Nhân rộng các mô hình trồng xen

CSVN Xuân – Trồng xen nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho NLĐ được khẳng định là chủ kết quả trong thực tế.

Trồng xen canh cây nghệ tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Vũ Phong.

Trồng xen canh cây nghệ tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Vũ Phong.

Từ chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết giảm giá thành, tăng thu nhập cho NLĐ được lãnh đạo VRG chỉ đạo thực hiện, các đơn vị đã chủ động chọn mô hình, cây trồng xen canh đa dạng trên vườn cây KTCB. Tính từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích xen canh toàn VRG hơn 20.513 ha triển khai trồng ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung. Trong đó, cây trồng hàng năm hơn 13.348 ha, chiếm 65% và cây trồng lâu năm hơn 7.165 ha, chiếm 35%.

Cây trồng hàng năm phổ biến được các đơn vị chọn trồng xen gồm có nghệ, khoai lang, bắp, dưa hấu, mía, các loại đậu, mè,… với mật độ thiết kế chuẩn 6x3m (555 cây/ha), đa số các loại cây này không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây cao su. Một số loại cây có tưới nước như dưa hấu, bắp… rất thuận lợi cho cây cao su phát triển ngay trong mùa khô, tiêu biểu như ở các Công ty Cao su Tây Ninh, Tân Biên và Dầu Tiếng.

 

Trồng xen đậu phộng tại Công ty CPCS Tây Ninh. Ảnh: Thế Trung
Trồng xen đậu phộng tại Công ty CPCS Tây Ninh. Ảnh: Thế Trung

Đối với nhóm trồng xen cây lâu năm, các đơn vị thực hiện bằng hình thức tự tổ chức trồng xen hoặc cho thuê, hợp tác hoặc liên kết với các đơn vị có chuyên môn. Theo tính toán, nếu đơn vị tự thực hiện thì nhóm cây này cho thu nhập từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/ha/năm. Cà phê, keo lai, mít, dó bầu, bơ, tiêu là những cây trồng lâu năm được các đơn vị ưu tiên lựa chọn. Trong đó, cây cà phê tại các đơn vị Cao su Krông Buk, Mang Yang, Chư Sê đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Riêng đối với cây keo lai, hiện nay tổng diện tích keo lai xen canh trong vườn cao su là 2.059 ha, qua theo dõi thực tế cho thấy cây keo lai có ảnh hưởng đến sinh trưởng cây cao su (từ năm thứ 3 trở đi), vì vậy một số đơn vị đã thu hoạch keo sớm.

anh 3

VRG đã quy định hình thức trồng xen về mật độ cây cao su từ 500 cây/ ha, chỉ một số ít thử nghiệm tại Chư Sê được VRG cho phép mật độ từ 413 – 476 cây/ha để tăng hiệu quả, bảo đảm chu kỳ kinh tế như cà phê, tiêu (giãn hàng 3). Thiết kế giãn hàng với quy cách 2x5x15 (500 cây/ha) được áp dụng phổ biến.

 

Tính từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích xen canh toàn VRG hơn 20.513 ha. Ảnh: Vũ Phong.
Tính từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích xen canh toàn VRG hơn 20.513 ha. Ảnh: Vũ Phong.

Đánh giá chung và định hướng trồng xen trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ thường trực VRG cho biết: “Giải pháp trồng xen nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng lợi ích trồng xen tái đầu tư cho vườn cây KTCB đã được khẳng định. Đa số các diện tích có trồng xen giảm được từ 6 -19 công/ha ở hạng mục làm cỏ luồng và chăm sóc hàng 3 (biến động tùy loại cây xen và năm trồng, khu vực). Xen cây hàng năm tốt cho cây cao su, đặc biệt khoai lang ở Tây Nguyên, dưa hấu ở Đông Nam bộ, mật độ chuẩn 555 cây/ha (6x3m) là hướng chủ đạo.

Trong năm 2019, VRG tiếp tục đúc kết các mô hình trồng xen, nhận rộng mô hình có hiệu quả kinh tế – kỹ thuật. Xử lý sớm những loại cây trồng xen ảnh hưởng đến cây cao su, trước mắt dừng xen diện tích mới đối với cây keo lai”.

QUỲNH MAI