Đánh giá của HĐQT VRG: Dù khó vẫn tăng trưởng

CSVNO – Là lĩnh vực nhiều lợi thế với biên lợi nhuận cao, Tập đoàn tiếp tục triển khai đầu sở hạ tầng giai đoạn 2 các khu công nghiệp đã có như Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Tân Bình ở Bình Dương, các khu công nghiệp đã cho thuê hết đất ở Đồng Nai, Bình Phước phù hợp với quy hoạch của địa phương… 

DSC_3891

Khối công ty cao su:

Sản lượng khai thác, tiêu thụ tăng đáng kể so với năm 2017 và kế hoạch 2018, tuy nhiên giá cao su tiếp tục giảm so với năm 2017 (giá bán cao su bình quân năm 2018 chỉ đạt 31,768 triệu đồng/tấn giảm 6,97 triệu đồng/tấn so với năm 2017 và giảm 3,5 triệu đồng/ tấn so với kế hoạch năm 2018), làm ảnh hưởng khá lớn đến doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm mủ cao su. Mặc dù được bù đắp từ các khoản thu nhập khác như gỗ cao su thanh lý nhưng không bù đắp được mức giảm của mủ cao su.

Tuy nhiên, Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới, chính thức cán mốc 1.000 nghìn tấn từ năm 2015, Tập đoàn chiếm hơn 35% sản lượng của Việt Nam,  có ưu thế về  quy mô trong đàm phán tiêu thụ. Ngoài ra, giá thành sản xuất cao su Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực, năng suất khai thác cao; đặc biệt khu vực Lào, Campuchia giá thành chỉ khoảng 80% giá thành tại Việt Nam khi đạt năng suất thiết kế. Hiện tại, Tập đoàn không mở rộng qui mô trồng mới cây cao su để giới hạn nguồn cung ra thị trường và đang có những giải pháp để tiếp tục giảm chi phí lao động, chi phí phân bón, canh tác… nhằm bảo đảm tính cạnh tranh và hiệu quả.

Sản xuất tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng. Ảnh: Bình Nguyên
Sản xuất tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng. Ảnh: Bình Nguyên
Chế biến gỗ:

Về cơ bản có tăng trưởng dù giá nguyên liệu, các yếu tố đầu vào tăng đáng kể so với năm 2017. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực mở ra những thị trường lớn hơn cho ngành gỗ Việt Nam khi một số nước sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các sản phẩm gỗ và giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada… được thuận lợi hơn, khi thuế hạ xuống.

Ngoài ra, Chính phủ cam kết luôn đồng hành với các doanh nghiệp, quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bứt phá phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo là điều kiện để Tập đoàn tận dụng lợi thế của mình để nhằm phát triển ngành gỗ trong tương lai. Với diện tích thanh lý bình quân hàng năm lên tới 10.000 hecta cao su hết thời gian khai thác, Tập đoàn có thể chủ động trong nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm làm từ gỗ. Hơn nữa, Tập đoàn đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất ván sợi nhân tạo cao cấp (MDF) mỗi năm có thể cung cấp ra thị trường gần 1 triệu m3 gỗ nhân tạo thành phẩm cao cấp, chiếm gần 50% lượng sản xuất của cả nước, mang lại cho Tập đoàn nguồn thu đáng kể.

Sản xuất chỉ sợi cao su tại SADO. Ảnh: Vũ Phong
Sản xuất chỉ sợi cao su tại SADO. Ảnh: Vũ Phong
Công nghiệp cao su:

Là năm khá khó khăn, do nhu cầu sử dụng sản phẩm cao su tăng trưởng thấp, dẫn đến giá bán sản phẩm giảm nhanh hơn mức giảm giá cao su nguyên liệu, đặc biệt sản phẩm chỉ sợi cao su mới đưa vào kinh doanh, đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, làm tăng lỗ của cả nhóm ngành. Đây là một thực tế mang tính đặc thù của ngành nghề do tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, nhất là cạnh tranh về giá do chi phí tài chính của các dự án khá cao; đối với sản xuất vỏ, ruột xe hầu như không có lợi thế cạnh tranh, đối với sản phẩm nhúng (từ mủ nước) có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với sản xuất săm lốp nhờ vào chất lượng cao su nguyên liệu của Việt Nam tốt, nên đây là nhóm sản phẩm Tập đoàn vẫn ưu tiên phát triển trên cơ sở xem xét từng cơ hội đầu tư để tăng giá trị của sản phẩm cao su.

Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Ảnh: NG.Cường
Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Ảnh: NG.Cường
Khu công nghiệp:

Tăng cả về diện tích cho thuê, doanh thu và lợi nhuận nhờ tình hình mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp, giá cho thuê tăng nên doanh thu vượt 60% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 110% kế hoạch, đóng góp đáng kể vào hiệu quả hoạt động Tập đoàn.

Tập đoàn có quy mô các khu công nghiệp thuộc loại lớn ở Việt Nam, tham gia đầu tư 17 khu công nghiệp trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 12 khu với diện tích đất tự nhiên gần 6.000 hecta, đất thương phẩm cho thuê gần 4.400 hecta được thực hiện trên quỹ đất trồng cao su chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của địa phương, các khu công nghiệp của VRG có quy mô lớn, giá đền bù thấp, nền đất cao nên chi phí đầu tư thấp, phần lớn nằm ở khu kinh tế trọng điểm phía nam, giá cho thuê tăng theo làn sóng đầu tư nước ngoài ở khu vực tăng. Đây là lợi thế rất lớn để Tập đoàn tập trung phát triển.

Dự án chuối cây mô tại Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Sinh Thành
Dự án chuối cây mô tại Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Sinh Thành
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

Tuy chưa đóng góp nhiều cho kết quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn, tuy nhiên đây là một trong những ngành mũi nhọn có nhiều lợi thế thế từ quỹ đất nông nghiệp sẳn có. Đến 2018, Tập đoàn đã thí điểm chuyển đổi gần 200 hecta trồng chuối cấy mô, bước đầu khẳng định hiệu quả và có kết quả khá khả quan, làm cơ sở tiếp tục phát triển trong các năm tiếp theo.

Hiện nay, dù là nước nông nghiệp nhưng một  số sản phẩm trồng trọt vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, vấn đề an toàn thực phẩm chưa tốt nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu… Nguyên nhân chính là (1) Diện tích  đất nông nghiệp manh mún nên không đủ điều kiện để có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, hạ giá thành (2) Thiếu vốn để nhận chuyển giao kỹ thuật, đầu tư phát triển công nghệ cao (3) Tâm lý sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến. Tập đoàn với lợi thế là quản lý quỹ đất lớn, ở nhiều vùng sinh thái phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, đủ khả năng huy động nguồn vốn đầu tư, có lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân có kinh nghiệm trong việc sản xuất lớn và quản lý sản xuất theo quy trình. Đây là một  thế  mạnh của  Tập  đoàn khi tham gia phát triển ngành sản xuất này.

Về tài chính và hệ thống quản trị:

Tập đoàn luôn duy trì nguồn lực tài chính phù hợp để đảm bảo cho nhu cầu hoạt động thường xuyên và đầu tư mở rộng. Việc nâng cao hệ thống quản trị đã và đang được Tập đoàn tiếp tục củng cố và hoàn thiện, nâng cao năng lực chuyên môn của bộ máy quản lý và lãnh đạo Tập đoàn, tăng cường quản lý theo ngành nghề kinh doanh và thực hiện quản trị chiến lược bao gồm hoạch định, thực thi, kiểm tra và đánh giá.

P.V