CSVN – Nhìn cảnh thanh niên trong làng không chịu đi làm, suốt ngày tụ tập ăn nhậu, gây mất an ninh trật tự, Siu Phôn cảm thấy buồn và quyết tâm tìm cách giúp đỡ. Giờ đây, có đến 80% người đồng bào dân tộc làm công nhân tại đội sản xuất của anh.
Siu Phôn sinh ra và lớn lên trong gia đình có đến 10 người con, gia cảnh khốn khó ngay từ lúc mới chào đời. Khó khăn đã khiến con đường học vấn của Phôn bị gãy gánh, tuy vậy chính nó đã hun đúc cho anh có được bản tính siêng năng, cần cù, sống giản dị và gần gũi, nên được nhiều người quý mến.
Phôn vào làm công nhân tại Đội 14, NT Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, lúc ngành cao su đang rất thuận lợi, giá cao su ở mức khá cao. Khi ngành cao su gặp khó khăn, giá bán tụt dốc, thu nhập công nhân giảm xuống, nhiều thanh niên trong làng của anh và các làng khác xin nghỉ việc, đi tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Riêng Phôn vẫn giữ lập trường, nhiệt huyết và tin tưởng vào tương lai đối với công việc mình đã chọn.
Do nhiều thanh niên trong làng của anh sau khi nghỉ làm công nhân cao su, chẳng có việc gì làm, suốt ngày tụ tập uống rượu, quậy phá làm mất an ninh trật tự. Thấy vậy, lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Đội 14 nhiều lần vào làng vận động bà con trở lại đi làm CN, nhưng không đạt kết quả như mong muốn.
Với trách nhiệm là Phó Bí thư ĐTN Đội 14, với “tình làng nghĩa xóm”, Siu Phôn đã tìm cách giúp thanh niên trong làng. Với cách làm của riêng mình, Phôn không nóng vội khuyên nhủ, thay vào đó tìm cách gần gũi với thanh niên nhiều hơn, tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ không muốn đi làm CN cao su nữa.
“Mình thấy buồn khi bạn bè, thanh niên trong làng suốt ngày tụ tập rượu chè, việc làm thì lúc có lúc không, nhà lại nghèo, có những tháng không đủ gạo để ăn nhưng chẳng chịu làm gì hết. Mình nghĩ cần phải làm sao để thanh niên trong làng chịu khó hơn, nên đi gặp già làng, thôn trưởng để nhờ họ tác động thêm. Còn những lúc rảnh hay có điều kiện gặp gỡ là mình lân la nói chuyện với thanh niên, làng để họ hiểu có công ăn, việc làm là quan trọng với gia đình ra sao”, Phôn chia sẻ.
Anh Nguyễn Duy Quang – Đội trưởng Đội 14, cho biết: “Cao su của đội chúng tôi nằm rải rác trên làng Bang, làng Kanh, Mui và Bình Thanh. Đây toàn là những làng “điểm nóng” về an ninh trật tự của huyện. Lúc trước thanh niên trong các làng này ít đi làm CN vì nhiều lý do, gần đây bà con đã xin vào làm CN cao su nhiều hơn. Nhất là vài năm trở lại đây, khi chúng tôi giao nhiệm vụ vận động bà con trong làng đi làm cao su cho Siu Phôn”.
Hiện Đội 14 có hơn 100 lao động, trong đó có đến 80% lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đoàn Anh Bảo – Chủ tịch Công đoàn NT Thanh Bình, cho hay: “Thời gian trước tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số của đội khá thấp, tầm khoảng 40%. Những năm gần đây, giá cao su thấp, thu nhập của CN giảm nên lao động nghỉ nhiều, lúc này Siu Phôn đã vận động bà con trong làng xin vào làm CN, chỉ tính trong mùa cạo năm nay thì người trong 4 làng này đã vào Đội 14 làm CN đã hơn 10 người”.
GIA LINH
Related posts:
- Hiệu quả cải tiến trong xử lý pha trộn mủ nguyên liệu
- Khu vực Tây Nguyên: Đặc thù địa hình gây khó cơ giới hóa
- Cải tiến công nghệ mủ tờ RSS
- Chuyển đổi công nghệ chế biến SVR 3L sang SVR 10, 20
- Cao su Bình Long: Xen canh cây ngắn ngày giúp tăng thu nhập
- Cao su Dầu Tiếng - Lai Châu: Sẵn sàng khai thác mủ
- Giải pháp sử dụng mái che mưa lâu dài
- Cạo D4 thể hiện sự vượt trội
- Giải pháp đảm bảo năng suất, sản lượng cao và bền vững tại Cao su Phú Riềng (bài 2)
- Sản xuất SVR10 bằng cách phối trộn các loại mủ