúp bà con có đủ điều kiện cho con đến trường theo đuổi ước mơ con chữ – điều mà trước giờ với họ cái ăn còn chưa đủ thì nói gì xa xôi. Tôi thấy cao su phát triển ra ngoài này làm được nhiều điều rất nhân văn, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Là cán bộ lãnh đạo của nông trường, ngoài việc đồng hành cùng anh chị em công nhân trên vườn cây, anh còn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao. Cuối tuần, cứ đều đặn anh về Hà Nội để theo học lớp Đại học quản trị kinh doanh. Với cung đường khoảng cách di chuyển xa xôi nhưng anh có sá gì.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Người phụ nữ của công việc
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Những kỷ niệm đầu tiên
- Chưa bao giờ suy nghĩ sẽ nghỉ làm công nhân
- Cảm ơn những ân tình dành cho nghề báo
- "Tập đoàn đã đi đúng hướng"
- Đinh Hữu Sáng: Người tổ trưởng tận tụy, nhiệt tình
- Đón giao thừa trên lô
- “Cần góp sức của tập thể và gia đình để chị em làm tốt công tác”
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su