CSVN – Công ty Đồn điền Xuân Lộc (Hàng Gòn), thành lập năm 1911, trụ sở tại Sài Gòn. Chủ công ty là một người Pháp tên là Đờ Ba-bê (De Babet). Đối tượng của công ty là trồng cây cao su và các loại cây công nghiệp khác. Số vốn ban đầu là 360.000 phơ-răng, gồm 7.200 cổ phần, mỗi cổ phần 50 phơ-răng. Năm 1914, tăng thêm 800 phơ-răng, nâng số vốn lên thành 440.000 phơ-răng.
Công ty Cao su Tây Ninh (Société des Hévéas de Tây Ninh), thành lập năm 1913, có trụ sở ở Sài Gòn. Đối tượng hoạt động của công ty này là kinh doanh đồn điền cao su ở Tây Ninh. Số vốn ban đầu là 3.800.000 phơ-răng, gồm 38 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Năm 1931, số vốn tăng lên thành 6 triệu phơ-răng. Tháng 9-1937, tăng lên 8.750.000 phơ-răng.
Công ty Cao su Đông Dương (Société Indochinoise des Plantations d’ Hévéas, gọi tắt là S.I.P.H) được thành lập năm 1906.
Công ty các đồn điền cao su Mít-sơ-lanh (Société des Plantations et pneumatiques Michelin au Việt Nam), ra đời năm 1917, trụ sở chính đặt tại Dầu Tiếng. Đối tượng hoạt động của công ty này là kinh doanh đồn điền cao su vùng đất xám ở miền Đông Nam bộ nằm sát rìa vùng đồng bằng.
Những công ty vừa kể trên tuy số vốn ngày một tăng, nhưng hoạt động của chúng trong thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất mới chỉ giới hạn ở việc trồng thử chứ chưa đi vào khai thác qui mô lớn.
Vào thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cây cao su mới chỉ được trồng có tính chất thử nghiệm hoặc chỉ trồng có tính chất phụ ở một vài đồn điền bên cạnh cây lúa là chính và các loại cây công nghiệp khác. Tính đến năm 1918, tổng số diện tích đất đai bị những tên thực dân người Pháp chiếm làm đồn điền riêng ở Nam Kỳ là 184.700 hécta, nhưng mới có chừng 7.000 hécta được dùng vào việc trồng cao su.
Như vậy trong giai đoạn trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cây cao su đã được đưa vào trồng ở Việt Nam (chủ yếu là ở Nam Kỳ) nhưng diện tích trồng cao sư không lớn và mức thu hoạch cao su cũng chưa cao. Sau chiến tranh thì công cuộc khai thác ngành cao su ở Việt Nam của thực dân Pháp đã diễn ra một bước ngoặt lớn, từ chỗ đầu tư cầm chừng chuyển sang đầu tư ồ ạt. Lý do là vì sau chiến tranh, nền công nghiệp Pháp cần dùng tới trên 10 vạn tấn cao su mỗi năm, nhưng cao su là thứ hàng chiến lược mà Pháp vẫn chưa tự túc được và vẫn còn phải phụ thuộc vào đế quốc Anh.
Nắm bắt được nhu cầu to lớn về cao su của thị trường Pháp và “đánh hơi” thấy cao su là một món hàng béo bở có khả năng mang lợi nhuận cao nên bọn tư bản thực dân tranh nhau đầu tư vào ngành khai thác cao su. Do đó sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngành khai thác cao su ở nước ta đã phát triển rất mạnh. Nếu như đến cuối năm 1921, Nam Kỳ mới có 29.000 hécta trồng cao su, chủ yếu ở ba tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một (20.000 hécta) với số vốn đẩu tư ước lượng khoảng 40 triệu phơ-răng, thì với “cơn sốt cao su” sau chiến tranh, số vốn đầu tư vào việc trồng cao su đã tăng vọt hẳn lên, với khoảng 700 triệu phơrăng trong thời gian từ 1925 đến 1929, và diện tích trồng cao su cũng tăng từ 29.000 hécta cuối năm 1921 lên 84.000 hécta năm 1929. Năm 1930 lại tiếp tục tăng lên đến 127.707 hécta. Số mủ cao su thu được cũng tăng lên, từ 150 – 200 tấn năm 1914 lên 10.309 tấn năm 1929. Ngoài Nam Kỳ ra, năm 1931, Trung Kỳ cũng có 1.871 hécta trồng cao su.
Xem tiếp kỳ sau: Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su
CSVN
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Công nhân nuôi gà ta tăng thu nhập
- "Làm việc với đơn vị là nối dài thêm cơ duyên với Việt Nam"
- 20 năm sống cùng đồng bào
- Chủ tịch Công đoàn bộ phận làm kinh tế giỏi
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành
- Cao su Bình Long họp mặt hơn 70 cán bộ hưu trí
- Nữ công nhân dân tộc Châu Ro "Hai Giỏi"
- Cần nhiều hỗ trợ để công nhân bớt khó khăn
- Mang cái chữ thắp sáng vùng cao su
- Quyết gắn bó với nghề đến khi nghỉ hưu