Bền vững từ nhận thức

CSVN – Ngành cao su thật ra từ lâu đã phát triển song hành với yếu tố bền vững. Đó là cao su đi đến đâu thì cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội phát triển đến đó, đời sống người dân địa phương nơi vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới phát triển.
Ảnh: Phan Văn Báu
Ảnh: Phan Văn Báu

Đây là yếu tố vì cộng đồng – một nhiệm vụ quan trọng đi   đôi với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trồng cao su. Ngoài ra, cây cao su là cây đa mục đích, phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã góp phần quan trọng trong cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.

Nói vậy để thấy rằng, môi trường và cộng đồng – 2 yếu tố quan trọng của phát triển bền vững (PTBV) đã được khẳng định và gắn chặt với ngành cao su từ rất lâu. Phần còn lại nhưng cũng không kém phần quan trọng là tham gia và cam kết thực hiện các tiêu chí của các tổ chức quốc tế và trong nước về PTBV.

Để thực hiện được điều này đòi hỏi DN trồng cao su phải nhận thức được lợi ích của mình luôn gắn chặt với lợi ích cộng đồng, môi trường trong suốt chiến lược phát triển. Trong triển khai cụ thể có thể còn nhiều khó khăn đặc thù, tuy nhiên, khi đã xác định mục tiêu và quyết tâm thực hiện vì lợi ích chung thì những rào cản sẽ được giải quyết.

Một yếu tố mang tính sống còn của DN trồng cao su trong PTBV là lợi ích thương mại. Trong tương lai, 2 sản phẩm chính của ngành cao su là mủ và gỗ để được tiêu thụ tại các thị trường lớn trên thế giới được khuyến cáo phải được cấp chứng chỉ rừng bền vững của các tổ chức có uy tín.

Hiện tại các tập đoàn sản xuất lốp xe lớn trên thế giới đã tham gia chương trình PTBV, chỉ tiêu thụ mủ cao su từ các nhà cung cấp được chứng nhận bền vững. Khi tất cả các nhà tiêu thụ cao su trên thế giới thực hiện điều này thì sẽ là khó khăn rất lớn cho DN trồng cao su khi chưa bắt tay triển khai chiến lược PTBV.

Vì vậy, đòi hỏi ngay từ bây giờ, DN trồng cao su phải nhận thức được chủ trương PTBV nói chung và được cấp chứng chỉ PTBV nói riêng là yếu tố sống còn của mình, bên cạnh lợi ích chung vì cộng đồng.

QUỐC AN