Hiệu quả từ những mô hình trồng xen

CSVN – Tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, ngoài lợi ích kinh tế, phương án trồng xen còn mang lại hiệu quả tổng hợp về xã hội, nhất là tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người NLĐ.
Chăm sóc dưa hấu trồng xen. Ảnh: Văn Vĩnh
Chăm sóc dưa hấu trồng xen. Ảnh: Văn Vĩnh
Vùng đất thích hợp trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao

Toàn bộ diện tích cao su tại huyện Chư Sê của công ty gần 6.000 ha, đều được trồng trên đất đỏ bazan, đây là vùng đất rất thích hợp để trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả đặc sản như: Sầu riêng, bơ, cây lương thực… Vì vậy trồng xen canh trong vườn cây cao su là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng cao su. Đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần tiết giảm suất đầu tư trên vườn cây KTCB trong giai đoạn hiện nay.

Bắt đầu từ năm 2015, công ty đã triển khai thực hiện hợp đồng liên kết liên doanh trồng xen với một số doanh nghiệp và cá nhân là cán bộ công nhân viên công ty, bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Ngoài việc tiết giảm suất đầu tư trực tiếp như giảm được chi phí chăm sóc trên luồng vườn cây cao su, tiết giảm chi phí chống cháy vườn cây, công ty còn được chia phần lợi nhuận của cây trồng xen và phân bổ một phần chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng, từ vườn cây cao su sang vườn cây trồng xen.

Tính từ năm 2015 – 2018, công ty đã trồng xen canh hơn 2.506 ha các loại, bao gồm: cà phê vối, cà phê chè catimor, hồ tiêu, bơ, cây dược liệu, cỏ nuôi bò, cây lâm nghiệp, các loại cây hàng năm như khoai lang, cà tím, chuối… Doanh thu từ hoạt động trồng xen trong 3 năm đạt hơn 8,6 tỷ đồng.

Trong 2015 và 2016 chủ yếu công ty thử nghiệm các mô hình thiết kế xen canh, để đánh giá, xem xét và đưa ra mô hình thiết kế xen canh hợp lý, hiệu quả nhất cho cả cây trồng chính là cây cao su và cây trồng xen. Đặc biệt là dù thiết kế trồng xen nhưng phải đảm bảo mật độ tối ưu của cây cao su để có năng suất cao khi đưa vườn cây vào khai thác, nhưng vẫn có diện tích đất hợp lý phục vụ cho công tác xen canh.

Mang lại hiệu quả tổng hợp

Từ thực tế, công ty cũng đã xác định mô hình thiết kế chuẩn là thiết kế hàng đôi (15m x 5m x 2m) với mật độ 500 cây/ha và sẽ áp mô hình thiết kế xen canh này từ năm 2017 đến hết chu kỳ tái canh vườn cây cao su vào năm 2025.

Sau 4 năm từ năm 2015 – 2018, công ty đã triển khai thực hiện trồng xen trong vườn cây cao su tái canh bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Ngoài việc tiết giảm suất đầu tư trực tiếp như giảm được chi phí chăm sóc trên luồng vườn cây cao su, tiết giảm chi phí chống cháy vườn cây, công ty còn được chia một phần lợi nhuận của đơn vị trồng xen và phân bổ một phần chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng từ vườn cây cao su sang vườn cây trồng xen. Ngoài ra góp phần giảm chi phí cho vườn cây cao su, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp, phù hợp với các giải pháp Tập đoàn đưa ra trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài lợi ích kinh tế như đã tính toán, phương án còn mang lại hiệu quả tổng hợp về xã hội, nhất là tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nhận khoán. Tùy theo từng loại cây trồng và giá cả thị trường thì mức đầu tư và lợi nhuận mang lại sẽ khác nhau. Cây trồng xen là cây dài ngày như tiêu, cà phê… thì lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/ha/ năm. Đối với cây ngắn ngày, lợi nhuận mang lại khoảng 20 triệu đồng/ha.

MINH NHIÊN