Vài nét về ngành cao su Côte d’Ivoire

CSVN – Cộng hòa Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) đứng đầu Châu Phi và đứng thứ 7 thế giới về tổng sản lượng cao su. Tại quốc gia này, có 900.000 người sống nhờ sản xuất cao su, với 300.000 lao động trực tiếp. Tạp chí Cao su VN giới thiệu về ngành cao su Côte d’Ivoire, qua góc nhìn của tiến sỹ Nguyễn Anh Nghĩa – Trưởng phòng Nghiên cứu Bảo vệ thực vật (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam).
Đến cuối năm 2017, Côte d’Ivoire đã đạt 650.000 ha cao su. Trong ảnh: Đào tạo nghề cho người dân.
Đến cuối năm 2017, Côte d’Ivoire đã đạt 650.000 ha cao su. Trong ảnh: Đào tạo nghề cho người dân.
Chiếm 70% sản lượng Châu Phi

Cộng hòa Côte d’Ivoire là một quốc gia nằm ở Tây Phi có diện tích 322.463 km2 và dân số 26,6 triệu (2018). Côte d’Ivoire có biên giới phía Đông giáp với Ghana; Tây giáp với Liberia và Guinea; Bắc giáp Mali và Burkina Faso và phía Nam là Vịnh Guinea (Đại Tây Dương). Thủ đô về mặt pháp lý của Côte d’Ivoire là Yamoussoukro, thành phố lớn nhất là thành phố cảng Abidjan.

Kinh tế Côte d’Ivoire cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nông nghiệp tạo ra 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP). Sản phẩm nông nghiệp chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu. Trên thế giới, Côte d’Ivoire đứng đầu về sản lượng hạt cacao, cola, điều. Tại Châu Phi, Côte d’Ivoire đứng đầu về chuối, đứng thứ hai về cọ dầu, thứ ba về bông vải và cà phê. Riêng về cao su, Côte d’Ivoire đứng đầu Châu Phi và đứng thứ 7 thế giới với tổng sản lượng năm 2017 là 603.000 tấn, chiếm 70% sản lượng cao su tại Châu Phi.

Vị trí Côte d’Ivoire trên bản đồ Phi Châu (nguồn : Internet)
Vị trí Côte d’Ivoire trên bản đồ Phi Châu (nguồn : Internet)

Cây cao su bắt đầu được đưa vào trồng tại Côte d’Ivoire từ những năm 1950. Việc trồng cao su đã trải qua những bước phát triển đáng kể trong ba giai đoạn liên tiếp. Từ năm 1953 – 1977: Thiết lập cơ sở hạ tầng cơ bản với việc thành lập các đại điền quốc doanh và tư nhân. Từ 1978 – 1993: Khuyến khích khu vực tiểu điền với việc thành lập các đồn điền riêng lẻ từ 3 ha đến 50 ha, gần các nhà máy với sự hỗ trợ tài chính của nhà nước thông qua 5 dự án phát triển cao su.

Trong giai đoạn này 50.000 ha đã được trồng gồm 19.000 ha tiểu điền và 31.000 ha đại điền. Từ năm 1993: Tự do hóa các ngành bao gồm cả cây cao su, từng bước giải tán các công ty quốc doanh, ủng hộ phát triển tư nhân, đẩy mạnh vai trò chủ quyền của họ trong kiểm soát và giám sát.

Vườn cây công ty Pakidié de Dabou
Vườn cây công ty Pakidié de Dabou
Tổng diện tích cao su đạt 650.000 ha

Năm 1998, diện tích cao su Côte d’Ivoire là 70.000 ha, đại điền chiếm 60% và 40% là tiểu điền. Năm 1999, tổng diện tích tăng lên 84.000 ha, đại điền chiếm 57% và tiểu điền chiếm 43%.

Đầu năm 2007, tổng diện tích đã đạt 125.000 ha với 56% tiểu điền, 42% đại điền và 2% dành cho nghiên cứu. Năm 2011, tăng lên 318.000 ha trong  đó tiểu điền chiếm 84% (268.000 ha), với sản  lượng 232.000 tấn cao su khô. Đến cuối năm 2017, tổng diện tích cao su đã đạt 650.000 ha, trong đó tiểu điền chiếm 82% (534.000 ha) với hơn 160.000 hộ nông dân đăng ký. Sản xuất cao su cho đến nay được tập trung ở các khu vực phía Nam, Đông, Tây và vùng trung tâm Côte d’Ivoire.

Vùng sản xuất cao su tại Côte d’Ivoire (màu xanh) (nguồn: Wahounou, CNRA)
Vùng sản xuất cao su tại Côte d’Ivoire (màu xanh) (nguồn: Wahounou, CNRA)

Việc tiếp quản dần tất cả các hoạt động trong ngành bởi Hiệp hội Chuyên nghiệp Cao su Thiên nhiên Bờ Biển Ngà (Association des Professionnels du Caoutchouc Naturel de Côte d’Ivoire, APROMAC), được thành lập năm 1975, tập hợp các nhà sản xuất cao su (tiểu điền, đại điền, nhà máy) và các viện nghiên cứu (CNRA, FIRCA), đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển cao su tại nước này. Năm 2009, trước tình trạng không còn được hỗ trợ cây giống từ các công ty đại điền như trong giai đoạn 1978 – 1992, trong một thời gian dài (1993 – 2008), nông dân trồng cao su đã sử dụng cây thực sinh làm vật liệu trồng dẫn đến năng suất kém.

APROMAC lập Quỹ Phát triển Cao su (Fonds de développement hévéa, FDH) để thực hiện ba chương trình cụ thể: Hỗ trợ thành lập các đồn điền bằng cách cung cấp cây giống cho người trồng với mức giá hỗ trợ; Hỗ trợ xây dựng kỹ năng thông qua việc tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ cho xây dựng, duy tu, bảo trì hệ thống giao thông trong các khu vực trồng cao su.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Xem tiếp kỳ sau: Côte d’Ivoire – Nguồn cung cấp cao su lớn của thế giới)