CSVN XUÂN – Năm 2018, ngành cao su tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Giá cao su luôn ở mức thấp, do nguồn cung toàn cầu tăng cao. Tuy nhiên, các đơn vị thành viên VRG đã chủ động, linh hoạt vượt khó và đạt được kết quả khả quan trong SXKD.
Nhiều giải pháp linh hoạt vượt khó
Tình hình tiêu thụ, xuất khẩu năm 2018 của các đơn vị thành viên VRG gặp nhiều khó khăn, do các nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, nguồn cung cao su vượt nhiều so với cầu. Thứ hai, giá cao su giảm sút nhanh, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc kéo dài khiến cho ngành cao su Việt Nam cũng bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung 10% của Mỹ. Thứ ba, Trung Quốc miễn giảm thuế cho cao su mixture (cao su hỗn hợp mã HS 400280), nhưng các đơn vị thành viên VRG không sản xuất sản phẩm mixture. Chính vì vậy, khó cạnh tranh sang thị trường Trung Quốc, với thuế xuất khẩu 20%. Điều này đã đem lại nhiều thách thức cho cao su VRG trong các năm qua và cho cả những năm tiếp theo khi mà các chính sách về thuế của Trung Quốc vẫn áp mức thuế đối với sản phẩm cao su thiên nhiên.
Trước tình hình khó khăn của năm 2018, các đơn vị thành viên VRG đã chủ động, linh hoạt vượt khó và đạt được những kết quả khả quan trong SXKD. Giá bán bình quân toàn Tập đoàn đạt 32,3 triệu đồng/tấn, giảm gần 7,5 triệu đồng/ tấn (18,8%) so với giá bán năm 2017.
Trong năm 2018, VRG đã có những giải pháp vượt khó, cụ thể như sau: Thứ nhất, điều hành linh hoạt giá sàn, liên tục cập nhật thị trường giao dịch trên thế giới, tình hình thị trường trong nước để có những ứng phó tùy từng hoàn cảnh, từng thời điểm. Năm 2018, Tập đoàn đã ban hành 28 lượt giá sàn, trung bình 2 lần/tháng. Ngoài việc cập nhật thông tin giá cả hàng ngày trên các thị trường Sicom, MRB, Shanghai và Tocom, Ban XNK VRG còn chủ động trao đổi thông tin về thị trường và giá cả, giá thu mua mủ nước hàng ngày với các công ty thành viên miền Đông.
Tổ Tư vấn giá và nghiên cứu Thị trường đã tổ chức họp định kỳ và đột xuất nhằm đánh giá tình hình thực hiện hợp đồng dài hạn (HĐDH) và các ý kiến phản hồi của khách hàng; tình hình sản xuất, tiêu thụ, tồn kho, tham mưu về vấn đề điều hành giá sàn trong tiêu thụ; đánh giá các yếu tố tác động, dự báo thị trường và các giải pháp tiêu thụ cao su.
Thứ hai, VRG có công thức giá HĐDH phù hợp, có số lượng hợp đồng đảm bảo ổn định sản xuất và tiêu thụ. So với các năm trước, năm 2018 Ban XNK VRG đã liên tục tham mưu điều chỉnh các cơ chế giá hỗ trợ cho các đơn vị, các lần điều chỉnh sau có tính phù hợp với tình hình thực tế hơn. Kết quả ban hành 10 văn bản cơ chế giá (thương hiệu, vận chuyển) để hỗ trợ trong công tác tiêu thụ cho các công ty tại Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Campuchia và Lào…
Thứ ba, chuyển đổi cơ cấu chủng loại sản phẩm phù hợp, tăng SVR 10, 20, mủ tờ RSS, ly tâm và giảm 3L. Thứ tư, xây dựng thương hiệu “Cao su Việt Nam” với chất lượng tốt, sản phẩm ổn định, hình thành kênh phân phối riêng biệt để sản xuất và đặt hàng theo tiêu chuẩn VRG. Một trong những chủ trương quan trọng của Tập đoàn là phát triển thương hiệu Cao su VRG theo tiêu chuẩn TCCS 112:2017. Đây là một chủ trương kịp thời để nâng cao chất lượng, vị thế của sản phẩm cao su toàn Tập đoàn.
Sản xuất sản phẩm mang lại giá trị cao
Dự báo trong năm 2019 tiếp tục sẽ là một năm khó khăn với ngành cao su Việt Nam nói riêng và cao su thiên nhiên thế giới nói chung. Giá cao su trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc và tồn kho cao su vẫn ở mức cao. Với đà suy giảm của giá cao su đã chạm ngưỡng giá thành chế biến sẽ dẫn đến việc các công ty phải xem xét lại chủng loại sản xuất sao cho phù hợp nhất để tạo ra giá trị thặng dư cao nhất.
Với chủ trương của lãnh đạo Tập đoàn là sản xuất đến đâu – tiêu thụ đến đó, sản xuất các sản phẩm mà thị trường cần, sản xuất các sản phẩm mang lại giá trị cao. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ khách hàng… tại các đơn vị là yếu tố để tăng mức cạnh tranh tại các đơn vị thành viên. Tiếp tục tìm kiếm và áp dụng các giải pháp giảm giá thành đến mức thấp nhất để SXKD luôn có hiệu quả.
Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường và yêu cầu của các khách hàng riêng biệt. Quản lý tốt chất lượng sản phẩm, bảo đảm chất lượng của sản phẩm luôn ổn định và đồng đều. Tăng cường tìm kiếm, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các khách hàng lớn, có tiềm năng, là các nhà sản xuất trực tiếp. Nỗ lực xúc tiến thương mại, tiếp thị để giữ vững thị phần các thị trường đã có và phát triển các thị trường mới. Giới thiệu với khách hàng về các sản phẩm từ các nhà máy mới.
TUỆ LINH (Ghi)
Related posts:
- Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại Campuchia
- TGĐ Trần Ngọc Thuận chúc Tết Thành ủy TP.HCM
- Trao nhà Mái ấm CĐ cho công nhân
- Mùa thi ấn tượng
- Cao su Bình Long khánh thành dây chuyền chế biến mủ tờ 2.000 tấn/năm
- Cao su Đồng Nai kỷ niệm 40 năm thành lập
- Trên 83% lao động Gỗ Thuận An làm việc “3 tại chỗ”
- VRG có nhiều giải pháp hướng đến lợi nhuận 6.870 tỷ đồng/năm
- Đ/c Huỳnh Thị Cẩm Hồng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Cao su Dầu Tiếng nhiệm kỳ 2015 - 2020
- Chuỗi hoạt động cuối năm của VRG