CSVN Xuân – Phát triển bền vững đã được nhận thức là con đường tất yếu của nhân loại. Để có những giải pháp cụ thể, đúng hướng, tránh lãng phí thời gian và nguồn lực, rất cần sự quyết tâm, kiên định của lãnh đạo các cấp và sự đóng góp tâm huyết, bền bỉ của từng người tham gia. Đặc biệt, truyền thông và kế hoạch hành động cụ thể là chìa khóa để vươn đến mục tiêu thành công và hiệu quả.
Chính sách phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam
Tiếp cận sớm với quan niệm về phát triển bền vững của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình hội nhập quốc tế. Năm 2004, “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” đã được ban hành tại Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004.
Theo đó, Việt Nam đồng thuận với khái niệm của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, đó là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau, đồng thời khẳng định phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Tiếp theo, Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020” tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012, với quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững và mục tiêu là nhằm đạt sự tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Đồng hành cùng với Liên Hợp Quốc trong Chương trình phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai từ năm 2018, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược, chính sách, kế hoạch, dự án và thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (641/QĐ-TTg ngày 31/5/2012) để tham mưu, tư vấn về xây dựng, thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện phát triển bền vững của Việt Nam.
VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam vào năm 2010 để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. VCCI đã tổ chức hàng năm sự kiện “Top 100 doanh nghiệp bền vững” nhằm tôn vinh những doanh nghiệp quản trị và thực hiện tốt các tiêu chí về phát triển bền vững phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Nhu cầu về nguồn cao su và gỗ cao su bền vững
Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển bền vững của ngành cao su thiên nhiên đã chuyển biến nhanh trước yêu cầu của thị trường, đòi hỏi các nhà sản xuất không chỉ đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, có uy tín kinh doanh, mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường.
Năm 2018, 11 tập đoàn lốp xe lớn trên thế giới đã tuyên bố tham gia dự án Lốp xe TIP của Hội đồng Phát triển bền vững thế giới. Dự án này đang xây dựng bộ tiêu chuẩn về cao su thiên nhiên bền vững để yêu cầu người tiêu thụ và nhà cung cấp nguyên liệu tuân thủ. Bộ tiêu chuẩn này được dự kiến áp dụng từ năm 2019, sẽ tạo nhu cầu lớn về cao su thiên nhiên bền vững chiếm khoảng 65% thị phần toàn cầu.
Bên cạnh đó, những tập đoàn nội thất lớn cũng tuyên bố chỉ tìm mua nguyên liệu gỗ cao su bền vững như IKEA (Thụy Điển), William-Sonoma Inc (Hoa Kỳ)… tạo cơ hội lớn cho gỗ cao su từ rừng trồng, nhưng cần có bằng chứng về quản lý và sản xuất bền vững.
Trước yêu cầu của người sử dụng tìm nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên bền vững, từ năm 2012, Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) đã đưa ra Sáng kiến Cao su thiên nhiên bền vững (SNRi), đề nghị các bên liên quan sản xuất cao su thiên nhiên áp dụng tự nguyện 5 nguyên tắc: (1) Cải thiện năng suất cây cao su liên tục; (2) Nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên; (3) Hỗ trợ phát triển rừng bền vững; (4) Quản lý nguồn nước theo pháp luật quy định; (5) Tôn trọng nhân quyền và các quyền lao động.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp mua cao su thiên nhiên và gỗ cao su yêu cầu có chứng chỉ về quản lý và sản xuất bền vững theo bộ tiêu chí của FSC do Hội đồng quản lý rừng thế giới quy định hoặc của PEFC do Chương trình Công nhận chứng chỉ rừng xác nhận.
Những kết quả bước đầu
Từ năm 2017, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) liên tục phối hợp với những tổ chức liên quan để thực hiện hội thảo, tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm giúp Hội viên và DN nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.
VRA, VRG và WWF-Việt Nam đã phối hợp xây dựng Sổ tay Hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế. Sổ tay này đã được phổ biến từ tháng 7/2018 và được VRG áp dụng nhằm tiếp cận với các nguyên tắc của quốc tế về quản lý bền vững rừng trồng cao su.
VRA và VRG tiếp tục phối hợp với các tổ chức phi chính phủ gồm PanNature, VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Oxfam tại Việt Nam để xây dựng “Tài liệu hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro về môi trường-xã hội cho DN Việt Nam đầu tư ra ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông” từ năm 2017. Hướng dẫn này đang được áp dụng thí điểm tại 3 DN Việt Nam đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia (Daklaoruco, Quasa – Geruco, Krông Buk – Ratanakiri) từ năm 2018 nhằm cải thiện công tác bảo vệ môi trường và quan hệ cộng đồng.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Chương trình Liên hợp quốc UN-REDD, VRA, VRG và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đang phối hợp xây dựng “Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững” từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến mủ cao su và gỗ cao su.
Hai tài liệu hướng dẫn này dự kiến được công bố và phổ biến để áp dụng trong đầu năm 2019.
Trong ngành cao su Việt Nam, DN nòng cốt là VRG đã công bố cam kết phát triển bền vững vào cuối năm 2017 và tiếp tục khẳng định qua Nghị quyết (16/NQ-HĐQTCSVN ngày 18/10/2018) về DN phát triển bền vững với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường.
Theo đó, VRG đang xây dựng kế hoạch phát triển khoảng 20.000 ha rừng và cây trồng khác để bảo đảm tính đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cao su, đồng thời, xây dựng lộ trình tái cấp chứng chỉ FSC và xây dựng mô hình quản lý rừng cao su bền vững cho toàn Tập đoàn.
TS. TRẦN THỊ THÚY HOA
Related posts:
- Phát huy truyền thống, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2022
- Tổng doanh thu Cao su Bình Long 6 tháng đạt gần 450 tỷ đồng
- "Thống nhất trong thực hiện Quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu từ Tập đoàn đến đơn vị"
- Cao su Điện Biên quan tâm nâng cao đời sống người lao động
- VRG tổ chức 21 sự kiện kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su
- Thu nhập ngoài lương Cao su Phước Hòa 30 triệu đồng/hộ
- Cao su Phú Thịnh vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019
- 4 công ty cao su tại Gia Lai: 543 cán bộ chiến sỹ được huấn luyện quân sự
- Đồng chí Thái Bảo Tri giữ chức Bí thư Đảng ủy Cao su Quảng Nam
- Lê Thị Yến – Công nhân Tổ 9, NT Ia H’lốp, Cao su Chư Sê: Hoàn thành kế hoạch sớm 55 ngày