CSVN – Giá bán cao su thấp, để có được lợi nhuận trên từng tấn mủ, các đơn vị đã tích cực rà soát tất cả các yếu tố tác động đến giá thành, triệt để tiết giảm chi phí nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động SXKD và ổn định đời sống NLĐ.
Tối ưu hóa mọi nguồn lực
Xác định tăng năng suất vườn cây là giải pháp cốt lõi để tiết giảm giá thành, tăng thu nhập cho NLĐ, nhiều năm qua năng suất vườn cây của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng luôn đứng trong top đầu của toàn ngành. Ông Lê Tiến Vượng – TGĐ Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Năm 2018, giá thành của công ty 30 triệu đồng/tấn, giá bán 32,2 triệu đồng/tấn, năng suất đạt trên 2,25 tấn/ha, vượt sản lượng trên 1.000 tấn. Công ty thực hiện tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, quản lý để hạ giá thành, giảm chi phí vận chuyển và chế biến, áp dụng đồng bộ có hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý góp phần giảm chi phí trong hội họp, hội nghị”.
Tiết giảm suất đầu tư, quản lý giá thành tốt đã góp phần giúp cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận có kết quả SXKD tốt trong năm 2018. Công ty chỉ tập trung đầu tư những công trình cần thiết để phục vụ cho sản xuất và chú trọng công tác quản lý giám sát nhằm nâng cao chất lượng công trình.
Ngoài ra, một trong các giải pháp được toàn bộ các đơn vị trong ngành áp dụng đối với vườn cây kinh doanh là chuyển đổi chế độ cạo từ D3 sang D4 để tiết giảm lao động, nâng cao năng suất. Ông Nguyễn Văn Thanh – TGĐ Cao su Bình Thuận, cho biết: “Năm 2018, ngoài việc tiết giảm các chi phí thực tế trong quá trình SXKD, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận đã chuyển đổi sang chế độ cạo D4 600,19 ha. Thực hiện triệt để và toàn diện phong trào tiết kiệm nhằm hạ giá thành sản phẩm; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động”.
“Thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của VRG, công ty quán triệt tinh thần tiết giảm chi phí trong sản xuất, đầu tư đến toàn thể các phòng ban chức năng để đề ra những giải pháp phù hợp với đơn vị. Năm 2018, công ty thực hiện quy trình mua sắm trang thiết bị, vật tư trên cơ sở lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực, chất lượng hàng hóa đảm bảo yêu cầu, giá cả hợp lý. Giá trị đầu tư năm 2018 giảm gần 40% so với năm 2017”, ông Thanh cho biết thêm.
Sản lượng tiêu thụ năm 2018 của công ty đạt 12.425 tấn, trong đó giá bán bình quân 32,2 triệu đồng/tấn, giá thành bình quân 29,9 triệu đồng, riêng giá thành cao su của công ty đạt 27,4 triệu đồng/tấn, đảm bảo kinh doanh cao su có hiệu quả. Để đạt được kết quả đó, công ty đã quản lý chặt giá thành sản xuất, triệt để tiết giảm những khoản không cần thiết, chỉ đầu tư vào sản xuất và chăm lo cho NLĐ.
Tại Hội nghị NLĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận năm 2019, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG đã biểu dương về thành tích này của công ty: “Công ty đã thực hiện rất tốt chủ trương tiết giảm suất đầu tư, hạ giá thành của VRG. Nếu tính theo giá thành riêng của công ty thì lợi nhuận mỗi tấn đạt gần 5 triệu đồng, nếu tính mức giá thành bình quân thì lợi nhuận đạt 2,3 triệu đồng/tấn. Đây là kết quả rất tích cực. Với nền tảng này, công ty cần tiếp tục phát huy để có lợi nhuận tốt hơn nữa trong năm 2019 và những năm tiếp theo, chú trọng quan tâm chăm lo cho NLĐ”.
Triệt để tiết giảm chi phí sản xuất
“Năm 2018, Công ty CPCS Đồng Phú đã cắt giảm 25% chi phí sản xuất chung và 20% chi phí quản lý, triệt để tiết giảm chi phí hội họp, hội nghị. Công ty chỉ tập trung đầu tư những công trình hết sức cần thiết để phục vụ cho công tác SXKD và rất chú trọng công tác quản lý giám sát. Tiết kiệm chi phí vật tư, nhiên liệu, bảo quản tốt máy móc, thiết bị nhằm hạn chế chi phí sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng… góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hồ Cường – TGĐ Cao su Đồng Phú, cho biết.
Tương tự, Công ty CPCS Phước Hòa đã chủ động rà soát lại chi phí sản xuất, thực hiện định mức các loại nguyên nhiên vật liệu, điện, nước tiêu hao trong quá trình chế biến theo hướng tiết giảm tối đa và hợp lý nhằm giảm giá thành sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Tược – TGĐ Cao su Phước Hòa, chia sẻ: “Khó khăn của công ty là diện tích khai thác 7.646 ha thì vườn cây nhóm III chiếm tới 36,64%. Năm 2018, công ty đã triệt để thực hiện tiết giảm suất đầu tư để hạ giá thành, mở rộng diện tích cạo D4. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động để NLĐ hiểu, đồng cảm, chung tay thực hiện tiết giảm SĐT, giảm giá thành…”.
Riêng Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đã xây dựng và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật về quản lý suất đầu tư ứng với từng năm trồng, phương pháp trồng, đảm bảo không vượt suất đầu tư được VRG phê duyệt. Đối với giá thành, công ty đã triển khai hiệu quả quy trình sản xuất sạch, theo dõi và quản lý chặt chẽ các công đoạn sản xuất, thực hành tiết kiệm tối đa nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh việc đổi mới thiết bị, công nghệ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Quá trình sản xuất luôn gắn liền với việc xử lý nước thải, chất thải, kết hợp với việc tái sử dụng nước thải sau khi xử lý đã tiết kiệm chi phí sản xuất.
Năm 2018, giá bán bình quân của công ty đạt 33,7 triệu đồng/tấn, giá thành 31,7 triệu đồng/tấn. Lợi nhuận từ cao su đạt hơn 50 tỷ đồng. Năm 2019, công ty xây dựng kế hoạch giá thành 30 triệu đồng/tấn và giá bán là 33 triệu đồng/tấn. Đồng thời, xây dựng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí quản lý nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất có thể, bảo đảm lợi nhuận trong hoạt động SXKD.
Để đạt được hiệu quả SXKD năm 2018, Công ty CP Cao su Tân Biên và Bà Rịa đã quản lý giá thành chặt chẽ, nhằm đảm bảo kinh doanh có lãi. Ban lãnh đạo công ty đã triển khai thực hiện những giải pháp tích cực để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết giảm suất đầu tư, tăng cường tuyên truyền vận động, tạo nên sự đoàn kết toàn công ty…Nhờ đó đã khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất và kinh doanh có lợi nhuận, ổn định thu nhập và đời sống NLĐ.
Tổng nhu cầu đầu tư năm 2018 của TCT Cao su Đồng Nai là 504 tỷ đồng, thực hiện 474,4 tỷ đồng. Do khó khăn về nguồn vốn, TCT đã rà soát giảm nhiều hạng mục đầu tư chưa phục vụ trực tiếp cho sản xuất, riêng trong xây lắp giảm 2,6 tỷ đồng, thiết bị giảm 3,1 tỷ đồng. Tận dụng tối đa công suất chế biến của nhà máy để giảm chi phí cố định trên tấn mủ chế biến, xây dựng và quản lý việc thực hiện giá thành hợp lý, đảm bảo kinh doanh có lãi. Thực hiện triệt để tiết kiệm, rà soát tiết giảm các chi phí trong giá thành để có điều kiện nâng tiền lương cho NLĐ…
MINH TÂM – MINH NHIÊN – TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Các công ty thành viên VRG có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh
- Đảng bộ VRG nhận 2 Cờ thi đua xuất sắc của Đảng bộ Khối DNTW
- Đảng ủy VRG thực hiện hiệu quả ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh ủy
- Cao su Đồng Nai khen thưởng 238 triệu đồng cho hội thi thợ giỏi
- Năng suất vườn cây Cao su Phú Riềng đạt 2,25 tấn/ha
- VRG thực hiện tốt tái cơ cấu doanh nghiệp
- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở tạo niềm tin cho người lao động
- Cao su Sa Thầy tổ chức Hội thao CNVC - LĐ năm 2022
- Khen thưởng thi đua tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới
- Cụm thi đua số 2 Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sơ kết công tác thi đua khen thưởng tạ...