CSVN – Phải tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống CNLĐ, gắn bó với địa phương và trân trọng công lao của những người đi trước. Đó là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận trong chuyến công tác và làm việc tại một số CTCS khu vực Tây Nguyên.
Luôn nhớ về thời gian khó
Phát biểu tại Hội nghị Người lao động năm 2019 của Công ty CPCS Sa Thầy, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận không khỏi bồi hồi xúc động khi trở lại “chốn xưa” và gặp lại những người một thời đi mở cõi. Đó là ông Đào Xuân Quý – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Nguyễn Hữu Hải – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; những người nguyên là lãnh đạo Công ty CPCS Sa Thầy…
“Khi tôi còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty CPCS Sa Thầy, đây là những người từng xắn quần đi mở đường, vượt suối, lội lô, chia sẻ sự khó khăn thiếu thốn với CBCNV công ty trong những ngày đầu đi khai hoang trồng mới. Giờ tuy không còn đương nhiệm, nhưng các anh luôn dõi theo sự phát triển của cây cao su và sự trưởng thành của công ty. Được gặp các anh hôm nay, tôi rất xúc động…”, ông Thuận tâm tình.
Trở lại huyện Ia H’Drai, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận vui mừng trước sự thay đổi tích cực của bộ mặt địa phương. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh như điện – đường – trường – trạm… được đầu tư xây dựng rầm rộ, tạo sức sống mới cho địa bàn vùng biên. Khơi dậy tiềm năng và tạo nên sức bật đó của địa phương, có sự đóng góp của Công ty CPCS Sa Thầy và Chư Mom Ray.
TGĐ Công ty CPCS Sa Thầy Đỗ Thanh Nam cho biết, công ty đang quản lý 5.286 ha cao su, trong đó có 2.657 ha khai thác. Năm 2019, công ty phấn đấu khai thác đạt và vượt 5.300 tấn mủ, thu mua 300 tấn, năng suất vườn cây đạt 1,43 tấn/ha, chế biến 6.056 tấn, tiêu thụ 5.600 tấn, giá bán từ 31 triệu đồng/tấn trở lên. Tổng doanh thu đạt hơn 175 tỷ đồng, lợi nhuận 5,28 tỷ đồng.
Hiện công ty tạo việc làm cho 993 lao động, trong đó có hơn 700 người là đồng bào dân tộc. Thu nhập bình quân năm 2018 đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng, năm 2019 phấn đấu đạt 5,8-6 triệu đồng/người/tháng.
Tại một địa bàn biên giới còn nhiều gian khó như Ia H’Drai, vai trò và sự đóng góp của những doanh nghiệp cao su như Sa Thầy là rất quan trọng. Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 993 lao động, năm 2018, công ty nộp ngân sách 7,3 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến nộp 8,7 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn đỡ đầu xã Ia Dom theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum; đóng góp các quỹ xã hội, từ thiện; thăm hỏi các gia đình chính sách với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn.
“Kết quả năm 2018 là rất đáng biểu dương. Tôi yêu cầu năm 2019, công ty phải đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên”, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận chỉ đạo. Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Tập đoàn yêu cầu công ty phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó; xây dựng mục tiêu và giải pháp phù hợp, hiệu quả; đổi mới phương pháp quản trị.
“Bất kể trong hoàn cảnh và điều kiện nào thì công ty phải luôn quan hệ gắn bó mật thiết với địa phương. Mặt khác, phải luôn ghi nhớ công lao của những người đi trước, “ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận căn dặn.
Trong không khí cởi mở, thân tình, dường như không còn khoảng cách lạ – quen, xa – gần. Những cái bắt tay nồng ấm, những cái ôm thân tình, những ly rượu nồng đậm nghĩa tình, những câu ca tiếng hát vút vang nơi vùng biên khiến ai nấy đều không muốn chia tay…
Luôn gắn bó mật thiết với địa phương
Nhân dự Hội nghị Người lao động Công ty CPCS Sa Thầy, đoàn công tác của VRG do Chủ tịch Trần Ngọc Thuận dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Công ty CPCS Chư Mom Ray.
Dù thời gian rất hạn hẹp, nhưng công ty đã chuẩn bị công tác đón đoàn công tác rất chu đáo. Ban lãnh đạo công ty, đại diện các phòng ban và 4 nông trường đều có mặt. Ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi khi nghe tin Chủ tịch Tập đoàn ghé thăm.
Thay mặt Ban lãnh đạo công ty, TGĐ Trần Xuân Thịnh báo cáo khái quát tình hình hoạt động của công ty; những khó khăn, thuận lợi gặp phải và nêu ra một số kiến nghị đến lãnh đạo cao nhất của VRG.
TGĐ Trần Xuân Thịnh cho biết, khó khăn lớn nhất của Chư Mom Ray là thiếu vốn phục vụ SXKD. Chi phí tài chính cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nên khó đảm bảo SXKD hiệu quả.
Hoạt động tại địa bàn biên giới, điều kiện dân sinh còn nhiều hạn chế, dân cư thưa thớt… nên thiếu lao động là khó khăn thường trực của công ty. Để thu hút lao động từ nơi khác đến, một trong những yêu cầu đặt ra là phải giải quyết được vấn đề nhà ở để họ “an cư lạc nghiệp””. Đây không chỉ là nỗi lo của Chư Mom Ray mà cũng là tình cảnh của Sa Thầy, nhất là khi diện tích đưa vào khai thác của hai công ty tăng nhanh.
“Kế hoạch năm nay công ty khai thác 4.600 tấn mủ. Công ty cam kết với Chủ tịch Tập đoàn sẽ hoàn thành và phấn đấu vượt mức sản lượng này. Công ty xây dựng giá thành 30,9 triệu, giá bán 31 triệu đồng/tấn. Công ty sẽ nỗ lực vượt sản lượng khai thác 4.600 tấn mủ, khi đó giá thành sẽ giảm còn khoảng 29 triệu, như vậy mới có lợi nhuận”, TGĐ Trần Xuân Thịnh tính toán. Ông Thịnh kiến nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho Chư Mom Ray, vì do mới đưa vào kinh doanh nên thương hiệu, thị trường và khách hàng của công ty đều còn yếu và thiếu.
“Nhân dịp dự Hội nghị Người lao động Công ty CPCS Sa Thầy, tôi ghé thăm động viên anh em công ty và để nắm bắt tình hình hoạt động của Chư Mom Ray. Tôi rất thông hiểu, chia sẻ với điều kiện làm việc và SXKD còn nhiều khó khăn thiếu thốn của công ty. Dù vậy, tôi tin rằng anh em luôn đồng lòng, đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vượt khó, đưa công ty phát triển”, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận phát biểu.
Ghi nhận và biểu dương kết quả mà công ty đạt được trong năm 2018, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận yêu cầu năm 2019, Chư Mom Ray phải đạt mức tăng trưởng từ 5-10% so năm với 2018.
Đề cập về tình trạng thiếu lao động, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận cho rằng, chỉ riêng công ty khó có thể giải quyết được mà cần có sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chủ tịch Trần Ngọc Thuận cho biết, trong năm nay, VRG và CĐ Cao su VN sẽ phối hợp xây dựng 2 Làng công nhân cao su tại Sa Thầy và Chư Mom Ray. Đây cũng là giải pháp thu hút và giữ chân người lao động từ nơi khác tới.
Chủ tịch Trần Ngọc Thuận chỉ đạo, trong cơ cấu giá thành sản phẩm, công ty phải ưu tiên giải quyết tiền lương, bảo hiểm, khấu hao… Về đầu tư, ưu tiên dành nguồn vốn cho các hạng mục phục vụ sản xuất cần thiết và cấp thiết. Về chế biến, trước mắt lập các trạm cán vắt và gia công sản phẩm tại nhà máy của Sa Thầy, Mang Yang và Công ty 74 như hiện hành. Về lâu dài, khi sản lượng tăng hơn nữa mới xem xét đến việc xây dựng nhà máy.
Trong công tác tiêu thụ, VRG sẽ tiếp tục hỗ trợ bao tiêu trên 2/3 lượng sản phẩm của công ty. Nhưng về lâu dài, Chư Mom Ray phải vươn lên xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và khách hàng để chủ động đầu ra sản phẩm.
Trước giờ chia tay, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận trực tiếp rót từng ly rượu và lấy thức ăn cho lãnh đạo và CBCNCV Công ty Chư Mom Ray. Sự cởi mở và thân tình đó của người đứng đầu Tập đoàn khiến CBCNCV Công ty Chư Mom Ray hết sức xúc động.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả SXKD
Sáng 29/3, phát biểu tại lễ kỉ niệm 35 năm ngày thành lập và tổng kết SXKD năm 2018 Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận đã ghi nhận những nỗ lực, thành quả của công ty đạt được trong 35 năm qua.
“Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Tập đoàn cũng như địa phương. Để có được thành quả và diện mạo như hôm nay, phải luôn ghi nhớ công lao, tâm sức đóng góp của những thế hệ đi trước, nhất là bộ khung 19 cán bộ từ CTCS Dầu Tiếng lên Chư Sê thành lập công ty”, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận phát biểu.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê đang quản lý hơn 8.000 ha tại Gia Lai và hơn 16.000 ha tại Campuchia với tổng số 1.220 lao động, trong đó 46% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, mặc dù giá bán giảm thấp nhưng công ty vẫn bảo đảm thu nhập của CNLĐ, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động. Bên cạnh đó, công ty còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
“Thành quả 35 năm qua là rất đáng trân trọng. Trong chiến lược phát triển sắp tới, công ty phải nâng cao hơn nữa hiệu quả SXKD. Bên cạnh lĩnh vực chính là cao su, công ty cũng phải chuyển hướng sang một số lĩnh vực, ngành nghề mà công ty có lợi thế và phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn và địa phương”, Chủ tịch Trần Ngọc Thuận chỉ đạo.
PHÚ VINH
Related posts:
- Khai mạc Hội thao Khu vực Đông Nam Bộ - Bình Thuận
- Đảng bộ Cao su Phú Riềng: Tổ chức thành công Đại hội điểm tỉnh Bình Phước
- Cao su Hương Khê: Nhiều phương án khắc phục khó khăn
- Cao su Tây Ninh thăm và hỗ trợ các chốt phòng chống dịch
- Hơn 60 đại biểu tập huấn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tố cáo
- Đảng bộ Cao su Ea H’leo phấn đấu kết nạp từ 30-40 đảng viên
- Một trong những doanh nghiệp dẫn đầu khu vực Tây nguyên
- Cao su Bà Rịa: Chú trọng khen thưởng cá nhân trực tiếp sản xuất
- Trồng cây cao su ở Mường Chà góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân
- 24 thí sinh tham gia Hội thi Bàn tay vàng Cao su Điện Biên