Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su

CSVN – Sự tiến triển nhanh chóng của ngành khai thác cao su ở Việt Nam của tư bản thực dân Pháp gắn liền với sự mở rộng hoạt động của các công ty cao su lớn và cũng gắn liền với việc các đồn điền cao su dần dần lan rộng khắp vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ.
Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.
Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Các công ty cao su lớn đua nhau lập ra hàng loạt đồn điền trong đó có những đồn điền khá qui mô. Có thể đơn cử một vài trường hợp, chẳng hạn Công ty S.I.P.H, chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh đã lập ra hàng loạt đồn điền như Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba. Diện tích cao su của Công ty S.I.P.H đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có tới 6.000 hécta.

Số phu công tra công ty này chiêu mộ được từ năm 1914 đến tháng Tám 1945 là 816.000 người đeo số. Công ty cao su Đất Đỏ cũng liên tiếp lập ra những đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng… không những thế trong quá trình phát triển, công ty còn mở rộng diện tích khai thác cao su sang tận vùng biên giới Campuchia, lập thêm nhiểu đồn điền mới như Chúp, Bình Chăn, Mạc Bích, Carết, Snoul, nằm ở phía Đông tỉnh Công-pỏng- chàm. Riêng đồn điền Chúp có tới 24.000 hécta cây trồng. Từ năm 1914 đến tháng 10 năm 1955, công ty này đã chiêu mộ tới 421.000 dân phu có số.

Công ty Mít-sơ-lanh trong thời gian từ 1917 đến 1935, đã xây dựng được hai đồn điền cao su lớn là Dầu Tiếng và Phú Riềng, sau phát triển thêm đồn điền Thuận Lợi. Từ năm 1926 đến tháng 4/1954, công ty chiêu mộ được 260.000 phu công tra.

Công ty cao su Đồng Nai bắt đầu khai thác cao su từ năm 1926 và dần dần hình thành ba đồn điền lớn ở Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Số dân phu công tra mà công ty chiêu mộ được qua các năm lên tới hàng vạn người.

Công ty cao su Tây Ninh cũng lần lượt lập ra các đồn điền Vên Vên, Trà Vỏ, Hiệp Thành, Cầu Khởi.

Công ty cao su CEXO chỉ tính riêng từ năm 1925 đến năm 1954 đã mộ được tới 218.000 người và trong quá trình phát triển đã hình thành hai đồn điền cao su lớn là Lộc Ninh và Đa Kia.

Ngoài việc các công ty đã ra đời trước chiến tranh đi vào khai thác ồ ạt, còn xuất hiện một số công ty mới như Công ty cao su Láp-bê (Plantations de Phước Hòa), đặt trụ sở tại Phước Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Công ty này sau một thời gian khai phá rừng lập đồn điền, từ năm 1928 bắt đầu đi vào khai thác cao su. Công ty này tuy nhỏ nhưng có đặc điểm nổi bật là mủ cao su sau khi lấy được, không đem bán ra thị trường dưới dạng nguyên sinh hay sơ chế, mà được giữ lại để chế thành các loại săm lốp ô tô và xe đạp.

Sự phát triển ồ ạt của việc khai thác cao su ở Đông Dương chủ yếu là Việt Nam, giai đoạn sau chiến tranh của tư bản Pháp đã dẫn tới kết quả là mức xuất cảng cao su ở Đông Dương đã không ngừng tăng lên, phần lớn là xuất cảng sang Pháp và Xanh-ga-po. Mức xuất cảng cao su tăng lên đã làm cho cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương, giá trị của mặt hàng cao su ngày càng chiếm tỷ trọng lớn: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 – 18%, năm 1938 – 21,4%, năm 1939 -27,4%….

Kinh doanh đồn điền cao su, bọn tư bản thực dân thu được những món lãi khổng lồ, nhất là vào những năm trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi mà giá cao su trên thị trường thế giới tăng lên một cách đột ngột. Số tiền lãi các công ty thu được không những lớn mà điều đáng lưu ý là số tiền đó gấp hàng chục lần tiền họ thuê nhân công. Điều đó cho thấy mức độ bóc lột của giới tư bản đồn điền cao su đối với công nhân – những người trực tiếp làm ra sản phẩm là tàn khốc đến mức nào.

Xem tiếp kỳ sau: Đội ngũ công nhân cao su ra đời

CSVN

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)