CSVN – Đây là kinh nghiệm của các “Bàn tay vàng” đạt giải nhất cá nhân Hội thi cấp ngành qua các thời kỳ.
Nhân dịp VRG tổ chức vinh danh các cá nhân đoạt giải cao tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su qua các thời kỳ, PV Tạp chí Cao su VN đã tìm gặp, ghi nhận những chia sẻ kinh nghiệm, gửi gắm của những công nhân từng đoạt giải nhất qua các Hội thi.
Trần Sỹ Lợi (Cao su Phước Hòa) – Giải nhất năm 2006:
“Năm 2006 là năm đầu tiên tôi tham dự Hội thi cấp ngành. Năm đó có 29 đơn vị dự thi và kết quả có rất nhiều thí sinh đạt 100 điểm. Khi được xướng tên giành giải cao nhất, cảm giác của tôi rất hạnh phúc, vỡ oà sung sướng, đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời của tôi. Sau Hội thi, công ty cũng tổ chức khen thưởng cho thành tích này. Ban lãnh đạo công ty, nông trường đã tạo điều kiện để tôi phát triển trong nghề nghiệp. Hiện nay tôi là đội trưởng đội 5, NT Nhà Nai. Cứ mỗi dịp chuẩn bị cho hội thi Bàn tay vàng cấp ngành, tôi lại có cơ hội tập luyện, chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho anh em trong đội tuyển dự thi. Với tôi đó là một vinh dự lớn”.
Phạm Chí Mạnh (Cao su Đồng Phú) – Giải nhất năm 2008:
“Tôi đạt giải nhất Hội thi năm 2008, năm đó tôi vừa tròn 23 tuổi. Đó là kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ của tôi. Sau khi đạt giải, tôi ý thức được việc phải nâng cao tay nghề để làm việc có hiệu quả hơn. Giải thưởng là nguồn động viên, khích lệ để tôi hào hứng hơn trong công việc. Năm đó tôi được nâng lương trước thời hạn 2 bậc, một là phần thưởng cho giải nhì cấp công ty và một cho giải nhất cấp ngành.
Khi đi thi ai cũng mong muốn mình sẽ giành giải, chính vì vậy trước thềm Hội thi 2018 tôi chúc các thí sinh có tâm lý vững vàng, quyết tâm, nhiệt huyết thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và cả bạn bè đồng trang lứa, rèn luyện nâng cao tay nghề giỏi lý thuyết – vững thực hành để góp phần xây dựng ngành cao su ngày càng phát triển hơn nữa”.
Trần Văn Dương (Cao su Chư Păh) – Giải nhất năm 2014:
“Tôi không nghĩ mình có bí quyết để giành chiến thắng trong Hội thi năm ấy, lúc đó tôi chỉ tập trung vào phần việc của mình. Do vậy, tôi thoải mái vượt qua được tâm lý lo lắng. Tôi mong các thí sinh về tham dự hội thi lần này thật bình tĩnh và tự tin để vượt qua chính mình.
Sau khi đạt giải, trở về với công việc đời thường của mình, tôi vẫn miệt mài, hăng say trong lao động sản xuất. Ngoài công việc ở đơn vị, tôi còn đi cạo thêm cho các hộ tiểu điền để nâng cao thu nhập trong thời điểm hiện nay”.
Trần Duy Đức (Cao su Chư Prông) – Giải nhất năm 2016:
“Tại buổi tổng kết Hội thi cấp ngành năm 2016 tổ chức tại Cao su Bình Long, khi được lãnh đạo ngành nhận xét một câu gắn gọn và nhiều ý nghĩa về tôi là “nhất trên cả nhất”, tôi thấy vui sướng khôn tả, tự hào vô cùng. Sau khi đạt danh hiệu cao nhất, tôi trở lại với vườn cây, công việc hàng ngày và tiếp tục luyện tay nghề. Khi tham gia các cuộc thi, tôi cho rằng bản lĩnh nơi trường thi là quan trọng nhất, tinh thần không tốt và thiếu tự tin thì không thể nào đạt được thành tích cao.
Từ nhiều năm trước, khi tôi đạt được những thành tích tại đội, công ty là cứ đến đầu mùa cạo NT Thống Nhất, Đội 3 đều yêu cầu tôi đi hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho CN yếu kém và cả CN mới vào nghề. Theo tôi, cạo mủ là một nghề hết sức đặc thù, mỗi người có một kỹ năng và khả năng riêng. Theo tôi ngành cao su tôn vinh những “Bàn tay vàng” là xứng đáng với những con người có trình độ, tay nghề và kỹ năng đặc biệt của nghề cạo mủ cao su.”
VĂN VĨNH – HÀ KHUÊ (GHI)
Related posts:
- Nữ công nhân ưu tú ở cao su Quảng Nam
- Chuyến xe tôi đi, rừng cây tôi đến
- Truyền thống công nhân cao su giúp chúng tôi luôn gần nhau
- Hội thi "Bàn tay vàng" là Festival đặc biệt của ngành cao su
- "Xuân này anh không về"
- “Phải có niềm đam mê mới thành công với nghề”
- Tự hào 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- Yêu nghề và trách nhiệm
- Đảng viên trẻ Rơ Lan H’Anh: Gương sáng tận hiến, xứng danh “Công nhân trẻ tiêu biểu”, “Người thợ trẻ...
- Học tập đức tính “Cần, Kiệm” của Bác sẽ bồi đắp thêm tình yêu ngành