CSVN – Họ là những trí thức trẻ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều thế hệ công tác trong ngành cao su. Tốt nghiệp đại học, cao học, đi du học về và làm việc ở các đơn vị trực thuộc VRG trên các lĩnh vực với lòng tự hào, tin yêu, lý tưởng, nhiệt huyết.
Vững tin tình yêu ngành, yêu nghề
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Đó là câu trả lời hóm hỉnh mà sâu sắc, tôi nhận được khi hỏi: “Vì sao bạn lại chọn công tác ở ngành cao su, khi thời điểm ngành đang gặp khó khăn, do giá mủ giảm mạnh? Tại sao bạn đi du học, có nhiều cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế, thu nhập cao, lại quyết định về quê làm cao su? Vì sao khi vừa mới tốt nghiệp đại học, bạn vác ba lô sang Campuchia/ Lào khai hoang, trồng mới cao su với biết bao khó khăn, thử thách? Tại sao bạn có thể đi con đường tốt hơn, nhưng lại chọn ở lại đơn vị, đối mặt với gian khó?…”. Với những trí thức trẻ, cái “ao” ấy là mái nhà truyền thống của mấy thế hệ, là cả khoảng trời tuổi thơ, là lý tưởng, niềm tin, tâm huyết….
Võ Hoàng Anh (sinh năm 1992) – Thạc sĩ Khoa học cây trồng, công tác tại Phòng Nghiên cứu Di truyền Giống, Viện Nghiên cứu Cao su VN, chia sẻ đầy tự hào: “Gia đình em có truyền thống 4 thế hệ làm việc ở ngành cao su. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học, em về công tác ở Viện Nghiên cứu Cao su VN, vì muốn tiếp nối truyền thống gia đình và muốn đóng góp cho ngành. Tình yêu ngành, yêu nghề em kế thừa từ gia đình rất nhiều chị ạ!”. Rồi Hoàng Anh kể từ khi còn nhỏ em đã được ông nội và ba truyền ngọn lửa đam mê, cũng như tình yêu đối với ngành cao su qua những bài hát, bài thơ và những câu chuyện vui buồn trong thực tế công tác của chính bản thân hai ông. Ba em có khiếu sáng tác nhạc, thơ về ngành cao su và ông thường hát, đọc cho em nghe khi em còn bé xíu. Chính ba Hoàng Anh đã truyền tình yêu ngành, yêu nghề cho hai con trai. Để sau này, hai anh em đều làm việc ở ngành cao su, với niềm tin yêu và nhiệt huyết.
Cũng sinh ra và lớn lên trong cái nôi truyền thống gia đình nhiều thế hệ làm việc trong ngành cao su, Lê Hoàng (sinh năm 1990) – chuyên viên kế toán, Công đoàn CSVN, kể: “Lúc em bắt đầu nhận thức được xung quanh khi còn nhỏ, thì bố em hay đưa em đi sơn mấy tấm bảng cổ động cạo mủ cao su hồi những năm 1993, 1994. Lúc đó, hình ảnh cây dao cạo và thùng sơn là em nhớ như in. Rồi hình ảnh những cô chú với 2 thùng trút mủ, sau khi từ lô trở về, hình ảnh những xưởng chén, tiếng còi báo ca… rất thân thương và gần gũi. Nói đơn giản là cái gì quen thuộc, gắn bó mỗi ngày thì mình yêu nó tự nhiên từ trong máu thịt thôi chị!”.
Tốt nghiệp đại học, Hoàng đi làm ở ngân hàng lớn, xông xáo trải nghiệm. Rồi nhớ những hình ảnh thân thương, thấy không đâu bằng ngành cao su, ấm áp, thân tình… Năm 2013, Hoàng về làm việc ở Công đoàn Cao su VN. “Với em, được làm việc trong ngành cao su là niềm vui, là sống trong ngôi nhà lớn đầy ắp nghĩa tình. Em luôn vững tin với tình yêu ngành, yêu nghề của mình” – Lê Hoàng tâm sự.
Xông pha nơi vùng đất khó
Tôi đến Công ty CP Cao su Bà Rịa Kampong Thom vào những ngày tháng 3 nắng gắt, trong giai đoạn cao điểm của mùa chống cháy trên lô cao su. Đến đây mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn, những hi sinh thầm lặng… Phùng Thế Phương – Bí thư ĐTN, Phó GĐ NT Ou Thom, dẫn chúng tôi tham quan vườn cây khai thác xanh tươi sau mùa rụng lá. Dáng người nhỏ, làn da đen sạm vì nắng gió, nhưng giọng nói và ánh mắt của Phương thể hiện rõ niềm tin yêu, nhiệt huyết của tuổi trẻ xông pha nơi vùng đất khó. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, Phương không ngần ngại xách ba lô sang khai hoang trồng mới cao su ở Campuchia.
“Từ nhỏ mình đã nghe ba và các chú bác đồng nghiệp kể về thời kỳ gian khó sau chiến tranh, khai hoang trồng mới cao su. Rồi hai anh của mình sau khi học xong cũng về làm việc ở Cao su Bà Rịa, Cao su Hòa Bình. Khi vác ba lô sang Campuchia, mình mong muốn được góp sức để làm thay đổi đời sống người dân ở miền quê nghèo. Và bây giờ, khi nhìn thấy những rừng cao su xanh bạt ngàn đã đưa vào khai thác, thấy công nhân cao su người Campuchia thoát nghèo, có cuộc sống sung túc, mình cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì có một phần nhỏ đóng góp của mình” – Phương tâm sự.
Đoàn Hữu Minh Nhật (sinh năm 1992) – Bí thư ĐTN, chuyên viên Phòng Tổ chức Hành chính Công ty CP Cao su Quasa Geruco sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống 3 thế hệ làm việc tại Cao su Dầu Tiếng. Kế thừa truyền thống của gia đình, sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2013, Minh Nhật sang làm việc ở Cao su Quasa Geruco. “Đại gia đình em gắn bó với Cao su Dầu Tiếng từ những ngày đầu thành lập. Hồi nhỏ em đã quen với ngành cao su, em hay theo gia đình ra vườn cây, vô nhà máy, quen với mùi mủ cao su. Em rất tự hào với truyền thống của ngành, của gia đình. Chính vì vậy, mặc dù biết phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sang làm việc ở Lào. Nhưng em tin với tình yêu ngành, yêu nghề, em sẽ không ngừng nỗ lực đóng góp cho đơn vị, cho ngành như ông cha em”.
Còn rất nhiều bạn trẻ như Thế Phương, như Minh Nhật đang ngày đêm miệt mài ở những vùng cao su còn nhiều khó khăn. Các bạn ấy đã dành cả thời tuổi trẻ của mình để ươm những mầm cao su, nâng niu chăm bón… với tất cả lý tưởng, nhiệt huyết.
Không đâu bằng ngành mình!
Nhiều bạn trẻ sau khi đi du học, có nhiều cơ hội làm việc sinh sống ở nước ngoài, nhưng quyết định về quê làm cao su. Lê Anh Dũng (sinh năm 1988) – Phó Bí thư ĐTN VRG, từng đi du học ngành Tài chính ngân hàng (UOL – University of London), cho rằng: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống cao su, việc chọn về công tác tại ngành cao su là vai trò và trách nhiệm của bản thân, muốn đóng góp sức lực cho ngành. Làm công tác Đoàn, em đi nhiều và thấy không đâu bằng ngành mình. Càng đi nhiều càng thấy yêu ngành cao su. Những chuyến công tác ở Campuchia, Lào… đến những vùng đất khó, càng khâm phục và trân trọng tình cảm của CB.CNVC LĐ”. Dương Trung Hiếu (sinh năm 1991) – Phó Bí thư ĐTN, Phó Ban Xuất Nhập khẩu Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha mẹ, các anh chị đều công tác trong ngành cao su, nên em được thừa hưởng một phần những truyền thống quý báu của người công nhân cao su. Cây cao su đã mang đến cho gia đình em cuộc sống no ấm, đầy đủ về vật chất và tinh thần. Trong những năm qua, ngành cao su đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là những người sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang qua 90 năm xây dựng và phát triển, thế hệ trẻ cần giữ vững niềm tin vào tương lai và sự phát triển bền vững của ngành cao su. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao hơn nữa năng kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, chủ động tiếp cận các tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… để góp phần đưa ngành cao su tiếp tục có những bước tiến mới, xứng đáng với truyền thống vẻ vang 90 năm qua”.
Các bạn trẻ gắn bó ngành cao su với lòng tự hào, tin yêu, lý tưởng, nhiệt huyết từ trong máu thịt, mà đã dành trọn tâm sức thì tin chắc rằng dù khó khăn, trắc trở như thế nào cũng sẽ cố gắng vượt qua để vững vàng đi hết con đường.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Nguyễn Mạnh Cang - Giỏi khơi dòng nhựa trắng
- “Không được ngồi chờ khách hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào”
- Nàng Châu Long thời hiện đại
- Tình yêu với cây cao su nơi vùng biên
- Giải nhất Bàn tay vàng 2022 Cao su Dầu Tiếng: Thành quả của một quá trình rèn luyện
- 20 năm sống cùng đồng bào
- Lê Kim Phú: Nỗ lực học hỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Rcom Bliu - Một cán bộ Đoàn năng động và nhiệt huyết
- Người tổ trưởng "số đỏ"
- Kiện tướng Hồ Đình Hùng: Hội thi nào cũng đạt giải!