“Tuổi trẻ ai chẳng có chút ngông cuồng”

CSVN – “Con người là một loài có đầy tình thương nhưng cũng đầy tính ích kỷ. Cái tôi đôi lúc nổi lên quá mạnh mẽ, lấn át cái “chúng ta”. Tuổi trẻ ai chẳng có chút ngông cuồng. Muốn tự do, tự tại, tự lập, đến nỗi quên gia đình, quên tổ ấm, quên mất chỗ dựa của ta từ bé.” 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tết sum vầy! Chỉ ba từ đơn giản nhưng tràn đầy ý nghĩa. Thuở còn bé thơ chưa hiểu biết gì, Tết đơn giản chỉ là dịp được nghỉ học, để kiếm tiền lì xì, được ăn ngon, mặc đẹp. Chúc Tết họ hàng chỉ mong về nhanh để đi nhà khác sau khi đã nhét phong bao vào túi. Khi đó “sum vầy” là thứ tất nhiên, tất nhiên đến nỗi mơ hồ. Lớn hơn một chút, đến cái tuổi dở dở ương ương thì Tết là dịp đi chơi xả láng với bạn bè. Đi suốt ngày, khi về đến cổng nhà lại tiếc sao thời gian trôi nhanh quá. Đến tuổi biết yêu, Tết chẳng khi nào muốn ở nhà, chỉ thích vi vu bên nàng, tay trong tay hạnh phúc.

Con người là một loài có đầy tình thương nhưng cũng đầy tính ích kỷ. Cái tôi đôi lúc nổi lên quá mạnh mẽ, lấn át cái “chúng ta”. Tuổi trẻ ai chẳng có chút ngông cuồng. Muốn tự do, tự tại, tự lập, đến nỗi quên gia đình, quên tổ ấm, quên mất chỗ dựa của ta từ bé. Ngày Tết vi vu, thích thì thích thật, thoải mái thật, nhưng lắm lúc thấy cô đơn lắm. Thèm được ở bên cha mẹ đón giao thừa, thèm một cái khoác vào tay mẹ để thấy mẹ ấm nhường nào, thèm một cái nhấc bổng lên cao quá đầu của cha để thấy cha vẫn còn sung sức, thèm một cái hôn chùn chụt lên chiếc má phúng phính của đứa em nhỏ ngây thơ.

Khi đã đủ lớn, đã sống đủ để hiểu một chút về ý nghĩa cuộc đời, ta mới thấy cái cảnh sum vầy sao mà đáng quý đến thế. Đơn giản chỉ là một cái cụng ly với cha mẹ, một lời chúc Tết đêm giao thừa mà năm nào cũng giống nhau nhưng ta luôn mong mỏi. Chợt nhớ cuộc đời còn đó nhiều người không được hưởng niềm vui sum vầy đầu năm.

Họ cũng có gia đình, họ cũng thèm muốn sum vầy lắm chứ, nhưng họ phải nén lòng kìm lại, rồi gạt đi vì công việc, vì lý tưởng, vì lẽ sống, vì xã hội, vì đất nước. Họ là người lính luôn nắm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc bất kể Tết hay ngày thường, họ là người bác sĩ thức trắng đêm giao thừa chăm sóc bệnh nhân, họ là người công an đêm ba mươi vẫn làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và bình yên cho cuộc sống, họ là người sinh viên xa xứ quyết tâm đèn sách thông Tết để sau này thành tài góp sức cho gia đình, cho quê hương.

Họ hy sinh cái tôi bé nhỏ, niềm vui sum vầy bé nhỏ của bản thân họ, của gia đình họ để góp phần tạo nên cái “sum vầy” đáng quý hơn – niềm vui sum vầy lớn lao của cả dân tộc. Họ cũng rất day dứt, rất tiếc nuối, đôi chân họ rất muốn chạy về bên gia đình, nhưng họ đã không làm thế vì họ có lý tưởng, có quyết tâm và niềm tin lớn lao. Họ biết rằng gia đình ở quê xa luôn ủng hộ và yêu quý họ, dù họ không có nhà khi Tết đến nhưng gia đình vẫn luôn hướng về họ.

Từ xưa đến nay, không biết có bao nhiêu người con của Tổ quốc đã tự nguyện hy sinh sự sum vầy cá nhân cho sự sum vầy của người khác, để vun đắp cho sự sum vầy của cả dân tộc? Dám chắc họ cũng không cô đơn trong những ngày Tết xa nhà. Họ còn có đồng nghiệp, đồng chí, quân có dân, bác sĩ có bệnh nhân, sinh viên xa nhà có bạn bè. Niềm vui sum vầy đó cũng có ý nghĩa, cũng ấm áp lắm chứ. Và còn đâu đó những người lầm lỗi luôn cố gắng cải tạo để hòa nhập cuộc sống, đang quây quần quanh nồi bánh chưng sum vầy đón Tết cùng những người cán bộ, người thầy của mình.

Tết sum vầy! Khó có thể dùng lời để nói  hết những tình cảm đầm ấm, yêu thương đó. Dù trong mỗi chúng ta có cảm nhận khác nhau về sự chia sẻ, không khí sum họp, tình cảm yêu thương của ngày Tết cổ truyền. Hãy tạm quên đi cái tôi cá nhân và hãy biết hy sinh một chút sự sum vầy của bản thân để vun đắp cho hạnh phúc sum vầy lớn lao của tương lai, của toàn xã hội, của quê hương, đất nước.

ĐINH THÀNH TRUNG