Bác Đỗ Mười với ngành cao su

CSVN XUÂN – Ngành cao su Việt Nam luôn ghi nhớ sâu sắc hình ảnh, những lời chỉ bảo, sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của đ/c Đỗ Mười – Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ thuở mới xây dựng ngành sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, thành lập Ban Cao su Nam Bộ (Tổng cục Cao su Việt Nam, nay là VRG).
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Công ty Cao su Đồng Nai tháng 8/1989, thời gian này đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Công ty Cao su Đồng Nai tháng 8/1989, thời gian này đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

Để viết được bài báo này, tôi đã phải điện thoại cho ông Trình Văn Sơn nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, là một trong những người đầu tiên đi xây dựng Cao su Phú Riềng từ năm 1977. Ông Trình Văn Sơn nhớ lại, lúc bấy giờ đ/c Đỗ Mười là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) đã trực tiếp đến Cao su Phú Riềng để khảo sát đất, chỉ đạo trồng cao su tránh trùng với đất có mỏ bô-xít… Sau này, vào đầu thập niên tám mươi (1981- 1989), tôi là người phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô, thường xuyên đến Phú Riềng, trong phòng giám đốc, phòng bảo tàng của công ty treo hình đ/c Phó Chủ tịch HĐBT đến thăm và làm việc với công ty.

Sự phát triển nhanh, mạnh của ngành cao su trong thập niên tám mươi có phần giúp đỡ, đóng góp nhiệt tình của đ/c Đỗ Mười – Phó Chủ tịch HĐBT lúc bấy giờ là mời gọi các nước Xã hội Chủ nghĩa đầu tư, hợp tác trồng cao su tại Việt Nam. Hiệp định I hợp tác với Liên Xô trồng cao su tại Việt Nam, cụ thể là trồng 50.000 ha cao su tại Cao su Phú Riềng.

Do tiến độ trồng cao su chậm, không đáp ứng được yêu cầu hợp tác, đ/c Phó Chủ tịch HĐBT đã bàn với Bộ Chính trị, Chính phủ mở rộng trồng cao su từ Phú Riềng đến Dầu Tiếng, Bình Long và Đồng Phú. Vì vậy, Hiệp định I trồng cao su với Liên Xô sớm kết thúc, Việt Nam và Liên Xô đàm phán, ký tiếp Hiệp định II phát triển 120.000 ha cao su.

Một sự kiện hết sức quan trọng với sự tham gia của đ/c Đỗ Mười – Phó Chủ tịch HĐBT, phía Liên Xô cũng có một đ/c Phó Chủ tịch HĐBT, tất cả tham gia trồng cây cao su đầu tiên của Hiệp định II tại Nông trường Long Thành, Công ty Cao su Đồng Nai. Thời đó là vào năm 1986, trước khi đón đoàn Liên Xô, đ/c Đỗ Mười đã làm việc với lãnh đạo Tổng cục Cao su, lãnh đạo Cao su Đồng Nai, vạch đường, chỉ hướng phát triển cao su tại Đồng Nai và cho cả ngành cao su Việt Nam.

Với những người có ý chí, kiên định phát triển cao su ban đầu tại Việt Nam như chú Đỗ Văn Nguyện, chú Huỳnh Văn Bình, chú Tư Cao…, từ vốn hợp tác trồng cao su với Liên Xô, với phương châm gà mẹ đẻ gà con, hàng loạt các công ty cao su ở Tây Nguyên, miền Trung được thành lập. Ngày nay, cây cao su phát triển ở vùng núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang và Lào Cai cùng theo phương châm đó.

Với gần 20 năm là Phó Chủ tịch HĐBT, tháng 6/1988 đ/c là Chủ tịch HĐBT. Từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997 đ/c Đỗ Mười là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hồi đó, khi đến các doanh nghiệp, kể cả cao su, đ/c Đỗ Mười thường nhấn mạnh “Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước tiên phải: “Hiện đại hóa con người””. Đây là tiền đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bây giờ mà thực chất cuộc cách mạng này là do con người và vì con người như đ/c Đỗ Mười đã nghĩ đến trước đây. Thuật ngữ này có tâm ý sâu xa về tiến trình xây dựng đất nước ta từ đó đến nay.

THANH LA