Bệnh rụng lá bùng phát tại Indonesia và Malaysia

CSVN – Trong số 530 (ngày 1/5/2019), Tạp chí CSVN đưa thông tin Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB) phối hợp với Hội đồng Cao su Malaysia (MRB) tổ chức cuộc họp các chuyên gia bệnh cây cao su trong 2 ngày 11-12/4 tại Kuala Lumpur (Malaysia) để thảo luận cách đối phó với 2 loại bệnh mới đang bùng phát gây hại cao su tại Indonesia và Malaysia. Xin giới thiệu một số thông tin về 2 loại bệnh mới này.
Lá bị nhiễm bệnh Corynespora
Lá bị nhiễm bệnh Corynespora
Bệnh cháy lá Fusicoccum (Fusicoccum Leaf Blight)

Gây ra bởi nấm Fusicoccum sp. (1989) sau đó được xác nhận lại là Neofusicoccum sp. (2014), bệnh được phát hiện đầu tiên năm 1987 tại một số vườn cao su ở các bang phía nam Malaysia. Đợt bùng phát thứ hai xảy ra năm 2003 tại đồn điền Kuala Kangsar thuộc bang Perak (Tây Malaysia). Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy bệnh đã xuất hiện tại 4 bang Perak, Melaka, Johor và Kelantan.

Trước năm 2018, chưa có nước nào khác báo cáo về sự xuất hiện của bệnh này trên cao su của nước mình, đến năm 2018, Indonesia thông báo một loại bệnh lá mới đã bùng phát trên cao su của nước này từ năm 2016 và theo chẩn đoán của các chuyên gia đây có thể là bệnh cháy lá Fusicoccum. Bệnh thường xuất hiện trên lá mới trưởng thành hoặc lá già, vết bệnh có thể xuất hiện ở mọi chỗ trên lá nhưng phổ biến ở đầu và mép lá. Triệu chứng ban đầu là những điểm nhỏ màu gỉ sắt sau đó phát triển thành những vùng cháy màu nâu có quầng đồng tâm và những túi bào tử phấn (pycnidia) màu đen. Vết bệnh có thể nhìn thấy sau một tuần và rụng lá xảy ra hai đến ba tháng sau sau khi nhiễm bệnh, cây cao su bị nhiễm nặng có thể gây rụng từ 30% đến 80% tán lá.

Bệnh rụng lá Pestalotiopsis (Pestalotiopsis Leaf Fall)

Gây ra bởi nấm Pestalotiopsis sp. Bệnh được phát hiện đầu tiên năm 1975 trên vườn ươm cao su tại Malaysia sau đó ít thấy xuất hiện nên coi như không quan trọng. Tháng 11/2017 bệnh bất ngờ bùng phát tại bang Johor (nam Malaysia), cho đến nay đã lan tràn đến các bang khác tại Malaysia và được đánh giá là nghiêm trọng.

Tại Indonesia, tháng 02/2019, bệnh hại lại bùng phát trên diện tích lớn hơn. Lần này, các chuyên gia xác nhận sự có mặt của nấm Pestalotiopsis sp. là tác nhân. Bệnh có thể tấn công lá, chồi, cành, quả và hạt nhưng chủ yếu là trên lá trưởng thành. Triệu chứng ban đầu là những đốm nhỏ màu nâu sẫm với quầng sáng màu vàng, sau đó vết bệnh mở rộng thành những đốm màu gỉ sắt hoặc nâu sáng có hình tròn hoặc như vảy cá. Các đốm khác nhau về kích thước, có thể nằm riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau để tạo thành những đốm lớn hơn. Trên lá có thể chỉ có một đốm hoặc lên tới vài chục đốm. Bệnh có thể gây rụng từ 50% đến toàn bộ tán lá và gây sụt giảm sản lượng đến 50%.

Diễn biến tình hình bùng phát bệnh hại tại Indonesia và Malaysia

Tại Indonesia, bệnh bắt đầu xuất hiện từ bắc đảo Sumatra vào năm 2016, sau đó lan dần xuống phía nam đảo vào cuối năm 2017 và bùng phát thành dịch vào đầu năm 2018 trên diện tích 22.085 ha. Đầu năm 2019, bệnh tiếp tục bùng phát mạnh trên diện tích 103.254 ha với khu vực bị ảnh hưởng bao gồm các đảo Sumatra, Java, Sulawesi và Kalimantan. Hầu hết các dòng vô tính được khuyến cáo tại Indonesia đều bị nhiễm (BPM 24, GT 1, IRR 112, PB 260, PB 340, RRIC 100).

Bệnh đã gây rụng trên 50% tán lá và làm sụt giảm trên 25% sản lượng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân bùng phát dịch là do mưa liên tục kéo dài từ cuối năm sang đầu năm sau làm tăng ẩm độ không khí, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển, thêm vào đó do giá mủ thấp nên vườn cây không  được bón phân kể từ năm 2014 làm cho cây cao su yếu dễ bị nấm bệnh tấn công và gây hại. Về tác nhân gây bệnh, vào năm 2018, các chuyên gia cho rằng là do nấm Neofucicoccum sp. gây ra. Sang năm 2019, lại phát hiện sự có mặt của Pestalotiopsis sp. và Colletotrichum sp. trên vết bệnh. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng, việc rụng lá có thể là do có nhiều hơn một mầm bệnh tấn công theo trình tự, làm cho lá bị suy yếu ban đầu do sự tấn công của mầm bệnh đầu tiên và sau đó, việc rụng lá là do mầm bệnh thứ hai hoặc thứ ba gây ra.

Tại Malaysia, bệnh bắt đầu bùng phát tại bang Johor vào tháng 11/2017. Đến tháng 02/2019 bệnh đã xuất hiện tại hầu hết các bang trên diện tích gần 800 ha. Các dòng vô tính RRIM 600, PB 350 bị nhiễm nặng; PB 260, RRIM 2001, RRIM 2023, RRIM 2025 nhiễm trung bình. Bệnh đã gây rụng trên 50% tán lá và làm sụt giảm đến 30% sản lượng. Về tác nhân gây bệnh, các chuyên gia của RRIM đã phân lập mẫu bệnh, tái lây nhiễm, đi đến kết luận là do nấm Pestalotiopsis sp. gây ra và cho rằng bệnh rụng lá Pestalotiopsis đã trở thành bệnh quan trọng trên cao su tại Malaysia.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)