CSVNO – Đây là thông tin được nhấn mạnh tại Hội thảo “Tham vấn xây dựng tài liệu kỹ thuật sản xuất cao su bền vững” ngày 22/12 do VRG tổ chức. 63 đại biểu đến từ 27 đơn vị thành viên tham gia buổi hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho biết, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của thế giới, Tập đoàn chủ trương quyết liệt thực hiện và phát triển theo con đường này.
Tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cao su bền vững” được biên soạn thông qua Chương trình UN – REDD Việt Nam giai đoạn II thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững theo Quyết định số 419/QĐ- TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 (Chương trình REDD+).
Hội thảo nhằm bổ sung, góp ý và hoàn thiện tài liệu trong thời gian tới. Qua đó, sẽ phổ biến cho các đơn vị thành viên, đồng thời thông qua Hiệp hội Cao su Việt Nam VRA sẽ phổ biến cho các hội viên trong và ngoài Tập đoàn.
Tại hội thảo, đại diện nhóm biên soạn cũng cho biết, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất bền vững nhằm giúp ngành cao su có công cụ thực hiện Chương trình REDD+ của quốc gia và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giảm mất rừng và suy thoái rừng.
Tài liệu hướng dẫn những giải pháp kỹ thuật về sản xuất bền vững từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến cao su thiên nhiên và gỗ cao su, tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho các ngành công nghiệp chế biến sâu.
Các giải pháp khuyến cáo trong tài liệu được chọn lọc trên cơ sở kế thừa những quy trình kỹ thuật cây cao su của VRG và bổ sung những giải pháp tiến bộ trong khâu canh tác, chế biến mủ cao su và gỗ cao su, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, hỗ trợ bảo vệ rừng và đa dạng hóa nguồn thu nhập kết hợp với đa dạng sinh học.
Tài liệu được xây dựng như một cẩm nang thực hành cho người lao động trên vườn cao su và trong các nhà máy chế biến nguyên liệu, đồng thời giúp nhà quản lý và cán bộ khuyến nông hiểu rõ quy trình SX cao su thiên nhiên và gỗ cao su bền vững để hướng dẫn cho người tham gia sản xuất.
TS. Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia chương trình UN – REDD Việt Nam cho biết, những định hướng mới trong chiến lược REDD+ và cơ hội với ngành cao su là rất lớn. REDD+ là một cơ chế được UNFCCC (Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu) thông qua nhằm thực hiện các nỗ lực về giảm phát thải và tăng cường trữ lượng các-bon ở các nước đang phát triển.
Với các hoạt động chính về giảm phát thải do mất rừng; Giảm phát thải do suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng các-bon rừng; quản lý rừng bền vững; Tăng cường trữ lượng các-bon rừng. Tài liệu cần làm rõ các khái niệm, tập trung chi tiết các mô hình sản xuất bền vững bằng các số liệu, hình ảnh, việc làm, hành động cụ thể để nhấn mạnh trọng tâm phát triển bền vững.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để bổ sung vào tài liệu. Ban biên soạn cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, đồng thời chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện tài liệu. Sau khi hoàn thiện sẽ phổ biến rộng rãi trong toàn ngành.
MINH TÂM. ẢNH: VŨ PHONG
Related posts:
- Cao su Chư Sê: Trao thưởng hoàn thành kế hoạch gia công cho xí nghiệp chế biến
- Nghiêm túc phòng chống dịch Covid-19
- Anh Trần Ngọc Mẫn đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Lộc Ninh
- Để ngành gỗ bứt phá
- Đảng ủy VRG triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối DNTW
- Quyết tâm đạt thành tích cao
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tuyển 2 giảng viên
- Cao su Bình Thuận khen thưởng hơn 3,6 tỷ đồng cho người lao động
- Cao su Chư Păh tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Sự phát triển vững mạnh của VRG có ý nghĩa quan trọng