Hành trình 35 năm phát triển cao su trên Tây Nguyên

CSVN – Trong số 9 công ty cao su ở Tây Nguyên trực thuộc VRG hiện nay thì có đến 5 đơn vị được thành lập vào năm 1984 theo chủ trương phát triển cao su lên Tây Nguyên với hình  thức  “gà mẹ đẻ gà con” từ các công ty cao su miền Đông Nam bộ. Sau 35 năm, Tây Nguyên đã trở thành vùng có diện tích cao su lớn thứ 2 cả nước.
Ông Đỗ Tiến Đông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao Cờ thi đua của tỉnh cho Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập.
Ông Đỗ Tiến Đông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao Cờ thi đua của tỉnh cho Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập.
Gian nan thuở ban đầu

Những ngày đầu đi khảo sát, tìm đất trồng cao su hết sức gian nan vất vả nhưng với hào khí, sức trẻ tuổi 20, những khó khăn, thử thách đã nhanh chóng được các anh vượt qua. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Anh hùng Lao động Hồ Văn Ngừng – Nguyên Giám đốc công ty kể lại một trong những khó khăn thời đó: “Ngày tôi được cử lên Tây Nguyên trồng cao su mới chỉ 20 tuổi, ngày đó lãnh đạo Công ty Cao su Dầu Tiếng chỉ cấp cho giấy giới thiệu với chức danh trưởng đoàn. Đáng lý trước khi dẫn 18 con người đi Tây Nguyên chức danh này phải là phó giám đốc ở công ty mẹ để thuận lợi về mặt ngoại giao, điều đó làm cho khó khăn càng trở lên khó khăn khi chúng tôi tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, người ta nghi ngờ và thiếu tin tưởng bởi chúng tôi còn rất trẻ, hơn nữa trong tay chỉ có giấy giới thiệu với chức danh trưởng đoàn công tác…”.

Mỗi lần gặp nhau, ôn lại kỷ niệm thời kỳ đầu trồng cao su trên Tây Nguyên, những con người còn lại hôm nay đều ôm chặt lấy nhau, giữ cái bắt tay thật lâu, thật chặt, mừng mừng tủi tủi, khóe mắt đỏ hoe khi nói về những ngày xưa…

Vinh dự được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo mời ôn lại những chặng đường phát triển cao su của công ty trong ngày kỷ niệm 35 năm thành lập, ông Lê Quang Hòa – Nguyên là Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ công ty nhắc lại: “Khi mới lên nơi đây là một vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt chủ yếu là đồng bào bản địa ít biết tiếng phổ thông, giao tiếp rất khó khăn, nhiều tập quán còn lạc hậu. Giao thông đi lại chưa thuận tiện, tàn dư của bọn Fulro vẫn còn, an ninh trật tự khá phức tạp, nhiều người hoang mang lo sợ….nhất là dịch bệnh sốt rét”.

Tây Nguyên là vùng đất đỏ bazan hết sức màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều…. Trải qua những năm tháng chiến tranh, Tây Nguyên còn ẩn chứa khá nhiều vết tích với bom, mìn sót lại trên những cánh rừng cao su, bất cẩn thiếu tập trung có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.

Cây cao su lúc bấy  giờ  khá xa lạ với bà con ở Tây Nguyên, mặc dù trước đó cây cao su của bà Trần Lệ Xuân cũng đã có mặt ở vùng Đức Cơ, ngày nay là vùng Bàu Cạn huyện Chư Prông. Với đặc thù đó, công tác tuyển dụng lao động quan trọng nhưng đầy khó khăn, vất vả. Công tác khai hoang, trồng mới chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên tốc độ phát triển có phần chậm lại. Do đó, hầu như những người đi tiên phong đều dựa vào kinh nghiệm của mình để phát triển cây giống, tạo vườn ươm đồng thời tích cực phát triển cây, con ngắn ngày để tạo lương thực, thực phẩm đảm bảo cuộc sống.

Ông Hồ Văn Ngừng – Giám đốc Công ty Cao su Chư Sê (bìa phải) kiểm tra vườn cây vào năm 1989.
Ông Hồ Văn Ngừng – Giám đốc Công ty Cao su Chư Sê (bìa phải) kiểm tra vườn cây vào năm 1989.
Từ dấu ấn lãnh đạo của Đảng…

Trong những báo cáo về quá trình hình thành và phát triển của các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên luôn dành một phần không nhỏ nói về tổ chức cơ sở Đảng, về sự lãnh đạo trong giai đoạn đầu. Trong bộ khung cán bộ của công ty mẹ lên Tây Nguyên xây dựng công ty con chỉ có từ 2 – 3 đảng viên, hầu hết đều rất trẻ.

Từ một cơ sở Đảng với quy mô từ 2 – 3 đảng viên, sau 35 năm hình thành và phát triển, đến nay hầu hết các công ty Tây Nguyên đều có từ 12 – 13 chi bộ Đảng  với hàng trăm đảng viên. Không những thế, nhiều đơn vị đã xây dựng và phát triển cơ sở Đảng của mình tại một số công ty con đang đầu tư trồng cao su ở những vùng sâu vùng xa, ở các nước bạn Lào và Campuchia như Công ty Mang Yang, Chư Sê, Krông Buk, Ea H’leo…

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp càng trở nên đậm nét hơn với việc các đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung sản xuất kinh doanh, chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động nhất là CN đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa. Các tổ chức đoàn thể được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào thành công chung của đơn vị.

… đến những công trình an sinh

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình, các công ty cao su trực thuộc VRG trên địa bàn Tây Nguyên đã khẳng định được vai trò, vị thế. Không chỉ đối với người lao động mà còn với địa phương bằng nhiều việc làm, công trình an sinh xã hội cụ thể, phục vụ đắc lực cho đời sống người dân trên địa bàn và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, nhất là tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đứng chân.

Các công ty cao su đã xây dựng hàng chục km đường nhựa, hàng trăm km đường cấp phối liên thôn, liên xã. Hệ thống đường – điện – trường – trạm được các đơn vị đầu tư bài bản, khang trang. Điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ CN, hệ thống trường mầm non đáp   ứng tốt công việc giữ trẻ đảm bảo yên tâm cho cha mẹ khi đi cạo, trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám và điều trị tuyến đầu tốt nhất. Nhiều căn nhà “Mái ấm CĐ”, “Nhà tình thương”, “Tình nghĩa” được xây dựng và bàn giao, công tác phụng dưỡng Mẹ VN Anh hùng và thương bệnh binh được các công ty quan tâm nhận nuôi dưỡng suốt đời, nhiều hoàn cảnh éo le được các tổ chức đoàn thể trong công ty giúp đỡ và hỗ trợ vào các dịp lễ Tết…

Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển với biết bao, khó khăn, nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua. Có những niềm vui, nỗi buồn, sự suy tư trăn trở của các thế hệ, có lúc là sự mất mát, tổn thương đến lòng tin, tâm tư tình cảm của CB.CNV, bạn bè anh em, đồng chí xa gần. Song tâm huyết của mỗi CB.CNV và những thành tựu đạt được chính là sức sống mãnh liệt, có ý nghĩa to lớn. Đã thể hiện truyền thống của công nhân cao su năm xưa và nghị lực vươn lên của các thế hệ CN cao su nối tiếp nhau trong hiện tại.

Bề dày truyền thống được ghi nhận thông qua các danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ NN& PTNT, Cờ thi đua của Bộ Công an, Cờ thi đua của UBND các tỉnh, Cờ thi đua và Bằng khen của VRG, CĐ CSVN…là minh chứng cho những nỗ lực vươn lên không biết mệt mỏi của CBCNV các đơn vị Tây Nguyên. Tất cả đều xứng đáng là những tập thể anh hùng.

VĂN VĨNH