VRG đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội Campuchia

CSVN – Tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư trồng cây nông – công nghiệp (cây cao su) của các công ty thành viên VRG và một số công ty của Việt Nam đang trồng cao su tại Campuchia diễn ra vào ngày 28/2 tại thủ đô PhnomPenh, Ngài Yim Chhayly – Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và Phát triển nông nghiệp nông thôn đã đánh giá cao những đóng góp của VRG trong việc phát triển kinh tế – xã hội Campuchia. Đặc biệt, các công ty cao su VRG đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế của Campuchia đạt được mức tăng trưởng ổn định và bền vững 7%/năm.
Ngài Yim Chhayly - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia trao Huân chương cao quý của Vương quốc Campuchia cho ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG.
Ngài Yim Chhayly – Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia trao Huân chương cao quý của Vương quốc Campuchia cho ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG.
Hiệu quả kinh tế xã hội

Thực hiện chủ trương,  thỏa thuận của 2 chính  phủ về việc phát triển cây cao su  ở Campuchia, từ năm 2007 đến nay Tập đoàn đã đầu tư 19 dự án tại 7 tỉnh: Kampong Thom, Kratie, Ratanakiri,  Odor Meanchey, Preah Vihea, Siêm Riệp và Mondolkiri. Diện tích cao su đã trồng  được  gần 90.000 ha, tương đương 90% theo quy mô thỏa thuận 100.000 ha với Chính phủ Campuchia. Tổng giá trị thực hiện đến hết năm 2018 đạt khoảng 750 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhun đã ghi nhận sự cố gắng của ban lãnh đạo VRG, các công ty để các dự án cao su đạt đúng tiến độ, hiệu quả tốt cũng như tuân thủ chặt chẽ pháp luật và nộp thuế đầy đủ. Bên cạnh đó, VRG còn hỗ trợ cho Tổng cục Cao su về trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật cũng như đào tạo tay nghề cho công nhân Campuchia. Ông cũng đề nghị VRG thời gian tới tiếp tục hỗ trợ trong công tác thu mua mủ tiểu điền, tránh bị tư thương ép giá, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Các dự án cao su của VRG đã thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 15.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 230 USD/người/ tháng. Bên cạnh đó, các công ty VRG còn trả thêm các khoản khác như: lương ngoài giờ, nghỉ, thưởng lễ Tết, ốm đau… Đặc biệt là mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và cấp phát thuốc điều trị miễn phí cho công nhân và gia đình tại vùng dự án.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển cao su, các công ty cao su VRG còn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, trường học, cầu, đường, lưới điện, trạm y tế, tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các cấp chính quyền địa phương, Hội Chữ Thập Đỏ… trị giá hàng chục triệu USD.

Tính đến hết năm 2018, VRG đã, đang đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến mủ với tổng công suất thiết kế 58.500 tấn. Trong đó có 3 nhà máy của 3 đơn vị đã đi vào hoạt động là: Nhà máy Công ty Tân Biên- Kampong Thom, Nhà máy chế biến Ouyadav – công ty Mangyang – Ratanakiri và nhà máy Công ty Chư Sê Kampong Thom, đã sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các nhà tiêu thụ và sản xuất vỏ xe lớn hàng đầu thế giới. Hiện tại, VRG đang tiếp tục hoàn thiện 2 nhà máy của Công ty Phước Hòa-Kampong Thom và Đồng Phú-Kratie để kịp thời đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu chế biến của các đơn vị và chế biến cao su thu mua của các hộ dân tại vùng dự án.

Đại diện các công ty cao su VRG tại Campuchia nêu khó khăn, vướng mắc tại hội nghị.
Đại diện các công ty cao su VRG tại Campuchia nêu khó khăn, vướng mắc tại hội nghị.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Với những tiềm năng sẵn có của đất nước và chính sách mở cửa thu hút đầu tư của Chính phủ Campuchia theo chiến lược tứ giác phát triển giai đoạn 4, VRG đã mạnh dạn đầu tư, phát triển về quy mô sản xuất cũng như tăng lượng vốn đầu tư. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, các công ty vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ kịp thời.

Tại hội nghị, VRG đã nêu một số kiến nghị với các Bộ ngành liên quan của Campuchia, nhất là ngành thuế, hải quan để tạo điều kiện duy trì và thúc đẩy các dự án trồng cây cao su phát triển.

Cụ thể: cần tạo điều kiện thông thoáng trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu; Tổng cục Hải quan và Bộ Thương mại Campuchia xem xét hỗ trợ rút gọn, giảm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu; xem xét, chỉnh sửa, bổ sung luật thuế Campuchia cho phù hợp tình hình thực tế hiện tại, đặc biệt nghiên cứu ban hành các quy định riêng đối với lĩnh vực đầu tư nông – công nghiệp vì các dự án cao su là các dự án nông nghiệp đầu tư dài hạn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn các lĩnh vực khác nên cần có chính sách ưu đãi riêng về thuế để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Ngoài ra cần tạo điều  kiện thuận lợi để các đơn  vị thành viên được hoàn thuế VAT cũng như xem xét tăng thời gian ưu đãi thuế từ 3 năm lên 5 năm; ban hành quy định mức tiền lương tối thiểu cho ngành nông nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị có cơ sở thực hiện chi trả các chế độ chính sách cho người lao động; Với tình trạng thiếu lao động tại các vùng dự án, VRG đề nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch dân cư cũng như điều chỉnh quy định về tỉ lệ lao động người nước ngoài làm việc tại các công ty; hỗ trợ Tập đoàn trong việc đăng ký logo và chấp nhận cho các công ty thành viên được sử dụng logo, mẫu tem, nhãn chung cho các sản phẩm.

Với ý kiến của cụm 1 Campuchia về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận cũng mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý tại địa phương để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo an toàn sản phẩm, tài sản của các công ty.

Nhiều cơ quan hữu quan của Campuchia như Bộ Tài chính, Tổng Cục hải quan đã có cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn với đại diện của các công ty Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong việc triển khai dự án như thủ tục xuất khẩu cao su, ưu đãi thuế, các kỹ thuật về khai báo thuế…

Phó Thủ tướng Yim Chhayly cho biết, chiến lược tứ giác phát triển giai đoạn 4 của Chính  phủ đã xác định sẽ tiếp tục điều chỉnh và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, trong đó bao gồm: việc thúc đẩy thông qua dự thảo luật đầu tư, sớm triển khai thực hiện luật đầu tư hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh điều chỉnh toàn bộ hệ thống thuế nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, trách nhiệm, ưu đãi động viên đến hoạt động kinh doanh và đầu tư, đảm bảo công bằng xã hội.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Yim Chhayly đề nghị các cơ quan hữu quan của Campuchia quan tâm giải quyết, kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các công ty hoạt động. Với những vấn đề khó, phải kịp thời báo cáo lên cấp trên, Chính phủ để có hướng giải quyết thỏa đáng.

ĐÀO PHONG