CSVN – Bước vào mùa cạo mới, vấn đề lao động khai thác tiếp tục là khó khăn của các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp, các đơn vị đã thu hút, sắp xếp ổn định lao động, nhằm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng năm 2019. Ghi nhận tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông và Mang Yang.
Tập trung mọi nguồn lực
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho mùa cạo mới, trong tháng 3, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã trực tiếp xuống các NT, tổ đội chỉ đạo và kiểm tra công tác chuẩn bị của các đơn vị. Cùng lãnh đạo công ty đi thị sát tình hình chuẩn bị cho vụ khai thác mới tại NT An Biên, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn, vất vả nơi đây.
NT An Biên sau khi sáp nhập một phần diện tích của NT An Phú thì đã có diện tích lớn nhất công ty với 2.100 ha, trong đó đang khai thác 500 ha và dự kiến mùa khai thác năm 2019 đơn vị sẽ đưa khoảng 300 ha vào mở mới, nâng tổng diện tích khai thác của NT lên 800 ha.
Đây là đơn vị ở vùng biên, tiếp giáp với Campuchia, hầu hết đất đai khô cằn, rừng khộp chiếm chủ đạo, vườn cây nằm khá xa khu dân cư…nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất. Chính vì điều này, lãnh đạo công ty rất quan tâm. TGĐ công ty Võ Toàn Thắng cho hay: “Chúng tôi rất lo lắng trước những khó khăn của đơn vị trong mùa cạo mới, nhất là NT An Biên với việc thiếu hụt lao động, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu mới nên khó giữ chân được lao động. Giao thông đi lại còn nhiều khó khăn khi mùa mưa đến, do đó công tác trang bị vật tư cho vườn cây được công ty ưu tiên cấp phát cho đơn vị này sớm nhất, đầy đủ nhất”.
Ông Thắng cũng cho biết thêm: “Chính vì vậy chúng tôi phân công nhau đích thân đi xuống tận nơi, chứng kiến và kiểm tra công việc, tiến độ của các đơn vị trong việc chuẩn bị cho mùa cạo mới. Công việc dù là nhỏ nhất cũng phải được chuẩn bị kỹ càng: Công tác đào tạo CN, tuyển dụng mới, rồi nhà ở cho thanh niên, cho cặp vợ chồng khi vào vùng biên lập nghiệp, từng cái chén hứng mủ, kiềng, mái chắn mưa…đều được kiểm tra kỹ càng”.
Thời điểm giữa tháng 3, Tây Nguyên chưa có mưa, nên công việc chính của các đơn vị đều tập trung vào việc kiểm kê chất lượng, vòng vanh cho cây, công tác đào tạo mới và đào tạo lại tay nghề cho CN yếu kém. Đến cuối tháng 3/2019 công ty đã mở được 2 lớp đào tạo tay nghề cho lao động mới với tổng số khoảng 110 CN, trong đó 2/3 lao động là CN đồng bào dân tộc thiểu số.
Thiếu lao động cho vùng biên
Vấn đề nan giải nhất hiện nay của công ty chính là lao động cho vùng biên. Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc NT An Biên cho hay: “Với việc đưa khoảng 300 ha vào khai thác trong mùa cạo mới năm nay, NT cần thêm khoảng 190 lao động mới. Đến thời điểm hiện nay chúng tôi đã tuyển được khoảng 40 lao động, hiện đang tiến hành đào tạo”.
Cũng theo ông Kiên, cái khó cho NT trong việc tuyển dụng lao động tại chỗ là thanh niên của xã Ia Mơr hầu như không có, lao động đã đi vào các tỉnh thành khác có các khu công nghiệp để làm CN, vì thế đến nay trong số 40 lao động NT đã tuyển dụng thì chỉ tuyển được… 1 lao động tại chỗ.
Được biết, nhu cầu lao động toàn công ty trong năm 2019 khoảng 300 người, hiện lượng lao động này đã đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng lại không đồng ý vào vùng biên giới lập nghiệp. Trong chuyến công tác cùng lãnh đạo công ty vào NT An Biên chúng tôi ghi nhận được những nỗ lực tốt nhất của lãnh đạo công ty trong việc sắp xếp, bố trí và làm mới chỗ ăn, ở cho lao động khi vào làm CN tại đây. Phó TGĐ công ty Trần Trung Căn cho hay: “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lao động vào vùng dự án này lập nghiệp, nhất là đơn giá tiền lương của lao động tại NT An Biên cao hơn so với những CN ở vùng thuận lợi”.
Nhiều biện pháp ổn định sản xuất
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, vấn đề lao động hiện rất nan giải. Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Đăk Đoa và những vùng lân cận lĩnh vực nông nghiệp không còn sức hút với lao động trẻ, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang mọc lên đã hút một lượng lớn lao động. Mặt khác nhiều lao động trẻ đã tìm đến các khu công nghiệp ở các tỉnh thành phát triển để tìm kiếm một công việc có thu nhập cao hơn. Điều này đã làm cho nguồn lao động có chất lượng của công ty bị mất đi khá nhiều, hầu như người ở lại chủ yếu là những CN lâu năm, cố gắng bám trụ để chờ chế độ hưu trí theo quy định.
Bên cạnh đó, năng suất vườn cây thấp dẫn đến năng suất lao động cũng giảm theo trong khi muốn tận dụng quỹ đất tái canh để trồng xen nhằm cải thiện kinh tế gia đình thì hầu như thổ nhưỡng kém, nguồn nước hạn hẹp, thời tiết diễn biến bất thường… cũng là rào cản lớn.
Trước tình hình này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, ổn định tình hình với quyết tâm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý là nhóm giải pháp hướng vào việc tăng năng suất lao động bằng cách chuyển lao động từ chăm sóc sang khai thác, đối với vườn cây chăm sóc sẽ tiến hành thuê lao động theo thời vụ.
Ngoài ra, tiếp tục điều chỉnh chế độ cạo từ D3 sang D4 cho phù hợp với tình hình thực tế nguồn lao động khi vào chính vụ. Cũng theo ông Tiến, trước mắt, công ty sẽ cố gắng tăng một số chế độ đối với CN như tăng đơn giá tiền lương, tiền ăn ca và một số chế độ khác để CN yên tâm công tác.
Đến thời điểm giữa tháng 4, công ty đã tuyển dụng ở một số huyện lân cận được trên 100 người, trong đó khoảng 50% lao động là đồng bào dân tộc, hiện đang mở 2 lớp đào tạo tay nghề. Tuy khó khăn rất nhiều, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của công ty từ việc nỗ lực giữ được bộ lá qua công tác phun thuốc, đến chắt chiu giữ chân từng CN và nhiều giải pháp được đưa ra trong mùa khai thác năm nay, hy vọng một năm tốt đẹp sẽ đến với Cao su Mang Yang.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Geru Star không giảm lương khi sản lượng giảm
- Lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Hà Giang và Yên Bái cam kết tiếp tục tạo điều kiện phát triển cao su
- Thu nhập bình quân Cơ khí Cao su trên 12 triệu đồng/người/tháng
- Nâng cao hơn nữa giá trị thương hiệu cơ khí cao su
- Binh đoàn 15 tổ chức Hội nghị quân chính năm 2021
- Cao su tiểu điền hân hoan vào vụ mới
- Thí điểm lựa chọn doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
- Bình Phước trồng cao su tạo quỹ bảo tồn Bộ chỉ huy Miền
- Nhộn nhịp đầu mùa cạo
- Cao su Lai Châu khai thác vào năm 2016