CSVN – Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 30.000 ha cao su, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 30 nhà máy chế biến của các doanh nghiệp (DN) tư nhân nên việc cạnh tranh thu mua mủ nguyên liệu rất gay gắt.
Doanh nghiệp tư nhân: Nhiều “chiêu” cạnh tranh
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã đến những điểm thu mua trải dài như “nấm” ở 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các điểm thu mua gây ra cạnh tranh khá khốc liệt. Những “chiêu bài” như cho ứng vốn, ưu đãi giá, tặng quà, tổ chức đi du lịch… được hầu hết các điểm thu mua áp dụng để lôi kéo khách hàng. Các điểm thu mua còn cho người đến tận vườn để chở mủ và trả tiền.
Nhiều điểm có tiềm lực luôn nâng giá để kéo khách hàng. Điển hình là Công ty TNHH SouthLand – Trường Xuân (thôn 3, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh). Với 3 nhà máy trực tiếp sản xuất sản phẩm cao su, trung bình mỗi tháng SouthLand thu mua từ 180 – 200 tấn mủ cho mỗi nhà máy. DN này thường mua cao hơn 5 giá/độ TSC so với các điểm thu mua khác.
Nhiều năm làm công tác thu mua, chị Trần Thị Kim Liên – nhân viên điểm thu mua Xưởng Chế biến 2, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, cho biết: “DN tư nhân có lợi thế hơn và linh hoạt trong giá cả. Họ liên tục nâng giá để mua được nhiều hơn. Nếu các điểm khác không nâng theo hay không có các “chiêu” thu hút thì rất dễ mất khách hàng. Bên cạnh đó, năm nay cao su tiểu điền thanh lý vườn cây nhiều, dẫn đến sản lượng mủ sụt giảm. Nếu như những năm trước đây, điểm thu mua của chúng tôi mua khoảng 30 tấn/ngày, thì hiện tại chỉ được khoảng 6 – 7 tấn/ngày”.
Trong quá trình đi thực tế các điểm thu mua, chúng tôi nhận thấy sự cạnh tranh giữa các điểm thu mua chủ yếu về giá cả, đến tận vườn chở mủ cao su và thanh toán tiền. Ông Ngô Phước Khanh – Chủ DN Phước Khanh, chia sẻ: “Tôi thu mua mủ cao su của các nông hộ và bán cho Xí nghiệp chế biến Cao su Bình Thuận hơn 8 năm nay. Hiện tại, trung bình mỗi ngày tôi bán cho công ty 10 tấn mủ nước. Thời gian gần đây các DN tư nhân cạnh tranh thu mua gay gắt về giá, như Southland luôn thu mua với giá cao hơn Cao su Bình Thuận”.
Doanh nghiệp nhà nước gặp khó
Nếu như những năm trước đây, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận có lượng khách hàng ổn định và thường xuyên với khoảng 700 hộ nông dân và 30 DN bán mủ thường xuyên, thì hiện tại giảm khoảng 10 – 15%.
Nằm trong khu vực có nhiều công ty tư nhân thu mua và chế biến mủ cao su, những năm qua, công ty xác định việc gia tăng sản lượng thu mua là một nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược. Thu mua mủ về chế biến nhằm tận dụng hết công suất của nhà máy, góp phần giảm chi phí khấu hao máy móc thiết bị trong giá thành, tạo thêm quỹ tiền lương từ hoạt động thu mua, từ đó nâng cao thu nhập người lao động.
Tuy nhiên, trong năm 2018, bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt và diện tích vườn cây tiểu điền thanh lý nhiều, công ty cũng gặp nhiều khó khăn khách quan dẫn đến sản lượng thu mua sụt giảm. Đơn cử, đoạn đường 10 km Tân Hà – Gia Huynh vào Xí nghiệp Chế biến – điểm thu mua lớn nhất của công ty, chiếm 80% sản lượng, bị xuống cấp nghiêm trọng, do những xe tải vận chuyển cát thường xuyên qua lại. Đây là nguyên nhân chính khiến khách hàng ngại chở mủ đến xí nghiệp, khiến sản lượng thu mua của xí nghiệp giảm từ 15 – 20%.
Ông Nguyễn Ngọc Đại – Chủ tịch HĐTV công ty, chia sẻ: “Hầu hết khách hàng bán mủ cho xí nghiệp liên tục than phiền về đoạn đường này. Công ty đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Đầu năm, công ty có đổ cát, đá để cải thiện nhưng tình trạng sụt lún vẫn không thay đổi và đoạn đường này ngày càng xấu hơn”. Ngoài ra, cây cầu Tân Hà 2 bị sập vào tháng 9 vừa rồi khiến xe chở mủ của các tiểu thương không lưu thông được, dẫn đến sản lượng thu mua của xí nghiệp giảm khoảng 800 tấn.
Tiếp tục có chính sách để khách hàng gắn bó lâu dài
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận có 7 điểm thu mua. Trong đó có 1 điểm mới mở trong năm 2018 và linh hoạt cho xe đến tận vườn chở mủ. Công ty dự kiến sẽ mở thêm 1 – 2 điểm thu mua vào đầu mùa cạo năm 2019.
Ông Lê Trọng Phú – Trưởng Phòng Kinh doanh, Phó Ban thu mua công ty, chia sẻ: “Công ty luôn nỗ lực và linh hoạt trong cơ chế thu mua, như: mở rộng và phát triển mạng lưới trải rộng và đi sâu xuống các cơ sở, nhà vườn…; giá cạnh tranh, có hợp đồng chặt chẽ, uy tín với nhà vườn cung cấp; thiết lập đường dây nóng, cập nhật, công bố thông tin thị trường và giá cả thường xuyên, kịp thời. Chúng tôi luôn tạo niềm tin cho người dân và tiểu thương bán mủ. Trong các khâu từ tiếp nhận đến đo độ mủ luôn công khai, minh bạch, không thiên vị đối với bất kỳ ai… Dù khó khăn hay thuận lợi, chúng tôi vẫn duy trì chương trình tri ân khách hàng. Đây là một trong những cách tạo niềm tin đối với các hộ cao su tiểu điền”.
[cow_johnson general_float=”center”]10 tháng đầu năm 2018, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận thu mua được 4.297 tấn (đạt 47,7% kế hoạch năm). Dự kiến cả năm, công ty đạt 7.000 tấn (77,7% kế hoạch VRG giao), giảm 1.114 tấn so với năm 2017. Theo lãnh đạo công ty, trong điều kiện giá cao su thấp như hiện nay, việc thu mua vẫn có lãi. Trong dự thảo về cơ chế tổ chức thu mua của VRG sắp tới, việc ban hành giá thu mua và giá bán trên cơ sở tự chủ do Hội đồng thẩm định công ty thông qua. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để công ty đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ.[/cow_johnson]Công ty còn có chính sách đối với các nhà cung ứng nhằm tạo sự gắn bó lâu dài. Như đối với nhà cung ứng bán liên tục 1 tháng, 1 năm thì có đơn giá cao hơn so với bán không thường xuyên. Trong trường hợp lợi nhuận từ hoạt động thu mua cao, công ty còn hỗ trợ giá cho các hộ bán liên tục trên 1 năm khi thị trường sụt giảm liên tục. “Để thực hiện thu hút khách hàng, công ty tiếp tục tổ chức tốt dịch vụ chăm sóc khách hàng và ưu đãi về giá. Hộ bán số lượng lớn thì có giá hỗ trợ. Việc thực hiện đo TSC cũng là cách để thu hút khách hàng, trong khi các cơ sở khác đo bằng xi lanh thì công ty đo bằng gam nên khách quan, chính xác hơn, khách hàng không e ngại tình trạng gian lận” – ông Bùi Hải Hà – Phó Phòng Kinh doanh, thành viên Ban Thu mua công ty, cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc – chủ vườn thường xuyên bán mủ cho công ty từ năm 2011, hiện có 20 ha khai thác, chia sẻ: “Nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận là DN chủ lực thu mua cao su tiểu điền. Công ty là DN nhà nước nên bán mủ cho công ty rất yên tâm. Công ty đã tạo được niềm tin với khách hàng nhờ cân đong chính xác, đúng chất lượng. Ngoài ra công ty còn có các chính sách quan tâm, ưu đãi khách hàng, tạo quan hệ thủy chung, gắn kết giữa 2 bên. Chính vì vậy, mà chúng tôi vẫn quyết tâm gắn bó, là bạn hàng thân thiết với công ty”.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Cao su Việt Lào quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023
- Về Mang Yang hôm nay
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai: Chuyển đổi số toàn diện tạo nền tảng cho sự đột phá và tăng trưởng
- Tổ khai thác sản lượng cao nhiều năm liền
- Người cống hiến hết mình cho ngành nông nghiệp
- Cao su Lai Châu II ra quân khai thác mủ cao su
- Chăm sóc vườn cây cao su mùa nắng nóng
- Sôi nổi thi đua nước rút vượt khó hoàn thành kế hoạch
- Cao su Tân Biên: Đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 35 năm
- Cao su Đồng Phú: Về trước kế hoạch sản lượng 51 ngày