Đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu

CSVN – Tập đoàn IKEA bắt đầu kết nối với VRG về việc cung ứng gỗ cao su từ năm 2015. Hiện nay, tại Việt Nam IKEA đã thực hiện các khâu thu mua, sản xuất, gia công sản phẩm, sau đó xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Phóng viên Tạp  chí  Cao su VN đã có buổi trao đổi với ông Kim Lindell – TGĐ khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn IKEA xung quanh vấn đề này.
Ông Kim Lindell trong một lần làm việc tại VRG.
Ông Kim Lindell trong một lần làm việc tại VRG.

– Xin ông chia sẻ về hoạt động của Tập đoàn IKEA tại Việt Nam?

Ông Kim Lindell: IKEA có văn phòng đại diện  tại Việt Nam. Hiện tại, IKEA vẫn chưa phát triển hệ thống nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam. Tuy vậy, IKEA đã ký kết hợp đồng gia công với một số công ty Việt Nam, bao gồm: Công ty sản xuất ván sàn Việt Nam, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty 76 Bộ Quốc phòng, Công ty Nội thất SHINEC, Công ty SAIGA, Công ty Xuân Hòa, Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển Thương mại An Thái, Công ty Sợi Thế Kỷ…

Nhờ có các công ty gia công này, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các sản phẩm đồ gỗ nội thất IKEA ngay tại Việt Nam. Ngoài ra trên thị trường hiện nay cũng tồn tại các cửa hàng bán đồ gỗ nội thất IKEA không thuộc hệ thống cửa hàng bán lẻ của IKEA. Những cửa hàng này chủ yếu nhập đồ từ IKEA Trung Quốc hoặc từ các công ty gia công trong nước để bán cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, Tập đoàn IKEA mong muốn đẩy mạnh đầu tư, thiết lập một loạt các văn phòng đại diện, cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của Tập đoàn, qua đó chính thức xây dựng hệ thống bán lẻ của IKEA tại Việt Nam.

Việc đầu tư vào Việt Nam không chỉ đơn giản là mở chuỗi cửa hàng bán lẻ, mà còn hướng tới mô hình tổ hợp sản xuất, đưa Việt Nam tham gia và tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA. Việt Nam đang là một trong 5 thị trường xuất khẩu nội thất lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 Châu Á.

Tập đoàn IKEA cam kết mang lại những sản phẩm nội thất có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Việt Nam và là cầu nối giúp các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà bán lẻ khác quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. IKEA mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan Việt Nam trong quá trình hợp tác đầu tư.

IKEA là thương hiệu bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới.
IKEA là thương hiệu bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới.

– Việc hợp tác giữa Tập đoàn IKEA và VRG như thế nào, thưa ông?

Ông Kim Lindell: Một trong những điều kiện bắt buộc của IKEA khi thu mua là sản phẩm gỗ phải có chứng chỉ FSC. Mỗi năm VRG có khoảng 10.000 ha gỗ cao su thanh lý. Từ năm 2015, IKEA và VRG đã kết nối làm việc. IKEA đã có những buổi làm việc tìm hiểu rõ hơn về nguồn cung cấp gỗ cao su của VRG, từ đó đi đến hợp tác toàn diện về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ gỗ cao su. IKEA đã thăm các nhà máy sản xuất gỗ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và TCT Cao su Đồng Nai… IKEA tin tưởng rằng VRG có đủ khối lượng gỗ cao su cũng như các sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su để đáp ứng nhu cầu của đối tác, sau khi hoàn thiện cấp chứng chỉ FSC.

IKEA có mô hình “tìm nguồn cung ứng sản phẩm toàn cầu hợp lý”. Bằng cách mua hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. IKEA đã phát triển một hệ thống chi phí hiệu quả và kịp thời về thời gian để đưa sản phẩm của mình từ nhà máy đến cửa hàng, bất kể vị trí bán hàng đó ở đâu.

Hàng năm, IKEA sử dụng từ 70.000m3 đến 80.000m3 gỗ cao su không sử dụng hóa chất trong việc sơ chế từ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Hiện tại ở Việt Nam, IKEA thu mua chủ yếu là gỗ cao su và gỗ tràm. IKEA đặt hàng các sản phẩm gỗ với hơn 10 công ty chuyên chế biến đồ gỗ có năng lực, có nguồn nguyên liệu tốt. Một trong những yêu cầu mà IKEA đặt ra với các công ty chế biến gỗ là sản phẩm phải được làm từ gỗ nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) 100%.

Doanh thu của IKEA từ năm 2001 đến 2018 (đơn vị: triệu euro).
Doanh thu của IKEA từ năm 2001 đến 2018 (đơn vị: triệu euro).

Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu này, các công ty hợp tác với IKEA như NAFOCO, Woodsland… đã liên kết với các hộ có nguồn đất trồng rừng ở Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị… để trồng rừng nguyên liệu theo hướng bền vững, có chứng chỉ FSC. Trồng rừng theo liên kết này, các hộ được các công ty hỗ trợ về tài chính, cây giống, đảm bảo thu mua toàn bộ gỗ có chứng chỉ FSC.

Còn các công ty cung ứng sản phẩm làm từ gỗ có chứng chỉ FSC cho IKEA, cũng yên tâm về đầu ra vì toàn bộ là làm theo đơn đặt hàng của tập đoàn. Không những thế, các công ty chế biến gỗ liên kết với IKEA còn có cơ hội sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, thay đổi công nghệ, tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất, doanh thu và lợi nhuận. Tính ổn định của đơn hàng từ IKEA giúp các nhà cung cấp có được kế hoạch sản xuất ổn định và dài hạn. Với các đơn hàng này, các nhà cung cấp cho IKEA có thể định hướng phát triển như đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tuyển dụng và đào tạo lao động, xác định đối tác mới và mở rộng vùng nguyên liệu tốt hơn. Bên cạnh đó, các sản phẩm do IKEA đặt hàng thường có mẫu mã đơn giản, và ít có thay đổi về mẫu mã. Điều này giúp giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. Cam kết hợp tác lâu dài của IKEA cũng giúp các nhà cung cấp yên tâm khi đầu tư làm chứng chỉ FSC cho các vùng nguyên liệu của mình.

– Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HUỲNH (THỰC HIỆN)