CSVNO – Chiều ngày 15/11, Bộ NN&PTNT đã bàn giao 5 doanh nghiệp thuộc bộ quản lý cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty lương thực miền Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam. Số vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp này là 50.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Lễ ký kết Biên bản chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước diễn ra chiều nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, 5 tập đoàn, tổng công ty này có vốn không lớn so với các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực khác, tổng vốn điều lệ chỉ 50.000 tỷ đồng (riêng Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam là 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các tập đoàn này có ý nghĩa rất quan trọng vì sở hữu quỹ đất nông nghiệp rất lớn, trong đó quỹ đất của Tập đoàn công nghiệp cao su đã lên tới 400.000 ha.
Trong số 5 doanh nghiệp trên, Tập đoàn công nghiệp cao su và Tổng công ty lương thực miền Nam đang trong quá trình cổ phần hóa (đang thực hiện bán vốn Nhà nước). Sau chuyển giao, Bộ và Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để các doanh nghiệp này cổ phần hóa nhanh nhất.
Thứ trưởng đánh giá, đến nay, 5 tập đoàn, tổng công ty này đã hoàn thành các sứ mệnh lịch sử, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bước đầu có lãi, bảo tồn được vốn nhà nước, đóng góp lớn phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa… Thứ trưởng cũng cho rằng, nên nhìn nhận một cách khách quan, công bằng hơn về đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế.
Chủ trương của Bộ NN&PTNT là đẩy mạnh bàn giao các doanh nghiệp nhà nước mà Bộ đang quản lý cho Ủy ban và cho SCIC. Cách đây 1 tháng, Bộ đã đề nghị SCIC tiếp nhận thêm 5 doanh nghiệp. Thứ trưởng đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo SCIC đẩy nhanh tốc độ tiếp nhận các doanh nghiệp nhà nước của Bộ NN&PTNT. Về phía mình, Bộ sẽ tích cực phối hợp trong công tác quản lý.
Ông Hà Công Tuấn tin tưởng, sau khi bàn giao, các doanh nghiệp trên sẽ sản xuất kinh doanh có hiệu quả và cùng với các doanh nghiệp khác trở thành đầu tàu tái cơ cấu ngành.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, sau khi tiếp nhận, Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu các doanh nghiệp này. Ủy ban cũng mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Ủy ban trong công tác chỉ đạo sản xuất kinh doanh với 5 Tập đoàn, tổng công ty này.
Sau lễ ký kết chuyển giao với Bộ NN&PTNT diễn ra chiều nay, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đã nhận đủ 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 bộ, bao gồm: Bộ Công thương, Giao thông – Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việc chuyển giao được thực hiện theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, ngoài 5 doanh nghiệp đã được Bộ NN&PTNT chuyển giao hôm nay, trước đó, Bộ Giao thông – Vận tải đã chuyển giao: Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng Công ty Hàng không.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuyển giao Vinaphone và MobiFone.
Bộ Tài chính đã chuyển giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước – SCIC.
Bộ Công thương đã chuyển giao 6 tập đoàn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Theo giá trị sổ sách, vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty này là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Sau khi chuyển giao, các Bộ chủ quản vẫn còn một số chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp như: xây dựng văn bản pháp luật về hoạt động của DNNN, hoạch định chiến lược phát triển ngành; xây dựng hệ thống các định mức, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực ngành như đơn giá, giá cả, định mức, tiêu chuẩn tiêu chí chuyên môn; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành và cuối cùng là thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước đối với các DN trong lĩnh vực ngành.
theo baodautu.vn
Related posts:
- Chị Đỗ Thị Duyên đạt giải khuyến khích Búa liềm vàng năm 2021
- Cao su Chư Sê thưởng đột xuất 14 tổ khai thác
- Cao su Ea H’Leo khai thác đạt 40% kế hoạch
- Cao su Đồng Phú có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật
- Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất
- Đoàn Thanh niên VRG tham gia giải bóng đá do Báo Nhân Dân tổ chức
- Tiếp tục điều chỉnh suất đầu tư trong năm 2016
- Video Clip Đại hội thi đua yêu nước VRG lần IV
- Lãnh đạo VRG làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Sơn La
- Cần bảo tồn các ngôi nhà cổ của phu công tra