Cơ hội để ngành sản xuất săm lốp tăng tốc

CSVN Xuân – “Sự phát triển của phân khúc ô tô hạng sang cùng với giải đua xe F1 sẽ được tổ chức tại VN từ năm 2020, sẽ tạo động lực để các thương hiệu lốp xe cao cấp gia nhập cuộc đua tranh giành thị phần”.
Lắp ráp xe tại nhà máy của VIFAST
Lắp ráp xe tại nhà máy của VIFAST
Ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh

Theo ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Hội kỹ sư Ô tô VN, ngành công nghiệp ôtô VN đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, ngành công nghiệp ô tô được định hướng trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của VN. Cụ thể, đến năm 2020, ngành công nghiệp ô tô VN sẽ đáp ứng được 30 – 40% giá trị nhu cầu linh kiện và phụ tùng cho sản xuất xe ô tô trong nước. Ngoài ra, giai đoạn 2026 – 2030 ngành công nghiệp ôtô sẽ đáp ứng được hơn 50% giá trị linh kiện và phụ tùng sản xuất xe ô tô trong nước.

Ngành sản xuất săm lốp: Cơ hội đi kèm thách thức

Với chiến lược phát triển trên chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm ô tô nội địa. Sản phẩm săm lốp là linh kiện quan trọng nhất được các DN sản xuất và đáp ứng thành công cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Do đó, ngành săm lốp sẽ là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ định hướng phát triển này của nhà nước.

Ngành công nghiệp sản xuất lốp xe tại VN đạt giá trị xuất siêu tăng liên tục từ năm 2010 đến 2018 với khoảng cách ngày càng lớn, trong năm 2018 dự kiến xuất siêu đạt trên 650 triệu USD. Hiện nay, VN đã xuất khẩu lốp xe sang 128 thị trường. Hiện có khoảng 211 DN tham gia xuất khẩu lốp xe, trong đó 2 DN dẫn đầu chiếm 56,3% kim ngạch xuất khẩu là những DN có vốn đầu tư nước ngoài, như: Sailun (Trung Quốc), Kumho (Hàn Quốc).

Theo phân tích và nhận định của các chuyên gia, sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp ô tô thời gian gần đây sẽ mở ra các cơ hội cho các DN sản xuất săm lốp trong nước với tư cách là nhà cung cấp thiết bị, linh kiện phụ trợ.

[cow_johnson general_float=”center”]“Sự phát triển của phân khúc ô tô hạng sang cùng với giải đua xe F1 sẽ được tổ chức tại VN từ năm 2020, sẽ tạo động lực để các thương hiệu lốp xe cao cấp gia nhập cuộc đua tranh giành thị phần”.[/cow_johnson]

Nhà sản xuất ô tô mới nổi trên thị trường VN là Vinfast (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng không giấu tham vọng xây dựng thành công một tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ. Mục tiêu của Vingroup là tạo chuỗi cung ứng đồng bộ nhằm phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trở thành lĩnh vực dẫn dắt cho phát triển công nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, sẵn sàng ký kết nhiều liên doanh và hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng như trong nước để thành lập liên doanh sản xuất, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhà sản xuất đã có mặt tại VN và các DN công nghiệp phụ trợ của VN”, ông Võ Quang Huệ – Phó TGĐ Tập đoàn Vingroup, phụ trách Vinfast nhấn mạnh.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp VN sẽ đạt khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018 – 2020, cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới, đồng thời cũng cao hơn mức bình quân 6% của nhóm thị trường đang phát triển. Hiện, cơ cấu sản xuất, phân khúc sản phẩm và thị trường mục tiêu đã có sự phân hóa rõ ràng giữa các DN. Nhóm DN FDI phần lớn tập trung vào các sản phẩm lốp Radial cho xe ô tô con để phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Nhóm DN nội địa có danh mục sản phẩm đa dạng và phần lớn doanh thu do thị trường trong nước đóng góp.

Theo các chuyên gia, để phát triển ngành săm lốp ô tô và công nghiệp phụ trợ VN, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất cho các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ để cung cấp sản phẩm cho các DN lắp ráp ô tô tại VN.

Để nắm bắt cơ hội và cạnh tranh với săm lốp ngoại, các ý kiến đều thống nhất rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với các DN săm lốp VN là cần tăng cường đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; có giá cạnh tranh và chế độ hậu mãi chu đáo.

QUỐC HÙNG