Lưu ý khi sáng tác ảnh đề tài ngành cao su

CSVN – Để thuận lợi cho việc sáng tác nhiếp ảnh về đề tài cao su, Tạp chí CSVN xin giới thiệu một số kinh nghiệm của những nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), những người từng tham gia các Cuộc thi ảnh “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” do Tạp chí Cao su VN tổ chức, cũng như những lưu ý về mặt kỹ thuật cây cao su của chuyên viên kỹ thuật nông nghiệp Tập đoàn, giúp các tay máy “né” những sai sót không đáng khi bấm máy và gửi ảnh dự thi.
Ảnh đạt giải ba của tác giả Nguyễn Duy Hậu trong Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ tư.
Ảnh đạt giải ba của tác giả Nguyễn Duy Hậu trong Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ tư.
Từ kỹ thuật nhiếp ảnh đến nghệ thuật

Cao su với những cánh rừng bạt ngàn, ven sông, ven suối, đồi núi, tạo nên nhiều phong cảnh đẹp từ núi rừng Tây Nguyên, Đông Nam bộ cho tới vùng Tây Bắc xa xôi. Chụp ảnh rừng cao su cũng như chụp ảnh phong cảnh, để có những bức ảnh sáng tạo, một số người thử nghiệm chụp ảnh với độ sâu trường ảnh thấp. Tuy nhiên, phương pháp này với rừng cao su rất khác, vì rừng cây cao su trải dài tăm tắp, thẳng hàng ngay lối. Vì thế, lấy nét càng nhiều ảnh càng tốt và có độ sâu trường ảnh cao.

Theo NSNA Đức Nam – người có nhiều năm sáng tác ảnh về đề tài ngành cao su: Cách đơn giản nhất là chọn khẩu độ nhỏ (thông số lớn), khẩu độ càng nhỏ thì trường ảnh càng sâu. Nhớ rằng khẩu độ nhỏ cũng có nghĩa là ít ánh sáng đi vào bộ cảm biến (sensor).Vì thế bạn cần bù trừ cho “thiệt hại” này bằng cách tăng thông số ISO hoặc tăng tốc độ chụp (hoặc cả 2).

Tất nhiên có những lúc bạn chụp rất đẹp với DOF (độ sâu trường ảnh) rất nhỏ khi chỉnh về chế độ chụp phong cảnh. Khẩu độ nhỏ, tốc độ đóng máy nhanh, điều tiếp theo là làm sao để giữ máy thật ổn định trong suốt quá trình phơi sáng. Thực ra ngay cả khi bạn có khả năng chụp với tốc độ đóng máy nhanh thì bạn vẫn nên dùng chân máy (tripod). Như thế bạn mới có thể chụp được bức ảnh rõ nét, miêu tả được những nét đặc trưng của cây cao su, rừng cao su với độ nét căng.

Tất cả mọi bức ảnh đều cần một tiêu điểm và ảnh phong cảnh về cao su cũng không ngoại lệ. Thực tế, ảnh phong cảnh không có tiêu điểm trông rất trống rỗng, người xem không tìm được điểm dừng. Tiêu điểm có thể là bất kỳ điểm nào trong cảnh bạn định chụp, từ một tòa nhà, cái cây, tảng đá hay quả bóng… Đừng chỉ tập trung suy nghĩ tiêu điểm là cái gì mà còn phải chú ý đặt tiêu điểm ở đâu. Một yếu tố làm nên một bức ảnh đẹp là cảnh gần và cách đặt vào vị trí thu hút ánh mắt của người xem. Để làm được điều này, bạn nên tạo cảm giác về độ sâu trong bức ảnh bằng cách nâng đường chân trời lên hoặc tạo các đường dẫn đến độ sâu của ảnh qua đường thẳng của cây cao su.

Một yếu tố cần để ý đến là bầu trời trong ảnh. Hầu hết các bức ảnh phong cảnh nói chung và ảnh cảnh rừng cao su nói riêng, đều phải có cảnh gần hoặc bầu trời chiếm gần hết bức ảnh – bức ảnh của bạn phải có một trong hai yếu tố này. Nếu bầu trời không có gì đặc biệt thì đừng để nó chiếm quá nhiều chỗ trong bức ảnh, đặt đường chân trời ở 1/3 trên của ảnh (tuy nhiên phải chắc chắn rằng cảnh gần đủ hấp dẫn). Nếu bầu trời trông “hay” với các đám mây hình dạng khác nhau hoặc có màu đẹp thì hãy để nó tỏa sáng với đường chân trời đặt ở 1/3 dưới của ảnh. Tăng hiệu ứng của bầu trời bằng cách xử lý ảnh sau chụp hay là sử dụng kính lọc (ví dụ kính lọc phân cực làm tăng màu và tương phản).

Còn theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Hậu, để có thể dẫn dắt ánh mắt người xem vào bức ảnh, có rất nhiều cách để thực hiện điều này. Một trong những phương pháp tốt nhất là tạo ra các đường thẳng thu hút cái nhìn của người xem bằng cách hướng ống kính máy ảnh của bạn vào hàng cây cao su thẳng dài tăm tắp nối dài.

Ngoài ra, việc lựa chọn đúng thời điểm chụp rất quan trọng. Rất nhiều tay máy mới vào nghề nghĩ rằng bầu trời đầy nắng là thời gian tốt nhất để chụp ảnh ngoài trời. Tuy nhiên, nếu dự báo thời tiết báo có mưa thì bạn đang nắm trong tay cơ hội có những bức ảnh với cảm xúc khác và rất thật. Sau cơn mưa trời sẽ hừng sáng, những tia nắng rọi qua tán lá cao su, xuyên thấu đến các tầng lá, nhánh cao su, điều này giúp ảnh của bạn có những sáng tạo rất riêng về rừng cao su, nhất là vào mùa lá vàng rất đẹp.

Thật ra, có vô số nhiếp ảnh gia chụp ảnh về rừng cao su và có  rất nhiều bức ảnh đã được chụp. Nhưng nếu chỉ làm theo các bước hướng dẫn trên, bạn có thể chụp được một bức ảnh ưa nhìn chứ chưa đến mức làm người khác phải trầm trồ. Hãy tích cực suy nghĩ trước khi chụp – tìm một tiêu điểm thật đẹp (chủ đề, chủ điểm cho bức ảnh). Vì ngành cao su không chỉ có rừng cao su đẹp vào mùa thay lá (cuối tháng 11 cho đến tháng   3 năm sau), mà còn trong đó rất nhiều những hình ảnh đời thường của người công nhân lao động trực tiếp trên vườn cây. Ở đó có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn chờ trút mủ, những đoàn xe nối dài chở mủ về điểm tập kết… hãy thử nghiệm nhiều góc chụp khác nhau.

Ảnh đạt giải nhất của tác giả Bùi Thái Dũng trong Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ nhất.
Ảnh đạt giải nhất của tác giả Bùi Thái Dũng trong Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ nhất.
Một số lưu ý về kỹ thuật chuyên ngành

Theo bà Lê Võ Thanh Bình – Chuyên viên Ban Quản lý kỹ thuật VRG, quan trọng nhất với cây cao su là thể hiện được những đặc điểm của cây, không bóp méo, biến đổi tính chất của cây dù với mục đích gì. Cần phải giữ nguyên những đặc tính sinh học nhận diện của cây như: màu sắc, hình học, cành, nhánh… Ví dụ, hình thức của lá cây cao su là 1 chét có 3 lá, mũi lá phải nhọn, thân thường có những loáng màu trắng, đặc trưng này hơi giống với bạch đàn…

Những hình ảnh nên tránh khi chụp là mủ chảy lan đầy thân do độ ẩm cao, mưa nhiều, hoặc một số trường hợp mủ bị đông trên đường cạo dẫn đến tình trạng mủ chảy lan đi không đúng về máng dẫn. Cần lưu ý về độ dốc miệng cạo, đây là điều quan trọng vì nhìn trên cây khai thác có những sai số về cự ly ống kính máy ảnh và con mắt nhìn thật (miệng ngửa dưới là 34 độ, miệng úp trên 45 độ).

Công nhân khi đi cạo tại vườn phải có trang bị đầy đủ về bảo hộ, đồng phục, nón, giày, dụng cụ đúng quy định. Công nhân sản xuất tại nhà máy chế biến ngoài đồng phục còn phải có những trang bị bảo hộ lao động khác như bao tay, khẩu trang. Nhân viên kỹ thuật phòng kiểm phẩm phải trang bị khẩu trang, áo blouse trắng… Không nên chụp những ảnh sai quy định về kỹ thuật cao su.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về quy trình kỹ thuật cao su, các nghệ sỹ nhiếp ảnh có thể tham khảo thêm tại trang www.vnrubbergroup.com. Đọc quy trình này, có thể giúp các nghệ sỹ nhiếp ảnh nắm bắt những kỹ thuật cây cao su, phòng khi đi sáng tác về đề tài này, chụp được những bức ảnh đẹp và không phạm vào quy trình kỹ thuật mới có có cơ hội đạt giải Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vàng trắng”, do Tạp chí Cao su VN tổ chức.

VŨ PHONG