VRG áp dụng công cụ giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội trong đầu tư ra nước ngoài

CSVN – Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp VN trong đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia, ba tổ chức gồm Oxfam, VCCI và PanNature đã cùng hợp tác nhằm thúc đẩy những nguyên tắc và thực hành tốt trong đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm ở tiểu vùng sông Mê- kông, không gây hại môi trường và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Các dự án cao su của VRG đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 15.000 lao động người Campuchia. Ảnh: Phi Long
Các dự án cao su của VRG đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 15.000 lao động người Campuchia. Ảnh: Phi Long
Hợp tác, bảo đảm sinh kế bền vững

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư như Lào và Campuchia, việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể, nhất là vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội do nhu cầu lớn về quỹ đất và lực lượng lao động.

Theo đại diện của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam – một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu về hoạt động phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ, số lượng dự án đầu tư vào nông nghiệp trong tiểu vùng sông Mê-kông có số lượng và quy mô lớn đã và đang tác động tới đời sống của người dân địa phương, một cách tích cực và cả tiêu cực.

Các dự án đầu tư đang tạo ra thêm nhiều việc làm mới nhưng cũng khiến dân địa phương bị mất đi phương thức sinh kế truyền thống của họ. Đồng thời, đặt ra những vấn đề về bồi thường và hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế mới. Những tác động về môi trường và xã hội chưa được giảm thiểu thích đáng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và người dân.

Để giảm thiểu rủi ro cho DN Việt Nam trong đầu tư nông nghiệp tại Lào và Campuchia, ba tổ chức gồm Oxfam, VCCI và PanNature (Trung tâm Con người và thiên nhiên – Tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam) đã thành lập nhóm DN tiên phong, trong đó có VRA và VRG, cùng hợp tác nhằm thúc đẩy những nguyên tắc và thực hành tốt trong đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm ở tiểu vùng sông Mê-kông, không gây hại môi trường và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Ngoài tạo việc làm, các công ty còn xây dựng trường học cho con em lao động Campuchia. Ảnh: CTV.
Ngoài tạo việc làm, các công ty còn xây dựng trường học cho con em lao động Campuchia. Ảnh: CTV.
Xây dựng tài liệu hướng dẫn giảm thiểu rủi ro

Nhóm DN tiên phong gồm 6 DN và 2 Hiệp hội, đã xây dựng “Tài liệu hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê-kông” (Tài liệu), trên nền tảng các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về kinh doanh và nhân quyền, đồng thời, tiếp cận với các kinh nghiệm thực tế của DN đầu tư nông nghiệp ở Lào và Campuchia.

Sau hai năm 2015 – 2016 nghiên cứu về thực trạng đầu tư của DN Việt Nam tại Lào và Campuchia, Tài liệu được soạn thảo, tham vấn nhiều bên liên quan và áp dụng thí điểm thành công tại 3 công ty Việt Nam trong hai năm 2017 – 2018 (2 công ty của VRG và 1 của Đắk Lắk). Sự hưởng ứng và đồng thuận của các DN và hiệp hội trong nhóm DN tiên phong cũng như các bên liên quan đã thúc đẩy VCCI, Oxfam và PanNature tổ chức Hội thảo “Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật” để công bố Tài liệu vào ngày 10/1/2019 tại Hà Nội.

Đây là công cụ thiết thực giúp DN giảm rủi ro từ các vấn đề đất đai, lao động, môi trường và văn hóa trong các giai đoạn của một dự án (chuẩn bị đầu tư, thực hiện và kết thúc dự án) thông qua những biện pháp cụ thể dựa trên luật pháp quốc gia và quy định quốc tế. Tài liệu này đã được VRG đăng tải trên website https://rubbergroup.vn/ để DN tham khảo (Mục Phát triển bền vững).

Các DN tham gia thí điểm cho biết, trước đây, quan điểm của họ là làm đúng theo yêu cầu luật pháp của nước sở tại là đủ, vì vậy, không tìm hiểu những rủi ro tiềm ẩn do không áp dụng các nguyên tắc của quốc tế. Sau khi thực hiện thí điểm, DN đã ý thức rõ hơn về phát triển bền vững, những cam kết quốc tế mà các quốc gia đã ký kết, quan hệ cởi mở hơn với các tổ chức phi chính phủ để cùng giải quyết tốt hơn những vấn đề về văn hoá, xã hội, môi trường… của các dự án. Ba tổ chức NGO trên dự kiến tiếp tục hỗ trợ các DN Việt Nam đầu tư nông nghiệp ở Lào và Campuchia trong việc lập kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện theo hướng dẫn của Tài liệu và đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp về phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm, áp dụng giải pháp khắc phục, hạn chế những rủi ro môi trường và xã hội trong quá trình vận hành dự án.

Dự án cao su được đánh giá cao

Các dự án đầu tư trồng cao su tại Campuchia của VRG được triển khai từ năm 2007 theo ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia. Đến nay, 19 dự án đã hoàn thành giai đoạn trồng và một số vườn cây được thu hoạch, đạt tổng diện tích gần 90.000 ha tại 7 tỉnh: Kampong Thom, Kratie, Ratanakiri, Odor Meanchey, Preah Vihea, Siêm Riệp và Mondolkiri của Vương quốc Campuchia.

Tổng giá trị thực hiện đến hết năm 2018 đạt khoảng 750 triệu USD. VRG đã và đang xây dựng 5 nhà máy chế biến mủ với tổng công suất thiết kế 58.500 tấn/năm. Trong đó, có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động với nguồn nguyên liệu được thu hoạch từ các dự án và sẽ chế biến cao su thu mua từ các hộ dân gần dự án.

Các dự án cao su của VRG đã thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 15.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 230 USD/người/ tháng. Bên cạnh đó, các công ty VRG còn trả thêm các khoản khác như lương ngoài giờ, nghỉ chế độ, thưởng lễ Tết, ốm đau… Đặc biệt là mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và cấp phát thuốc điều trị miễn phí cho công nhân và gia đình tại vùng dự án.

Bên cạnh việc đầu tư phát  triển  cao su, các công ty cao su VRG còn đầu tư  xây dựng nhà ở cho công nhân, hệ thống điện, trường học, cầu, đường, trạm y tế, tích cực tham gia đóng góp quỹ môi trường và xã hội, ủng hộ các cấp chính quyền địa phương, hội chữ thập đỏ…

Đến nay, các dự án trồng cao su tại Campuchia đã có nhiều kết quả bước đầu khá lớn, được Chính phủ, các Bộ, ngành Campuchia đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư trồng cây nông – công nghiệp (cây cao su) của các công ty thành viên VRG và một số công ty của Việt Nam đang trồng cao su tại Campuchia diễn ra vào ngày 28/2 ở thủ đô Phnom Penh.

Theo ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, các dự án đầu tư trồng cao su của VRG và các thành viên được triển khai từ năm 2005, với tổng diện tích định hình hiện nay khoảng 26.600 ha vào năm 2018, trong đó, diện tích được thu hoạch đạt 18.600 ha và sản lượng đạt 30.200 tấn. VRG đã cho xây dựng 2 nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào với tổng công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn/năm.

Những dự án trồng cao su của các công ty trực thuộc VRG được Chính phủ đánh giá cao do mang tính xã hội, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, dân trí và góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng tại những vùng khó khăn của Lào. Với những thuận lợi về vị trí giáp biên, việc đầu tư trồng cao su của VRG góp phần thắt chặt truyền thống gắn bó keo sơn của Lào và Việt Nam.

TS. TRẦN THỊ THÚY HOA

(Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững ngành cao su và VRG)