Những tấm lòng son sắt với nghề

CSVN – Năm 2019 vừa tròn 90 năm truyền thống Ngành Cao su Việt Nam, lịch sử ngành đã có những trang viết hào hùng về truyền thống công nhân (CN) cao su Việt Nam trong đấu tranh cách mạng. Phát huy truyền thống đó, công nhân cao su ngày nay luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên với một tình yêu ngành, yêu nghề sâu sắc.
Chị Nguyễn Thị Hồng – CN Tổ 4, NT Bình Lộc trang bị vật tư, chuẩn bị mùa cạo mới.
Chị Nguyễn Thị Hồng – CN Tổ 4, NT Bình Lộc trang bị vật tư, chuẩn bị mùa cạo mới.
Không thể “dứt duyên” với cao su

Chúng tôi tìm đến TCT  Cao su Đồng Nai – đơn vị có bề dày truyền thống 44 năm xây  dựng và phát triển để hiểu rõ hơn về nét đẹp lao động của ngành nghề mang truyền thống cha truyền con nối này.

Khi chúng tôi ngỏ lời muốn gặp CN khai thác có thành tích  tốt trong lao động sản xuất, anh Lê Văn Cư – Chủ tịch Công đoàn Nông trường Bình Lộc đã giới thiệu chị Nguyễn Thị Hồng – CN Tổ 4, chị vừa được nông trường đề nghị tuyên dương danh hiệu “Công nhân Cao su  Việt  Nam  ưu tú” năm 2019. Bốn năm liền   là Chiến sĩ thi đua cấp TCT, chị nhiều lần được nhận bằng khen của VRG và Công đoàn CSVN.

Năm 2018 vừa qua, chị khai thác được gần 11 tấn mủ, vượt 32% kế hoạch cấp trên giao.

Nói về truyền thống gia đình mình, chị xúc động kể: “Ba mẹ là phu công tra ngày xưa. Gia đình từ Ninh Bình vào đây làm CN cao su hết, có người đã nghỉ hưu và có người còn gắn bó. Nói vất vả thì nghề nào cũng có những khó khăn riêng, CN cao su tất bật trên vườn cây nhưng vẫn có giây phút thư giãn, vẫn có thời gian thoải mái hơn làm CN bên ngoài. Trước tiên, anh chị em chúng tôi trân trọng và biết ơn ngành cao su, mỗi chúng tôi luôn nhắc nhở nhau về truyền thống gia đình, về thời kỳ gian khó khi mới vào đây lập nghiệp phấn đấu hoàn thành tốt công việc, góp phần đóng góp vào thành công chung của đơn vị và tăng thu nhập cho gia đình”.

Khi mới lấy chồng phải theo gia đình chồng ở xa, chị có 2 năm ngắt quãng với cây cao su. Nhưng rồi như một sợi dây liên kết gắn bó, như một phần của cuộc đời, chị nhận ra rằng mình vẫn không thể nào “dứt duyên” với cao su được. Nghĩ là làm, chị được ông xã động viên quay trở lại với nghề. Biết được hoàn cảnh và tâm ý nhiệt thành của chị, Ban lãnh đạo Nông trường Bình Lộc đã sắp xếp phần cây cạo gần với nơi ở của gia đình để thuận tiện cho việc đi lại của chị. Ấy vậy là mối duyên với cao su từ năm 18 tuổi được nối lại vào năm 2000.

Chị tâm tình: “Anh chị em chúng tôi muốn theo nghề của ba mẹ để lại. Dù cho ngành cũng có những giai đoạn khó khăn, đó là chuyện rất bình thường. Từ ba mẹ và những người lâu năm gắn bó với nghề, chúng tôi biết rằng nếu cố gắng, chịu khó thì làm CN cao su sẽ ổn định cuộc sống. Mà đúng như vậy thật, cao su nuôi hai con gái tôi trưởng thành, một cháu năm nay ra trường, cháu nhỏ đang theo học điều dưỡng. Cứ nhờ lương cao su mà hàng tháng tôi có tiền gởi cho hai con ăn học. Ông xã hiểu được công việc của vợ nên khi nào cũng động viên và phụ vợ. Với nghề này, cần phải yêu nghề mới làm được. Tôi cũng vậy, còn sức là còn làm cao su”.

Với thành tích lao động xuất sắc, chị Hoàng Thị Hiên là 1 trong 246 CNLĐ được đi du lịch xuyên Việt năm 2019.
Với thành tích lao động xuất sắc, chị Hoàng Thị Hiên là 1 trong 246 CNLĐ được đi du lịch xuyên Việt năm 2019.

“Đã gắn bó thì chỉ muốn cống hiến mãi”

Rời Bình Lộc, chúng tôi đến Nông trường Túc  Trưng  –  đơn vị vừa trở về sau chuyến du lịch xuyên Việt (chuyến đi dành cho những cá nhân xuất sắc trong năm 2018, chiến sĩ thi đua cấp TCT), gặp chị Hoàng Thị Hiên – CN khai thác Tổ 4, cùng với các anh chị trong tổ tất bật trang bị vườn cây để chuẩn bị cho mùa cạo mới.

Hồi tưởng lại 20 năm về trước, chị Hiên đã chọn nghề cạo mủ chỉ đơn giản: “Cả gia đình tôi từ Quảng Bình vào Đồng Nai lập nghiệp, công việc đầu tiên ba mẹ gắn bó cho đến khi về già là CN cao su. Từ nhỏ tôi đã có những buổi theo chân ba mẹ ra lô, dần dà thấy cao su trở nên thân thuộc. Và cũng chính nhờ cao su, gia đình tôi được như ngày hôm nay. 6 anh chị em chúng tôi đều muốn nối tiếp nghề của ba mẹ.

Với chúng tôi, đây là một niềm tự hào rất lớn. Tôi tin rằng, không chỉ có một mình tôi mà nhiều anh chị em của TCT Cao su Đồng Nai đều mang trong mình một sự đam mê, yêu nghề. Và có yêu, có trân trọng nghề thì mới gắn bó lâu dài như vậy. Chúng tôi vẫn thường đùa nhau rằng cao su như một chất keo kết dính vậy, đã vào nghề chỉ muốn cống hiến mãi thôi”.

20 năm gắn bó với nghề, biết bao kỷ niệm vui buồn không kể hết, ngần ấy năm chị luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của ông xã trong công việc. Thời gian cứ lặng lẽ trôi không đợi chờ một ai, hai con của chị lớn lên cùng với tuổi nghề. Thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, các con đều ngoan và phấn đấu học tập.

“Vào làm cao su được một năm thì tôi lập gia đình. Tôi cũng trải qua những thăng trầm với nghề, với ngành nhưng chưa khi nào trong suy nghĩ có những băn khoăn, trăn trở về việc đi hay ở với nghề. Chính môi trường làm việc thoải mái, linh động đã tạo điều kiện cho tôi có thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Nhờ cao su, hai con tôi được học hành đầy đủ. Và cũng chính nhờ nghề này, hai vợ chồng chắt bóp để mua thêm rẫy phát triển kinh tế gia đình”, chị Hiên tâm sự.

Những buổi ra lô đầy ắp tiếng cười, sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi trong tổ có người ốm đau, những chia sẻ động viên của ban lãnh đạo nông trường, sự quan tâm kịp thời, phần thưởng của TCT là động lực giúp chị phấn đấu trong công việc. Qua từng năm, tay nghề của chị được rèn luyện vững vàng hơn và chị luôn đứng trong tốp đầu của nông trường về khai thác vượt kế hoạch sản lượng được giao. Cần mẫn học hỏi, khắc phục những điểm yếu, phát huy thế mạnh, nỗ lực không ngơi nghỉ, đó là những gì đồng nghiệp nhìn thấy ở chị.

Chúng tôi hỏi vui: “Tròn 20 năm vào nghề, chị có tổ chức kỷ niệm gì không?”. Cười hiền hậu, chị nói: “Những việc đó đã có TCT lo rồi. TCT chu đáo lắm, đối với những CN lâu năm, công ty có nhiều chính sách, chế độ khen thưởng kịp thời, như tròn 15 năm thì sẽ tặng Kỷ niệm chương, 20 năm cũng có tặng quà để động viên NLĐ. Với chúng tôi, đó là một sự trân trọng, khích lệ rất lớn. Cũng chính vì cái tình, cái nghĩa như vậy mà chúng tôi son sắt với nghề”.

Xây dựng đội ngũ yêu ngành, yêu nghề

Những chia sẻ chân tình, hào sảng của chị về ngành, về nghề, về truyền thống gia đình như một làn gió mát làm dịu hẳn cái nắng chói chang của tháng 3. Ông Đỗ Minh Tuấn – TCT Cao su Đồng Nai cho biết: “TCT có được ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ NLĐ, những người đã và đang gắn bó cùng với sự phát triển của đơn vị. Trong những giai đoạn tiếp theo, TCT sẽ có những bước chuyển mình, đổi mới để phát triển bền vững. Ban lãnh đạo TCT xác định NLĐ đóng vai trò quan trọng, vì vậy TCT sẽ phát huy truyền thống, xây dựng đội ngũ NLĐ yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với đơn vị.

Những năm qua, TCT luôn quan tâm, chăm lo về các chế độ lương, thưởng, chính sách kịp thời, triệt để cho NLĐ. Không phải về hình thức mà phải làm thực chất. Mọi ý kiến của NLĐ đều được phản hồi kịp thời, tất cả quyền lợi đều ưu tiên cho NLĐ. Chúng tôi trân trọng và luôn lắng nghe NLĐ. Vì vậy, TCT đã tạo ra một cộng đồng công nhân cao su gắn bó, tâm huyết với đơn vị”.

Không chỉ chị Hồng, chị Hiên mà hơn 5.600 CB.CNVC – LĐ TCT đã và đang gắn bó với đơn vị luôn kế thừa, phát huy truyền thống ngành và TCT. Tin tưởng rằng với nền tảng, với bề dày 44 năm truyền thống, TCT sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

QUỲNH MAI