CSVNO – Ngày 28/12, tại TP.HCM, Hội đồng Dân tộc Quốc hội phối hợp với Liên minh Đất rừng Forland tổ chức Hội thảo “Định hướng và giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ở các công ty Nông lâm nghiệp, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội”. Ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT VRG tham dự buổi hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT VRG đã chia sẻ thực trạng, khó khăn và giải pháp quản lý đất đai sau sắp xếp đổi mới của VRG.
Tập đoàn hiện có 20 công ty TNHH MTV Cao su (tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ) và 6 công ty cổ phần cao su (Tập đoàn chiếm cổ phần chi phối) đang quản lý sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường. Tổng diện tích quản lý sử dung là 292.407 ha, trong đó, đất nông nghiệp chủ yếu trồng cao su chiếm khoảng 85% là 286.954 ha; đất phi nông nghiệp 5.453 ha. Vẫn còn nhiều khó khăn, thực trạng tình hình lấn chiếm, tranh chấp vẫn còn…
Tập đoàn đã đưa ra các giải pháp trọng tâm tăng cường công tác rà soát, đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc và hoàn thiện hồ sơ pháp lý đất đai; tích cực phối hợp với địa phương; nâng cao trình độ chuyên môn, hệ thống quản lý và tăng cường hiệu quả sử dụng đất.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của các dự án do Oxfam tài trợ hướng tới sự quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh hiệu quả đối với các công ty nông lâm nghiệp, hộ gia đình và cá nhân, đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội.
Sau khi Hội đồng dân tộc Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát tại 9 tỉnh theo chuyên đề “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện NQ 112/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội” đã tổng hợp các kết quả sau hơn 3 năm triển khai các vấn đề nhằm thực hiện giao đất, giao rừng, chuyển đổi cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững. Kết quả giám sát cho thấy công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh chưa được các địa phương thực hiện triệt để và đồng bộ.
Đến nay mới chỉ có 22% diện tích đất đai giao được thực hiện việc rà soát, đo đạc cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý trong khi phần đất giữ lại của 252 công ty nông, lâm nghiệp lên tới 2.018.000 ha. Việc chưa xác định rõ ranh giới cùng với thực trạng nhân lực các công ty còn thiếu và yếu, quản lý không hiệu quả, trong khi cộng đồng địa phương lại thiếu đất sản xuất dẫn tới tình trạng lấn chiếm, khai thác trái phép lâm sản, phá rừng cũng như tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài.
Trong số 45 tỉnh thực hiện chuyển đổi đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh (NLTQD), chỉ có 11 tỉnh hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 13 tỉnh hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Tổng diện tích được xây dựng phương án đạt 51,3% diện tích có phương án sử dụng đất, các địa phương còn lúng túng trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất.
Hội đồng dân tộc đã báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở báo cáo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 trong đó yêu cầu “Tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ở các công ty nông lâm nghiệp, nhất là thu tiền sử dụng đất”.
Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả và các bài học kinh nghiệm về giám sát việc quản lý đất đai có nguồn gốc từ NLTQD thực hiện trong năm 2018 theo NQ 112/QH13; tìm ra các giải pháp để quản trị DN, tăng cường hiệu quả quản lý sử dụng đất, cơ chế tài chính đối với các công ty Nông lâm nghiệp, hộ gia đình và cá nhân, tìm ra giải pháp thu hồi đất có nguồn gốc từ NLTQD giao cho địa phương quản lý.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận của ông Triệu Văn Bình – Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc Văn phòng Quốc hội trình bày “Báo cáo Kết quả thực hiện NQ 112/QH13 năm 2018 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ NLTQD tính đến năm 2018”; “Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai các công ty nông, lâm nghiệp” do ông Mai Văn Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN&MT trình bày; “Đổi mới mô hình quản trị DN đối với các công ty nông, lâm nghiệp ” do ông Đặng Vũ Trân – Phó vụ trưởng vụ Quản lý DN Bộ NN&PTNT chia sẻ; “Một số giải pháp cơ chế chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai các công ty nông, lâm nghiệp” do GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT trình bày. Hội thảo cũng nghe ý kiến phát biểu của ông Hứa Đức Nhị, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các vấn đề liên quan.
Đại biểu đã thảo luận và đề xuất các khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ NLTQD, thực hiện tốt hơn các Nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành.
MINH TÂM
Related posts:
- Trường Cao đẳng CN Cao su: Làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp
- Vài nét về ngành cao su Côte d’Ivoire
- Trên 260 cán bộ đảng viên VRG tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng
- Khoa học công nghệ - "Đòn bẩy" giúp ngành cao su phát triển bền vững
- Cao su Bình Long thu nhập trên 9,7 triệu đồng/người/tháng
- Ông Phan Thanh Hà giữ chức Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông
- Lãnh đạo VRG tặng 50 suất quà cho công nhân Cao su Krông Buk - Rattanakiri
- Công ty 75: Bàn giao hệ thống “Đường điện gắn kết” cho làng Al
- 15 tập thể, 70 cá nhân Cao su Lai Châu được tuyên dương
- 56 thí sinh thi “Bàn tay vàng khai thác cao su” Binh đoàn 15